Kiên Giang: Vì sao hàng chục hộ dân ở Kiên Lương không làm được hộ khẩu?
(Dân trí) - Đến nông trường Bá Phúc - xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương) PV Dân trí bị hàng chục hộ dân “bao vây” kể khổ vì chuyện không làm được sổ hộ khẩu. Từ việc này, con cái họ đối mặt với cảnh mù chữ, gia đình không được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước…
Bà Huỳnh Thị Bích (SN 1955), quê ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang cho biết, năm 2009 biết tin nông trường Bá Phúc cho nông dân thuê đất trồng lúa, nên gia đình bà Bích dọn đến đây rồi làm giấy thỏa thuận khai hoang, trồng lúa với tiền thuê 300.000 đồng/công. Để ổn định cuộc sống, gia đình bà Bích cắt khẩu bên xã Mỹ An đến xã Kiên Bình nhập hộ khẩu, tuy nhiên đến nay bà Bích vẫn chưa được làm sổ hộ khẩu, về quê nhập lại thì không được.
Tương tự như gia đình bà Bích, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Bình - quê gốc ở xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang kể: “Tôi cũng như 50 hộ dân ở đây đều đến nông trường Bá Phúc thuê đất, khai hoang trồng lúa từ năm 2009. Sau thời gian đốn tràm, phát hoang, sang bờ tôi canh tác được 25 công đất. Năm 2011, tôi về quê cắt hộ khẩu mang qua xã Kiên Bình nhập khẩu và được UBND xã Kiên Bình cấp sổ hộ khẩu. Nhưng chẳng hiểu sao đến năm 2012, UBND xã đến thu hồi sổ hộ khẩu lại, đẩy gia đình tôi vào cảnh khó, 3 đứa con không thể đi học và chẳng thể làm giấy tờ gì được”.
Anh Bình còn cho biết thêm, theo giấy thỏa thuận các hộ dân thuê đất của Nông trường Bá Phúc trồng lúa đến năm 2012. Tuy nhiên, sau khi làm được 2 năm thì giữa người dân và Bá Phúc có tranh chấp và căng thẳng nhất là đến năm 2012, Bá Phúc buộc người dân phải trả đất. Từ thời điểm này, tất cả những hộ dân sinh sống và trồng lúa trong nông trường Bá Phúc không làm được sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ gì khác.
Gia đình anh Lê Văn Dũng, hộ bà Nguyễn Thị Duyên (1952) và hàng chục hộ dân khác vô cùng bức xúc khi không làm được hộ khẩu khi họ sinh sống, trồng lúa trên nông trường Bá Phúc từ năm 2009. Từ việc không có sổ hộ khẩu, các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học không thể đến trường, những thiếu niên không làm được giấy chứng minh dân dân và kể cả việc xác nhận hồ sơ đi làm công nhân cũng không thể làm được…
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Ngô Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Kiên Bình cho biết: “Những hộ dân ở ấp Lung Lớn (đang thuê đất xí nghiệp Bá Phúc trồng lúa) không làm được sổ hộ khẩu là vì họ không có nơi ở ổn định. Do vậy, theo luật cư trú thì địa phương không thể làm sổ hộ khẩu cho các hộ dân này.”
Khi PV Dân trí nêu trường hợp của gia đình anh Nguyễn Thanh Bình khi được UBND xã cấp sổ hộ khẩu nhưng sau đó bị xã thu hồi lại, ông Nam cho biết: “Là do cán bộ của xã chưa nắm rõ luật cư trú nên đã cấp sổ hộ khẩu cho người dân. Sau này chúng tôi biết nên đã thu hồi sổ lại và có hướng dẫn người dân về quê gốc nhập lại”.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2001 UBND tỉnh Kiên Giang cho xí nghiệp xây dựng Thủy lợi Bá Phúc thuê khoảng 400 ha đất làm kinh tế trang trại trong thời gian 50 năm. Nhưng trong khoảng 7 năm đầu, xí nghiệp Bá Phúc làm ăn không hiệu quả, để đất hoang hóa nên người dân ở địa phương thưa kiện. Qua cuộc thanh tra, xí nghiệp Bá Phúc không bị thu hồi và đến năm 2009, xí nghiệp Bá Phúc được UBND tỉnh Kiên Giang cho chuyển sang trồng lúa, kết hợp với trang trại.
Vào thời điểm này, xí nghiệp Bá Phúc kêu gọi người dân đến khai hoang trồng lúa (vì trước kia là cỏ và tràm, ao hồ…) theo hình thức thuê đất. Để tiện việc quản lý, xí nghiệp Bá Phúc làm giấy thỏa thuận với 7 người đại diện, mỗi người đại diện được thuê trên 20 ha đất sau đó chia cho nhiều hộ dân khác và tiền thuê mỗi công đất là 300.000 đồng/công đất (1.000m2), kéo dài trong 3 năm.
Nhưng khi người dân thuê đất của xí nghiệp Bá Phúc trồng lúa đến năm 2012, xí nghiệp Bá Phúc lấy đất lại mà không bồi hoàn công sức khai hoang của người dân bỏ ra từ năm 2009. Sau khi người dân thưa kiện, xí nghiệp Bá Phúc mở ra “con đường” cho người dân tiếp tục trồng lúa bằng hình thức bán cổ phần, cụ thể nông dân nào có 50 triệu đồng sẽ được mua 1 cổ phần tương đương với 5 ha đất; còn nông dân nào không có tiền thì buộc trả lại đất, ra khỏi nông trường, không bồi hoàn thành quả lao động.
Bà Nguyễn Thị Duyên (63 tuổi) cho biết: “Từ khi xảy ra tranh chấp với chủ nông trường Bá Phúc, cuộc sống bà con chúng tôi chẳng có ngày nào yên. Người thì bị thưa kiện, hậu tòa; người nào ở lại cày cấy thì bị xã hội đen đến can ngăn, đánh đập… Khổ nhất là mấy đứa trẻ chẳng được học hành vì không làm được sổ hộ khẩu. Bà con chúng tôi chỉ muốn xí nghiệp Bá Phúc thấy rằng chúng tôi đã bỏ quê đến đây khai hoàng trồng lúa và chỉ muốn tiếp tục có hợp đồng thuê đất trồng lúa, ổn định cuộc sống”
Qua tìm hiểu của PV, đa số bà con đều có chung mong muốn là tiếp tục được thuê đất của Xí nghiệp Bá Phúc để trồng lúa; Còn nếu xí nghiệp Bá Phúc lấy đất lại thì phải hỗ trợ công sức khai hoang cho bà con. Riêng việc Bá Phúc cổ phần 1 lô đất (5ha) với giá 50 triệu đồng thì đối với bà con nơi đây mãi chỉ là mơ ước…
Nguyễn Hành