Hành trình phá án vụ nhân viên massage bị hành hung dã man:
Kỳ II: Đi tìm gốc “bệnh” các “teen” hành xử đậm chất xã hội đen
(Dân trí) - Chuyện các “teen” hành xử với nhau đậm chất xã hội đen, ghi hình tại chỗ rồi post lên mạng... như một thứ dịch bệnh, đang bùng phát và lây lan đến chóng mặt.
Nhìn trẻ đánh nhau, người lớn nghĩ gì? Những đoạn clip liên tục phát tán thời gian gần đây phải chăng mới là phần nổi của tảng băng trôi trong giáo dục, hay lớn hơn là lỗi trong lời giải bài toán xây dựng con người hiện nay? Ngày xưa tuy không được học nhiều như bây giờ. Xét về lượng kiến thức được trang bị, hẳn là thua xa hiện nay. Nhưng tôi có cảm giác trẻ xưa ngoan hơn, kỹ năng sống nhiều hơn và có tình hơn. Trẻ nay giỏi giang, sành điệu, nhanh nhạy với cái mới. Nhưng bị hổng, mà lại hổng ở nơi thật quan trọng, đó là kỹ năng sống.
Quan sát cách hành xử, thấy trẻ bây giờ ganh đua mạnh mẽ hơn xưa. Cạnh tranh là tốt, vì thúc đẩy sự nỗ lực hoàn thiện mình. Nhưng từ đó mà đẻ ra sự đố kỵ, ganh ghét, hãm hại nhau để vượt lên thì thật đáng sợ. Bởi đó là gốc của cái ác, của những nhân cách lệch lạc trong tương lai.
Người lớn có lỗi không? Tôi nghĩ là có. Phải chăng chính vì chúng ta đẻ con ra, chỉ muốn con xuất chúng hơn người. Phải chăng trong cuộc sống hiện đại này đang dần ít đi những lời răn dạy con cái biết cảm thông, sẻ chia, thương yêu đồng loại? Rồi chính cuộc mưu sinh vật lộn, ganh đua của chúng ta đang dần làm hằn lên trong óc trẻ cái ý chí để tồn tại, để chiến thắng, không cần xót thương với đồng loại? Nếu vậy, việc trẻ lệch lạc về nhân cách chỉ là chuyện thời gian.
Ở trường, có chăng sự mất cân đối giữa dạy chữ và dạy làm người? Nếu trang bị nhiều quá những công thức, định lý, mà thiếu đi vế dạy cho trẻ kỹ năng sống, hiểu biết luân thường, đạo lý... liệu ngành giáo dục có cho “ra lò” những “sản phẩm” tốt? Người xưa có câu: “Cái gì cũng biết, mà đạo làm người không biết, chưa phải là người hay”.
Phải chăng, mọi chuyện của trẻ, cuối cùng là do người lớn và đều thuộc về người lớn?