Không mang căn cước công dân ra đường, bị phạt bao nhiêu tiền?

Hải Hà

(Dân trí) - Pháp luật quy định công dân được sử dụng CMND/CCCD của mình để chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; có nghĩa vụ xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.

CMND/CCCD đều là giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp chứa những thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân.

Theo đó, công dân được sử dụng CMND/CCCD của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch. Đồng thời có nghĩa vụ xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.

Trường hợp không xuất trình được CMND/CCCD khi có yêu cầu kiểm tra sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng theo điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Không mang căn cước công dân ra đường, bị phạt bao nhiêu tiền? - 1

Trường hợp không xuất trình được CMND/CCCD khi có yêu cầu kiểm tra sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

Có phải không mang CMND/CCCD ra đường sẽ bị "bắt"?

Một số trường hợp không xuất trình được CMND/CCCD khi có yêu cầu kiểm tra đã bị giữ lại, điều này khiến không ít người cho rằng không mang CMND/CCCD sẽ bị "bắt" - tạm giữ hành chính. Tuy nhiên đây là nhận định hoàn toàn không chính xác.

Chỉ có 05 trường hợp sau đây bị tạm giữ hành chính theo Điều 16 Nghị định 142/2021/NĐ-CP, cụ thể: 

- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.

- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

- Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Như vậy, ngoài các trường hợp nêu trên, người không mang CMND/CCCD sẽ không bị tạm giữ hành chính mà công an chỉ mời về để xác minh nhân thân.

Đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính trên đăng ký kết hôn không?

Để thay đổi thông tin trên đăng ký kết hôn, theo quy định tại Luật Hộ tịch, công dân phải thực hiện thủ tục cải chính hộ tịch hoặc thay đổi hộ tịch.

Trong đó, Luật Hộ tịch giải thích các thuật ngữ trên như sau:

Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật (căn cứ khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch).

Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch. (căn cứ khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch).

Đồng thời, theo Điều 26 Luật Hộ tịch năm 2014, phạm vi thay đổi hộ tịch gồm thay đổi họ, chữ đệm, tên trong nội dung khai sinh đã đăng ký, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh sau khi được nhận làm con nuôi; cải chính hộ tịch khi xác định được sai sót trong đăng ký do người đăng ký hoặc cơ quan đăng ký (khoản 1, khoản 2 Điều 17 Thông tư 04/2020/TT-BTP).

Như vậy, căn cứ các quy định trên, có thể thấy, thay đổi thông tin về số CMND thành CCCD không thuộc trường hợp phải thay đổi hoặc cải chính hộ tịch.

Ngoài ra, hiện nay, khi quét con chip của CCCD gắn chip, công dân có thể được số CMND cũ, thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính cũng như địa chỉ thường trú của công dân.

Do đó, có thể khẳng định, khi vợ chồng đổi sang CCCD gắn chip không cần phải đính chính số CMND trên đăng ký kết hôn mà chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip để cơ quan có thẩm quyền quét mã QR.

Dùng CMND/CCCD hỏng, rách, hết hạn bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ các quy định tại Điều 21, 23 Luật Căn cước công dân 2014, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, người sử dụng CMND, CCCD phải đổi sang CCCD gắn chip mới nếu thuộc một trong các trường hợp: 

- Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi đối với người sử dụng CCCD;

- CMND hết thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp (hướng dẫn bởi Mục 2 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA);

- CMND/CCCD bị hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng;

- Xác định lại giới tính, quê quán;

- Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD/CMND;

- Bị mất thẻ CCCD/CMND;

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Người sử dụng CMND/CCCD thuộc một trong các trường hợp trên đều sẽ phải làm lại thẻ CCCD gắn chip mới để sử dụng. Nếu không đổi có thể sẽ bị phạt vì lý do không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.

Theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021, mức phạt áp dụng với các vi phạm trên là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.