Lẩn thẩn với Viềng

Bao bận đi Viềng, viết về Viềng rồi mà cứ ra Giêng lại cứ lẩn thẩn, vướng bận... Viềng?

Ây là đương nói đến Chợ Viềng. Nói ngay cho vuông là có mà tra mỏi tay mệt mắt trên gúc gồ vẫn chịu cứng chưa tường Viềng là cái gì?

Về đất Nam Định hỏi Viềng là sái. Bởi có đến 4 Viềng để chỉ phiên chợ họp mỗi năm chỉ một lần vào cữ nửa đêm mồng Bảy cho đến bạch nhật mồng Tám tháng Giêng là tan.
 
Một góc Chợ Viềng Nam Trực. Ảnh: Xuân Ba
Một góc Chợ Viềng Nam Trực. Ảnh: Xuân Ba

Đó là Viềng Nam Trực ngay cạnh chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh. Chếch xa nữa là Viềng Liễu Đề của huyện Nghĩa Hưng sát đền Triệu Quang Phục. Cũng chẳng ngái mấy nữa là chợ Viềng của huyện Mỹ Lộc gần với đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Xôm tụ nhất phải là Viềng Vụ Bản của xã Kim Thái, huyện Vụ Bản ngay sát quần thể Phủ Giày tự những ngày cuối năm cũ đã thánh thót bao cung bậc của cánh hát chầu văn.

Tóm lại Viềng là thứ đặc sản của cư dân lúa nước vùng Sơn Nam Hạ của Nam Định Nam Hà Ninh Bình. Không, mà rộng hơn thế cho cả người xứ Thanh xứ Nghệ, xứ Tỉnh Đông Hải Dương Hải Phòng mỗi năm cứ cữ đêm mồng Bảy rạng ngày mồng Tám tháng Giêng lại ùn ùn tìm đến 4 cái Viềng này mà đi chợ chơi chợ.

Lạ cái, hàng hoá chỉ là mấy thứ sản vật bầy giăng giăng khắp cả 4 Viềng: cây giống, cây cảnh, đồ sắt đồ đồng đồ sứ cũ mới ( nông cụ liềm hái cày bừa nồi niêu bát đũa và cả đồ cổ nữa) lại không thể không kể đến thịt bê, thịt bò.

Bây chừ xứ Sơn Nam Hạ hay Thượng vùng Nam Định còn mấy ai nhắc nhớ đến lời ca cũ của tiền nhân Mồng 4 chơi chợ Quả Linh/ Mồng 5 chợ Trình mồng 6 chợ Gôi/ Đến ngày mồng 7 ôi thôi/ Về nhà sắm sửa đi chơi chợ Viềng/ Chợ Viềng năm có một phiên/ Cái nón em đội cũng tiền anh mua...

Đận ấy đi Viềng, lang thang khắp bờ ngang nẻo tắt. Hóng hớt được vô khối chuyện trong đó có Viềng là viền là về? Do đọc chệch đi! Sống gửi thác về. Các cụ cao niên rành rẽ rằng cái chợ Viềng chợ họp nửa đêm đến tảng sáng như chợ ma ấy, người ta bảo Viềng là chợ Âm Phủ hay còn gọi là chợ Cầu May.

Chả phải đến đây để gặp người âm mà để lòng dạ nó tở mở ra như người ta lâu lâu phải ốm một cái thì mới biết quý mình quý người! Người đến chơi chợ là chính. Mua được thứ gì hay thứ đó. Kêu bằng cầu may!

Tiền nhân ngoài lối hát nôm, còn biện ra chữ hẳn hoi của Viềng. Trong chữ Nôm ta, Viềng là do chữ thiên và thượng gộp lại mà thành?

Năm ấy về hăm hở trưng ngay lên mặt báo tình tiết lẫn chuyện ấy. Đợi, đợi mãi mà chưa thấy độc giả nào phản hồi? Đợi và... buồn đến tận bây giờ!
 
Một quầy bán thịt bò tại Chợ Viềng.
Một quầy bán thịt bò tại Chợ Viềng.

Hình như mỗi người hiểu Viềng theo mỗi cách? Mà cách gì cũng làm cho dai dẳng cho trường tồn một kiểu chợ dẫu cho ngặt nghèo lối thương mại thời buổi nghiệt ngã kinh tế thị trường vẫn cứ mỗi năm ra Giêng lại một lần xôm tụ?

