Ba phút cùng luật sư:

Làm sao khi chồng không chịu đứng tên là cha trên giấy khai sinh của con?

(Dân trí) - Anh chồng nghi ngờ đứa con vợ sinh ra không phải là con mình nên không đồng ý đứng tên là cha trên giấy khai sinh của đứa bé. Trong trường hợp này, cô vợ phải làm gì?

Thắc mắc trên của bạn đọc sẽ được luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư Viện Pháp Luật, tư vấn kỹ trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí. Theo ông Chánh, trường hợp này người vợ có thể đăng ký khai sinh cho con bình thường, anh chồng hoàn toàn không có quyền từ chối đứng tên làm cha trên giấy khai sinh của đứa trẻ, anh này chỉ có quyền kiện ra tòa để xem xét đứa trẻ có phải con của mình hay không mới sửa trên giấy khai sinh được.

Chồng không chịu đứng tên là cha trên giấy khai sinh của con

Thưa luật sư, một bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “Tôi vừa sinh con được 2 tháng nhưng chồng tôi nghi ngờ không phải giọt máu của mình nên cương quyết không đi làm khai sinh cho con. Anh ấy có quyền làm điều này không? Tôi có phải xin phép anh ấy để đưa tên anh ấy vào mục cha trên giấy khai sinh không vì chúng tôi có giấy hôn thú?”. Xin luật sư giải đáp cho bạn đọc được rõ!

Theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”.

Như vậy, trong trường hợp của bạn thì chồng bạn được xác định là cha của con bạn. Nên bạn không phải xin phép chồng bạn để đưa tên vào mục cha trên giấy khai sinh.

Theo luật sư, người vợ không phải xin phép chồng để đưa tên chồng vào mục cha trên giấy khai sinh
Theo luật sư, người vợ không phải xin phép chồng để đưa tên chồng vào mục cha trên giấy khai sinh

Nếu ông chồng này cho rằng cháu bé không phải là con ruột của mình thì phải làm gì, thưa luật sư?

Theo khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

Theo khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Như vậy để xác định cháu bé không phải là con mình thì người cha phải có chứng cứ như kết quả xét nghiệm ADN và được Tòa án xác định bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

Bạn đọc này lo lắng là nếu người chồng kiên quyết không đồng ý đứng tên là cha của con mình thì bạn đọc này phải làm sao để làm giấy khai sinh cho bé?

Theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch về thủ tục đăng ký khai sinh thì người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh…

Theo Điều 9 Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ về giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh thì người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn…

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Như vậy, trường hợp của bạn vẫn làm giấy khai sinh bình thường khi nộp đủ các giấy tờ trên. Và trong giấy khai sinh vẫn ghi tên cha cháu bé do cha, mẹ đã đăng ký kết hôn.

Xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)