Làm khó cho khách hàng và đối tác

(Dân trí) - Hơn một năm nay, hàng trăm khách hàng bỏ tiền cho Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Thuận Thành để được quyền mua căn hộ tại dự án chung cư gia đình Binh đoàn 12 tại xã Ngũ Hiệp, không khỏi lo lắng khi DA vẫn chỉ là bãi đất hoang.

Ngày 15/1/2010, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn  (Binh đoàn 12) và  Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Thuận Thành (Công ty Thuận Thành), ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh DA xây dựng nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Binh đoàn 12. Và giao cho Công ty Thuận Thành tiến hành thực hiện Dự án (DA) và ký hợp đồng với pháp nhân thứ ba, hoàn thiện thủ tục pháp lý, bán sản phẩm căn hộ tại DA.

Cho đến nay thủ tục pháp lý liên quan đến DA còn chưa hoàn thiện, mặt bằng chưa giải phóng xong thì ngay từ đầu năm 2010 các căn hộ tại DA này đã được rao bán tràn lan với giá từ 12,5 đến 15 triệu đồng/m2. Với những lời giới thiệu hấp dẫn và tin tưởng vào tính pháp lý DA nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm triệu để góp vốn, mua đi bán lại hưởng chênh lệch và nay không khỏi hoang mang khi biết DA đang có “vấn đề”!?

Được biết, Công ty Thuận Thành đã ký 190 Hợp đồng vay vốn với các khách hàng và thu số tiền lên đến gần 50 tỷ đồng. PC46 – Công an TP. Hà Nội đã có công văn yêu cầu Công ty Thuận Thành chấn chỉnh, khắc phục hậu quả xảy ra và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến việc thực hiện DA chung cư Binh đoàn 12, tháng 3/2011 trên một số trang mạng điện tử Internet đã đăng tải thông tin Đại tá Hoàng Đức Thống, Giám đốc Ban Quản lý các dự án của Binh đoàn 12 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết việc rao bán chung cư thuộc dự án của Binh đoàn là chưa đủ điều kiện. Binh đoàn 12 chưa tiến hành huy động vốn cho dự án. Việc huy động vốn trên của đơn vị hợp tác đầu tư với Binh đoàn 12 là chưa đủ điều kiện. Binh đoàn 12 đã có biên bản làm việc đơn vị hợp tác yêu cầu ngừng ngay việc huy động vốn với các nhà đầu tư.

Trong số các doanh nghiệp đó phải kể đến Công ty TNHH Du lịch lữ hành quốc tế và Tư vấn  đầu tư ECCO (Công ty ECCO) đang triển khai thực hiện “Dự án Làng sinh thái nghỉ ngơi an dưỡng và trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (dự án Làng sinh thái) tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nguyên do hơn một tháng trước ngày Công ty Thuận Thành bị cơ quan CA “sờ gáy” - ngày 7/5/2010, Cty ECCO đã ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn và hợp tác đầu tư kinh doanh dự án Làng sinh thái với bà Bùi Kim Liên, Giám đốc Công ty Thuận Thành.

Theo đó, Công ty Thuận Thành sẽ có trách nhiệm đầu tư tài chính vào dự án Làng sinh thái theo từng giai đoạn. Sau khi thực hiện xong việc GPMB, cơ cấu vốn góp của Công ty ECCO là 15 tỷ, chiếm 20% và của Công ty Thuận Thành là 60 tỷ, chiếm 80%. Sau khi ký hợp đồng trên, Công ty Thuận Thành đã chuyển cho Công ty ECCO 21 tỷ đồng. Trong khi dự án đang hứa hẹn với cả hai bên thì Công ty Thuận Thành bị cơ quan CA điều tra nên không thể tiếp tục góp vốn, điều này đã gây thiệt không nhỏ cho Công ty ECCO trong việc tìm đối tác mới và làm ảnh hưởng đến tiến độ toàn DA.

Sau “cơn sóng gió” hoạt động trở lại, Công ty Thuận Thành không còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục theo đuổi dự án Làng sinh thái và đã đề nghị Công ty ECCO cho rút số tiền 21 tỷ đồng góp vốn trước đó. Tuy nhiên, Công ty ECCO không đồng ý.

Ông Bùi Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty ECCO cho hay: Đây là DA xã hội hóa nên được nhiều bộ, ngành quan tâm. Việc Công ty ECCO huy động các doanh nghiệp góp vốn vào DA là hoàn toàn hợp pháp. Số tiền 21 tỷ đồng Công ty Thuận Thành chuyển cho Công ty ECCO là tiền góp vốn chứ không phải ECCO vay của Thuận Thành. Bây giờ bà Bùi Kim Liên phải giải trình trước Hội đồng quản trị Công ty Thuận Thành về các khoản tiền đầu tư. Bà Liên nói còn 21 tỷ đồng ở bên Công ty ECCO nên các cổ đông của Công ty Thuận Thành này cứ nhằm vào ECCO để đòi và gây không ít phiền hà cho chúng tôi.

Bây giờ Công ty Thuận Thành không tiếp tục góp vốn vào DA thì cũng không thể đi đòi Công ty ECCO theo kiểu như là chúng tôi đã vay nợ họ. “Việc Công ty Thuận Thành không tiếp tục góp vốn vào DA, gây thiệt hại không nhỏ, đẩy Công ty ECCO vào thế rất khó khăn. Việc này chúng tôi còn chưa bắt họ bồi thường. Bây giờ, họ quay lại đòi tiền chúng tôi. Công ty ECCO sẽ hoàn trả lại Công ty Thuận Thành toàn bộ số tiền Thuận Thành đã góp vốn vào dự án nhưng vào thời điểm thích hợp và bằng hình thức hợp pháp. Còn bây giờ bên tôi trả Công ty Thuận Thành 21 tỷ cũng là sai luật”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay: Khoản 1, Điều 42 Luật Doanh nghiệp quy định về “Nghĩa vụ của thành viên: Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty; không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức,…”. Như vậy, nếu Công ty Thuận Thành muốn rút phần vốn góp thì chỉ có thể bằng hình thức chuyển cho các cổ đông trong Công ty ECCO. Công ty ECCO không thể đem tiền mặt ra trả lại Công ty Thuận Thành.

Thiết nghĩ, trước những thông tin bất lợi liên quan đến những công ty kinh doanh bất động sản, các nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi rót vốn, cần phải thận trọng “chọn mặt gửi vàng”, tránh những quả lừa trên thị trường bất động sản xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua.

Tổ PVĐT