Lại lẩn thẩn nghĩ. Viềng đích là một kiểu, một dạng Hội chợ. Chứ sao? Chớ tưởng những Hội chợ lúa gạo, hội chợ chè, hội chợ cây trái vùng miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long hay thứ chi chi đó của vùng này miền khác là mới! Mà vẻ như hậu duệ Việt học được cái lối của Đại Việt của Viềng?

Từ đời nảo nao, Viềng như một Hội chợ sản vật. một hội chợ nông nghiệp của vùng Sơn Nam Hạ của Nam Định Nam Hà Ninh Bình. Không, mà rộng hơn thế cho cả người xứ Thanh xứ Nghệ, xứ Tỉnh Đông Hải Dương Hải Phòng. Có điều, dững hội chợ theo lối mới ấy, người ta qua khảo sát những sự kiện thương vụ này khác rồi đưa vô máy điện toán thống kê được cụ thể những hợp đồng những thương vụ này khác quy ngay được ra thóc bao nhiêu tiền Việt lẫn ngoại tệ những giao thương này khác!

Còn Viềng từ nhọ mặt người đầu hôm đêm trước cho đến bạch cánh cò của ngày hôm sau, không ai thống kê được tổng giá trị giao dịch thương mại của hàng chục ngàn người len chân chật ních khắp 4 Viềng. Khi rời chợ, những cây cảnh cây ăn trái, những món đồ hăm hở trên tay quy ra thóc cụ thể là bao nhiêu? Mà nói theo kiểu thời thượng, những gương mặt hăm hở chen chân đến 4 Viềng ấy đã bầu lên một thuật ngữ theo lối mới là Hội chợ Kinh tế - văn hóa Viềng!

Mỗi lúc thư thả lại lẩn mẩn ngắm ngó lại mấy thứ cu cũ chứ chẳng dám kêu là cổ bầy chật trong nhà mà bao lần suýt rơi vào nguy cơ là bà xã lắm điều dọa bán cho đồng nát. Đó là kết quả những lần chen chân ở Viềng Nam Trực.

Bận ấy một ông bạn cũ sành điệu đã tỉ mẩn chỉ cho tôi, trong hàng chục chiếu đồ cổ ở Viềng Nam Trực lẫn Viềng Vụ Bản, bao nhiêu phần trăm những lọ những bình chậu thau mới toanh mà cánh làm hàng đồ cũ đã dùng axit, đèn khò, pin đèn lẫn bùn để chế tác cho nó thành nhom nhem bệ rạc thoắt ra những Lý, Trần, Lê những Minh, Thanh này khác?

Những chiếu đồ cũ ấy vốn đóng đô ở Hàng Rươi, Hàng Đồng ở Ngã Tư Cống Chéo Hàng Lược...nhan nhản vào dịp áp Tết Hà thành, ra Giêng, mỗi cữ Viềng lại thiên di về đây... Nhưng mặc kệ, thấy bắt mắt là cứ bê về, bầy nom cho đã nư con mắt đã!

Những món ấy tự dưng như một thứ, một dạng tiêu bản gợi lại cái chi đó quá vãng mà thời buổi này khó tìm khó thấy chứ giả thật thì có gì là quan trọng? Với lại thiệt hại về kinh tế cũng chưa phải là cái gì trầm trọng lắm lắm?

Nhưng có mấy thứ khó mà với. Ấy là những hoành phi câu đối. Tất nhiên ngó qua, phát lộ ngay những dạng made in DongKy, made in SơnDong (Đồng Kỵ, Sơn Đồng là hai địa danh làm giả hoành phi câu đối cổ khá nổi tiếng ở Hà Tây (trước đây) và Bắc Ninh). Thật giả không phải tốn mấy công sức gì để phát hiện, điều tra. Đơn giản là cứ căn cứ vào chất gỗ, ngữ nghĩa của chữ và chất dạng chữ...

