Kiến nghị cách quản lý hè phố
Cũng như việc giải phóng hành lang an toàn đường bộ nói chung, việc giải phóng vỉa hè phố ở các đô thị hiện nay đang là một khâu yếu kém trong quản lý nhà nước.
Nguyên nhân một phần do sự buông lỏng của các cơ quan chức năng; một phần do vỉa hè là nơi kinh doanh chợ tạm, chợ cóc, hàng rong, làm bãi trông giữ xe… để nuôi sống một bộ phận người lao động ở nước ta (một quốc gia đang phát triển).
Vì vậy, thực tế công tác quản lý đô thị đòi hỏi vừa phải giải phóng vỉa hè cho người đi bộ, để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và hạn chế tắc đường; vừa phải quan tâm đến đời sống một bộ phận nhân dân lao động (chứ chưa thể cực đoan “hô khẩu hiệu” - phải giải phóng 100% diện tích vỉa hè phố).
Nhằm thực hiện được việc quản lý vỉa hè nêu trên, tôi kiến nghị UBND thành phố giao cho Sở Giao thông chủ trì, cùng các quận, phường lập danh mục chi tiết (thuộc lãnh thổ, địa bàn): Các phố có vỉa hè rộng 3m trở lên - vừa dành lối đi cho người đi bộ, vừa có thể dành chỗ để mô tô, xe gắn máy, xe đạp, chỗ kinh doanh dịch vụ (theo vạch sơn phạm vi, ranh giới rõ ràng). Các phố “đặc biệt” (vì lý do bảo vệ, ngoại giao…) và các phố vỉa hè hẹp dưới 3 m - chỉ dành cho người đi bộ; không cho để xe, họp chợ tạm, hoặc kinh doanh dịch vụ.
Trên cơ sở Nghị quyết số 13 (khoản 8) của Chính phủ, Nghị định số 146 (điều 14, điều 42 quy định các lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động… đều có chức năng nhiệm vụ, chế tài xử lý người vi phạm vỉa hè) và danh mục chi tiết phân loại vỉa hè; lãnh đạo UBND các thành phố cần phân công và giao nhiệm vụ cụ thể: Vỉa hè những phố nào do Sở Giao thông (có lực lượng Thanh tra giao thông) chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý? Vỉa hè những phố nào do Công an thành phố (có lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động…) chịu trách nhiệm quản lý? Vỉa hè những phố nào còn lại do UBND quận, phường chịu trách nhiệm quản lý? Có như vậy mới quy được trách nhiệm giải phóng vỉa hè. Tránh tình trạng “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng; cha chung không ai khóc” trong việc giải phóng vỉa hè.
Đối với TPHCM và Hà Nội đang có nhiều bức xúc nhất về chợ tạm, chợ cóc, các bãi trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè; căn cứ Nghị quyết số 13 (khoản 9), của Chính phủ giao, Uỷ ban ATGT quốc gia cần kiểm tra thực tế tình trạng này và đôn đốc, theo dõi sát các cơ quan chức năng giải quyết một cách “thấu tình, đạt lý”, để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, bảo đảm ATGT, góp phần hạn chế tắc đường. Đồng thời có xét đến đời sống một bộ phận nhân dân lao động (chỉ trông vào vỉa hè) thành phố hiện nay.
Nguyễn Thành Lập
(Hà Nội)
LTS Dân trí - Câu chuyện “quản lý vỉa hè” tưởng như chuyện nhỏ nhoi không đáng bàn. Nhưng trên thực tế, vấn đề này đã được đặt ra và chú ý giải quyết từ nhiều năm qua nhưng xem ra hiệu quả không cao vì chưa nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện và chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng.
Kiến nghị của tác giả bài viết trên đây nhằm góp phần tìm ra giải pháp có tính tổng thể nhằm quản lý và khai thác hợp lý vỉa hè tùy theo loại vỉa hè rộng hay hẹp, có cân nhắc nhiều mặt, kể cả việc chiếu cố dân nghèo phải bám vào vỉa hè để kiếm sống.
Xin chuyển kiến nghị này đến các cơ quan có chức năng và trách nhiệm quản lý đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.