Lãi sao cho có văn hóa!
Mấy ngày nay đi chợ, không thấy chị bán hàng rau quen, các bà hàng xóm nhà tôi hỏi nhau: "Không biết chị nghỉ do Covid-19 hay giá cả hàng hóa leo thang chóng mặt?".
Hỏi vậy là vì chị hàng rau thường tư vấn khách chuyển loại rau khác mỗi khi một mặt hàng nào lên giá quá đà và không quên nói "đợi thư thư vài hôm chị tìm nguồn hàng giá rẻ hơn". Tiếc thay, không phải người bán hàng nào cũng có tấm lòng như chị hàng rau chợ nhà tôi.
Trong câu chuyện giá cả, nhiều bà nội trợ than trời: Đi chợ mà như bị mất cắp!
Khảo sát qua một số chợ dân sinh khu vực Hà Nội, nhiều người hoảng hồn khi giá rau húng quế từ 20.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg. Hay cà chua, cà rốt chỉ 13.000 đồng/kg nay tăng lên 25.000 đồng/kg. Giá cước của các ứng dụng giao hàng cao hơn 10-20% so với tháng 1; một số mặt hàng thép tăng khoảng 300.000 đồng/tấn. Lợi dụng thời cơ, doanh nghiệp nâng giá máy xét nghiệm Covid-19, nâng giá các bộ xét nghiệm Covid-19...
Theo vòng xoáy của giá xăng tăng, một chuỗi những cơn bão giá làm rất nhiều mặt hàng từ thực phẩm tiêu dùng hằng ngày, như: Rau, gạo, thịt, cá... đến những nguyên vật liệu đầu vào sản xuất đều thiết lập mặt bằng giá mới "gây sốc".
Thực tế này không chỉ gia tăng áp lực rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, gây nguy cơ lạm phát mà còn "bào mòn" sức chống chịu của nhiều người tiêu dùng sau thời gian dài gồng mình, thắt chặt chi tiêu vượt qua dịch bệnh. Chịu thiệt thòi nhiều nhất cho những hành vi này là người tiêu dùng. Đặc biệt là những gia đình công nhân, người lao động nghèo, đối tượng "nhạy cảm" nhất với mọi sự biến động về giá.
Đành rằng chúng ta phải chấp nhận những quy luật về giá khi tuân theo sự vận động của kinh tế thị trường. Đành rằng kinh doanh là phải có lãi. Có điều, lãi sao cho có văn hóa, có tình nghĩa và có trách nhiệm với xã hội, thanh thản với chính bản thân mình.
Việc tăng giá năm nào cũng diễn ra và thật dễ đoán thời điểm. Nếu sự tăng giá đó là do quy luật thị trường thì đành một lẽ, đằng này nhiều chủ kinh doanh vì lợi nhuận mà găm hàng, "vẽ" giá. Sự tham lam ấy chẳng khác nào hành động ăn chặn, "hút máu" đồng bào.
Ngăn chặn hành vi này, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, chế tài xử lý; thành lập nhiều đoàn kiểm tra. Nhưng dù có "rào giậu" bằng pháp luật thế nào thì những kẻ cơ hội này vẫn có thể tìm cách lách luật hoặc sẵn sàng vi phạm pháp luật.
Do đó, điều căn cốt vẫn là con người. Một xã hội nhân văn, một đất nước lấy con người làm trung tâm và phát huy được tinh thần tương thân tương ái thì những kẻ trục lợi mới không còn đất sống. Cùng với đó là sự chung tay của những hiệp hội nghề với các chính sách quản lý, công khai, minh bạch giá và đi đầu trong bình ổn giá; gia tăng lợi nhuận bằng những chiến lược kinh doanh, bằng hiệu suất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa chứ không bằng sự chụp giật.
Qua cơn hoạn nạn mới tỏ lòng nhau. Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong dịch bệnh, bão lũ, rất nhiều doanh nghiệp đã đồng hành cùng đất nước, đồng hành cùng người dân bằng những hoạt động ủng hộ nặng nghĩa đồng bào, xứng với sứ mệnh của thương nhân, doanh nhân, tạo ra giá trị cho xã hội.
Nhiều tiểu thương sẵn sàng chia sẻ với người tiêu dùng, chấp nhận lãi ít để cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Những hành động đó khiến chúng ta ấm lòng bởi bên cạnh những tiêu cực, còn rất nhiều điều tử tế, tốt đẹp trong xã hội.
Chúng ta đang xây dựng một xã hội cộng đồng mang tính chia sẻ ngày càng cao, kinh doanh không phải bằng bất cứ giá nào để thu lợi nhuận về mình. Dư luận xã hội luôn biểu dương, ủng hộ sự phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, biết chia sẻ khó khăn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với người tiêu dùng.
Như vậy, thương hiệu của họ chắc chắn ngày càng có uy tín, vững bền hơn trên thị trường.