Nhưng nói đi thì phải coi lại, nhiều bận Viềng, tôi đã chạm mặt với những bức chạm những khoảng câu đối hoành phi cũ, cổ hẳn hoi. Chao ôi, từ đâu lại nảy nòi ra những thứ này nhỉ? Ngắm ngó những vưu vật ấy, chúng như có hồn. Dứt khoát phải xuất xứ từ những gia đình quyền quý, đùng cái thất cơ lỡ vận phải bán tống tháo hoặc bất ngờ phải sang tên đổi chủ? Bận ấy mê mà hỏi, mà tò mò chứ tiền đâu mà mua, chủ một chiếu ở Viềng Nam Trực cho tôi cái số điện thoại.

Mấy tháng sau mò về, ông ta không giấu lai lịch của những đôi câu đối lẫn bức hoành. Theo lời mách, lại phải lần ngược về cái xã cuối của huyện Kim Bảng, về nhà cái ông đã bán thứ hàng ấy cho ông chủ chiếu Viềng Nam Trực. Ông vốn là con một một bần cố được may mắn chia quả thực từ nhà một ông Tuần phủ bị đấu tố trong cải cách ruộng đất trong đó có đám câu đối cùng bức hoành này.

Từ vị trí sang trọng trong ngôi nhà, bức hoành cùng những đôi câu đối được chuyển cho chủ mới với chức năng mới là làm vách thưng chuồng trâu. Rồi không rõ bao lâu, có chuyện lạ là trâu nhà ấy cứ ốm chết. Ông chủ cáu tiết quẳng xuống ao thay vách bằng những gióng tre đực. Ao ấy cùng với thời gian bị bồi lấp mất.

Năm tháng qua đi, nền ao cũ nay được đào lên để làm móng nhà mới. Chẳng ai còn nhớ nhưng người ta vô tình đụng phải bức hoành cùng đôi câu đối năm xưa. Tỉ mẩn báy nạy lên. Đem lau chùi sạch bùn đất, vật cũ sứt sẹo đi nhiều chỗ nhưng chữ nghĩa vẫn cứ rờ rỡ. Tin ấy bay đến tai ông chủ chiếu Viềng Nam Trực...

Lần ấy, nghe ông chủ chiếu phàn nàn đại loại bức hoành cùng đôi câu đối bày ra rất bắt mắt thiên hạ. Nhưng không hiểu sao, rất khó bán? Có người đã trả tiền nhưng lại hối, chịu phạt. Đốt vía mấy lần rồi! Tôi ngậm ngùi theo tâm trạng ông chủ nhưng khó nói ra. Có lẽ chữ trên bức hoành cùng đôi câu đối chỉ hạp với gia cảnh chủ cũ chứ treo bầy ở nhà khác là không hợp? Lại nữa, thứ chữ không phải đơn giản những Phúc Lộc Thọ hay Phú Quý Thọ Khang Ninh hoặc đại loại như tổ tông công đức thiên niên thịnh/ tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh mà chữ quá nửa là trích nghĩa từ điển cố điển tích ăn với gia thế của chủ cũ!

Chưa hết, lại loáng thoáng nghe đâu rằng chữ nghĩa treo lâu trong nhà nó là thứ vô tri nhưng đủ độ để ám hồn cốt thần khí của người chủ cũ treo nhà khác không lợi(!?) Chữ nghĩa, một mặt nào đó là văn tự nhưng cũng là dạng văn chương? Chả thế mà cụ Nguyễn Du từng có câu chi phấn hữu thần lân tử hậu/Văn chương vô mệnh lụy phần dư (son phấn nó có thần theo người ta đến chết/Văn chương dẫu không có mệnh nhưng có thể theo người ta xuống tận mồ).

Đó là một góc Viềng Nam Trực hay còn gọi là Viềng Chùa.

Năm nay đang định, đang quyết không lảng vảng đến mấy cái chiếu đồ cổ Viềng Nam Trực mà dứt hẳn sang Viềng Vụ Bản để tai mắt tường thêm những cung bậc thánh thót của những chiếu chầu văn?

Chả biết có dứt nổi?

 Nói ngay cho vuông là có mà tra mỏi tay mệt mắt trên gúc gồ vẫn chịu cứng chưa tường Viềng là cái gì?

Các cụ cao niên rành rẽ rằng cái chợ Viềng chợ họp nửa đêm đến tảng sáng như chợ ma ấy, người ta bảo Viềng là chợ Âm Phủ hay còn gọi là chợ Cầu May.

Theo Xuân Ba

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm