Lại nói về chuyện “hai con dê qua cầu”
Nhìn bức tranh đô thị nước ta qua cảnh tắc đường mà thấy nản lòng. Xe máy, xe máy và xe máy - nơi hội tụ đủ mọi loại từ đông tây kim co xe máy là đây. Để rồi do nhu cầu bức thiết đi lại không ai chịu nhường đường cho ai như câu chuyện “Hai con dê qua cầu”.
Nhà hoạch định phát triển đô thị thì không làm đủ đường cho người dân đi; người dân thì thi nhau sắm phương tiện cá nhân đi cho tự do. Đây chính là xuất phát điểm dẩn đến “hai con dê qua cầu” không con nào chịu nhường đường cho con nào... ở đây không phải là sông thì chịu chôn chân tắc nghẽn ở đường phố. Câu chuyện giản đơn từ bài học lớp một lại nhằm đúng vào thực tế vấn đề nhức nhối về giao thông ngày nay.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Đáng ra chúng ta cần có tầm nhìn trước cho sự phát triển của toàn xã hội, một đất nước đã có mật độ dân số cao khi phát triển đô thị thì càng phải ưu tiên giao thông vận tải bằng phương tiện công cộng. Đằng này lại ưu tiên đi nhập mọi loại công nghệ lắp ráp sản xuất xe máy đã hết thời trên thế giới. Lại còn cho nhập hàng loạt xe máy giá rẻ của Trung Quốc.
Thế là biết bao xe máy được tung ra thị trường và hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp nhân dân, vậy là số lượng xe máy ngày càng nhiều, những con đường ở đô thị vốn đã không được rộng rãi thì thỏa mãn sao nổi lưu lượng xe vào giờ cao điểm. Đến nay đã có trên 20 triệu chiếc xe máy trong dân chúng, định hướng còn phát triển đến năm 2020 lên con số 35 triệu chiếc!?
Liệu có phép mầu nào có thể bình ổn được vấn đề nhức nhối về tai nạn và ùn tắc giao thông hiện nay khi một đất nước vốn đã đất chật người đông lại sử dụng xe máy cá nhân làm phương tiện đi lại là chủ chốt?
Lê Văn Thưa
(Quảng Bình)
LTS Dân trí - Quả thật, nhìn Đông nhìn Tây, chỉ có Việt Nam ta ưu tiên phát triển xe máy đến vậy; trong khi đó thì phương tiện giao thông công cộng ở đô thị như xe buýt, xe điện… lại phát triển quá chậm chạp. Vả lại có phát triển nhanh hơn cũng chẳng có đường mà đi, nếu để lưu lượng xe máy chen chúc đông đặc như vậy. Chung quy lại, vẫn do công tác quy hoạch và chính sách phát triển đô thị vẫn chưa hợp lý và toàn diện.
Chăm lo đến việc ăn ở, đi lại cho người dân là quan trọng nhất. Vậy mà chưa đạt tức là phát triển đô thị vẫn còn khập khiễng.
Khắc phục được cái khiếm khuyết trên đây trong công tác quy hoạch phát triển đô thị chắc không thể trong một sớm một chiều. Nhưng nếu ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên, tránh được chuyện dại dột như “hai con dê qua cầu” thì chắc rằng sự cố tắc nghẽn đường sẽ giảm đi đáng kể.
Một lần nữa trông chờ ở ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông và biện pháp xử phạt nặng những người vi phạm.