Chiến dịch đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước:
Lại phấp phỏng chờ mong sau lời hẹn 27/3
(Dân trí) - Cùng bao người thân và bạn đọc cả nước, chúng tôi nóng lòng chờ “cái hẹn” 27/3 - ngày con tàu Hamanasu chở hơn 1.000 lao động Việt Nam cuối cùng dự kiến về tới Hải Phòng, để hoàn tất “sứ mệnh giải cứu” hơn 10 ngàn lao động khỏi vùng chiến sự Libya.
Trước đó, lịch cập bến của tàu đã được thông báo lùi lại từ 21/3 sang 24/3. Lần này, báo Người lao động dẫn nguồn tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, ngày 27/3 tàu Hamanasu vẫn chưa thể về tới Việt Nam do thay đổi hành trình, trên đường phải ghé qua nhiều cảng khác nhau để nạp nhiên liệu và lấy thực phẩm cung cấp cho người lao động.
Sự chờ đợi bao giờ cũng rất khắc khoải, nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng người thân của hơn 1.000 lao động Việt Nam đã trải qua cả tháng trời lênh đênh trên biển ấy dù sao cũng không quá phấp phỏng, bất an. Bởi dù những diễn biến đang ngày càng xấu hơn ở Libya, những người Việt Nam cuối cùng rời Libya này vẫn an toàn và ngày hội ngộ đã được bảo đảm, vấn đề chỉ là thêm chút thời gian nữa mà thôi.
Kể từ khi thông tin dồn dập về những bất ổn chính trị ở Libya ngập tràn trên các phương tiện thông tin thế giới và Việt Nam, chúng tôi cũng nóng lòng dõi theo tình cảnh của hàng triệu người dân ở mãi tận đất nước Bắc Phi xa xôi ấy. Càng quan tâm và lo lắng hơn nữa khi trong làn sóng tị nạn khổng lồ tháo chạy khỏi Libya có cả hơn 10 ngàn người lao động Việt Nam.
Dù đa số do nghèo khó phải chọn con đường vất vả đi xa làm ăn, họ là những đồng bào của chúng ta mà theo đánh giá của Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã góp phần đưa về cho đất nước khoảng 2 tỷ USD mỗi năm và có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài việc giúp cho bản thân người lao động và gia đình thoát nghèo, sau những năm làm việc ở nước ngoài, kỹ năng, kinh nghiệm trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, tay nghề của họ cũng được nâng cao, có thể tạo việc làm cho bản thân, gia đình cũng như ngay tại quê hương làng xóm của mình.
Với hơn 1.000 người cuối cùng trở về nước bằng đường biển này, những người thân của họ có thể yên tâm bởi mọi khâu chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp đón tàu Hamanasu đã được Bộ LĐ-TB- XH, Bộ Công an cùng thành phố Hải Phòng phối hợp lên kế hoạch chu đáo. Kể cả việc chăm sóc y tế cho người lao động ngay sau khi cập cảng cũng đã được Sở Y tế Hải Phòng có những phương án thực thi.
Trước những nỗi lo lắng “hậu Libya” của người lao động, người thân của họ cũng như sự đồng cảm, sẻ chia của đồng bào cả nước, đã có nhiều thông tin tích cực từ các cơ quan chức năng nhấn mạnh quyết tâm nhanh chóng tạo việc làm, không để cho người lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn do biến cố ở Libya. Điều được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa khẳng định trước Quốc hội hôm 26/3.
Cùng với những khoản hỗ trợ ban đầu, tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TB - XH cũng cho hay: đã có 11 doanh nghiệp trong nước gửi đề xuất tuyển dụng lao động Việt Nam từ Libya trở về. Theo đăng ký, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tới 13.117 người với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đến 8 triệu đồng/tháng.
Với những vị trí kỹ sư cao cấp, cũng đã có những doanh nghiệp đưa ra mức lương tới 20 triệu đồng/tháng như công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông ở địa chỉ: Khu công nghiệp Thạnh Đức, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; công ty TNHH MTV Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình Hà Nội ở địa chỉ: tầng 8, tòa nhà San Nam, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội); công ty CPSX và TM Việt Phát (Thanh Xuân, Hà Nội).
Với số tiền cho vay đi làm việc tại Libya 37 tỉ 458 triệu đồng với 1.581 khách hàng còn dư nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng thông báo đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh của ngân hàng ở các tỉnh, thành phố tiến hành các thủ tục xử lý nợ rủi ro theo quy định đối với các trường hợp phải về nước trước thời hạn.
Trong công văn vừa gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam từ Libya về nước, Bộ LĐ-TB-XH cũng nhấn mạnh ưu tiên cho người lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm; song song với việc cần có các biện pháp để khuyến khích người lao động tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động.
Những tín hiệu vui dù chỉ mới là ban đầu, nhưng qua ý kiến của những người đã trở về gửi tới diễn đàn Dân trí và đánh giá chung của bạn đọc, thì tình hình như vậy là khá khả quan. Điều người lao động mong muốn hơn là được tiếp cận với những thông tin cụ thể hơn về các cơ hội việc làm phù hợp trong nước, hoặc được ưu tiên tiếp tục tuyển dụng đi xuất khẩu lao động sang các thị trường khác…
Được như vậy, người lao động mới có thể đỡ đi phần nào gánh nặng nỗi lo nợ nần và yên tâm về cuộc sống tương lai.
Khánh Tùng