Nghệ An:
Làm gì để bảo tồn những bài thuốc cổ truyền?
(Dân trí) - Đồng bào các dân tộc miền núi có nhiều bài thuốc cổ truyền rất quý, có giá trị về nhiều mặt như: Thuốc uống không để lại phản ứng phụ, giá cả lại quá rẻ, dễ nấu dễ uống, có nhiều ở khắp nơi trong rừng...
Riêng tại huyện Con Cuông có những bài thuốc hay, đang được nhiều người biết và chữa bệnh có hiệu quả: Như thuốc bó gãy xương; Thuốc làm tan sỏi thận, sỏi bàng quang; Thuốc giúp chị em phụ nữ sau khi sinh chỉ cần 3 nồi vừa uống, sau 3 ngày hoàn toàn sạch sẽ, lại có thêm nhiều sữa cho con bú; Thuốc chữa bệnh vô sinh.
Tất cả các loại thuốc trên toàn bằng cây rừng, do các thầy Lang lấy trong rừng, đem về đắp bó vào cơ thể hoặc sắc uống. Nếu bị gãy xương tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, nếu gãy nhẹ chỉ cần vài lần bó thuốc sẽ khỏi, nếu nặng cần bó nhiều ngày hơn. Nếu bị sỏi thận hay sỏi bàng quang lấy thuốc về sắc uống, thuốc có tác dụng làm tan sỏi và đẩy nó ra ngoài cơ thể.
Có thể kể tên một số thầy lang hiện nay như: Thuốc chữa gãy xương của ông Thời (Bình Chuẩn); Thuốc chữa sỏi của Thầy Xuân (Chi Khê); Thuốc giúp chị em phụ nữ, chữa vô sinh của ông Cường Việt (khối 1 thị trấn)... Gần đây ông Phan Trọng Tính dược sỹ cao cấp của bệnh viện Con Cuông, qua tìm hiểu, nghiên cứu các bài thuốc dân tộc cổ truyền, đã chế ra loại thuốc chữa đau bụng tiêu chảy, tẩy giun móc, Sán dây bằng cây rừng rất hiệu nghiệm.
Tuy vậy hiện nay điều đáng lo ngại là các thầy Lang đều là những ông bà già tuổi xưa nay hiếm. Cũng có người đã truyền lại cho con cháu, nhưng xem ra lớp trẻ không mặn mà lắm! Trước đây gần như thôn bản nào cũng có các thầy lang chữa bệnh cổ truyền, nhưng nay thấy thưa dần. Cũng có thể do sự phát triển mạnh của khoa học kỹ thuật tây y, thuốc tân dược nhiều, nhanh và tiện lợi hơn nhiều, nên làm cho những bài thuốc cổ truyền ngày một mai một dần, thậm chí mất hẳn.
Để bảo tồn những bài thuốc quý cổ truyền của dân tộc, ngoài việc tuyên truyền vận động, các thầy thuốc cần động viên, truyền nghề cho con cháu. Và không thể thiếu sự đầu tư của nhà nước như cấp kinh phí nuôi thầy, trả công cho các thầy viết lại sách các cây thuốc quý và cách pha chế, đầu tư mở lớp học truyền nghề cho lớp trẻ, để họ tiếp thu, học hỏi bảo tồn nghề thuốc cha ông để lại.
Đất nước ta có rừng vàng, trong rừng có ngàn loại cây thuốc quý chữa bệnh, rất mong ngành y tế tham mưu cho Đảng và Nhà nước sớm có kế hoạch phát huy và bảo tồn nghề thuốc cổ truyền của đồng bào các dân tộc miền núi, mở ra một hướng mới trong việc chữa bệnh cho nhân dân bằng cây thuốc quý của chúng ta.
Phùng Văn Mùi