Không để tái diễn những cái chết thương tâm

Lại một học sinh nữa chết vì bị voi quật. Đó là em Phạm Xuân Tín - học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Đa (P.Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã bị một con voi xiếc quật chết tại sân vận động Bình Đa.

Con voi này thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp biểu diễn nghệ thuật Sao Mai, tỉnh Hải Dương.

Thế là đã quá nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em do sự tắc trách của người lớn. Trước đó chưa lâu, chiều 1/4, bé gái Châu Linh Uyên (học sinh lớp 4 Trường tiểu học công lập Nguyễn Thái Bình, Q.1, TPHCM) đã bị điện giật chết từ trụ thẻ ATM.

Cái chết của em Phạm Xuân Tín, em Châu Linh Uyên một lần nữa cho thấy môi trường sống của xã hội ta chưa an toàn. Mọi người trong chúng ta có nạn nhân vì những nguyên nhân vô lý như  điện giật, cây đổ, tường đè, vì sập hố ga, vì voi quật, hổ vồ… Đó là những lí do mà gốc rễ của nó là sự thiếu trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan và bao trùm là sự quản lý mất nền nếp của các cơ quan hữu trách. Điều đáng quan tâm hơn, nạn nhân phần lớn rơi vào những em nhỏ, những người nghèo.

Sau cái chết của em Châu Linh Uyên, đại diện của Ngân hàng NN&PTNT - chủ của trụ thẻ ATM rò điện đã đến thăm hỏi và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, khắc phục hậu quả vì nguyên nhân từ sự tắc trách của đơn vị liên quan quá rõ.

Còn cái chết của em Phạm Xuân Tín, theo thông tin ban đầu từ báo chí, tại hiện trường, khu vực bảo vệ voi xiếc dù được bao bọc bằng lưới B40 nhưng rất lỏng lẻo.Vì thế, rất có thể lần này, đơn vị liên quan đến cái chết của em Tín sẽ lại bồi thường cho gia đình em Tín một số tiền. Song ai cũng hiểu những hậu quả mất mát như thế thì chẳng bao giờ được khắc phục, bù đắp trọn vẹn; bởi vậy, phải làm thế nào để ngăn ngừa, giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm tương tự. Rõ hơn, phải làm thế nào để bảo đảm một cách hữu hiệu sự an toàn không chỉ cho trẻ em mà cả người lớn, nói chung cho mọi thành viên xã hội, khi đi lại, vui chơi ở nơi công cộng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thiết nghĩ trong những trường hợp như thế, pháp luật cần xử lý nghiêm minh, xử phạt thật nặng để răn đe. Các cá nhân, tổ chức liên quan có thể bị phạt tiền nặng đến mức phá sản và cá nhân liên quan có thể bị tống giam nhiều năm trong lao tù, thì chắc chắn người ta sẽ chẳng dám lơ là mà sẽ quan tâm đúng mức đến những việc cần làm để tránh rủi ro cho mình và cho mọi người khác.

Thế nhưng sự chưa nghiêm minh của pháp luật cũng như những kẽ hở của pháp lý khiến cho người ta  nhận thấy sự tắc trách trong công việc có thể hậu quả nghiêm trọng đối với tính mệnh con người chỉ bị xử phạt chiếu lệ, đặc biệt là chẳng thấm vào đâu so với lợi ích thu được, thì tự nhiên tạo cho người ta thói quen vô trách nhiệm, chẳng cần quan tâm đến những sự cố có thể xảy ra, không phải lo lắng gì về hậu quả công việc mình làm, cho nên không cần thực hiện những biện pháp gây tốn kém. Nói cho đúng là pháp luật chưa nghiêm trước những sự cố như vậy thì cũng có nghĩa là đang dung dưỡng cho sự tắc trách, vô trách nhiệm, gây ra sự tái diễn những cái chết thương tâm.

Trong rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, việc xử phạt về vật chất thường không tương xứng với thiệt hại gây ra. Chưa nói đến những sai lầm trong việc định lượng mức độ và hình thức xử phạt, dẫn đến những toan tính vô lương tâm.Ví dụ điển hình là vụ lái xe cố tình cán chết người gây bức xúc trong dư luận gần đây do nhận thấy chuyện đã lỡ gây ra tai nạn, nếu để nạn nhân chỉ bị thương tật nặng thì có thể dây dưa trách nhiệm bồi thường đến suốt đời, còn làm cho nạn nhân chết hẳn thì có điều kiện giải quyết dứt khoát hậu quả trong một lần, người lái xe đã chọn phương án thứ hai (!?).

Vì vậy, cần phải nhanh chóng rà soát hệ thống luật pháp và hoàn thiện cơ chế xử lý vi phạm đủ sức răn đe,  làm cho người ta phải biết sợ khi nghĩ đến hậu quả của việc làm ăn tắc trách gây ra tai nạn chết người thì sẽ phải chịu sự trừng phạt nặng nề của công lý. Trước hết, cần bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, chính xác và nghiêm minh trong mọi tình huống chế tài. Có như thế, những chuyện đáng buồn, những cái chết thương tâm như vừa qua mới không còn tái diễn.

Thu Thuỷ

                                                Đà Nẵng

 

LTS Dân trí - Những sự cố vừa qua cho thấy thái độ tắc trách trong công việc đã dẫn tới những cái chết thương tâm không đáng có, mà phần lớn rơi vào trẻ em. Điều đó làm cho dư luận hết sức bất bình và đòi hỏi việc xử lý thật nghiêm minh, đúng người đúng tội. Không thể dùng tiền để chuộc lại cái tội làm chết người, cho nên cần kèm theo những hình thức xử phạt nghiêm khắc khác như hạ chức, hạ bậc lương, đuổi việc, thậm chí có thể bỏ tù những người có liên quan, để răn đe mọi người không bao giờ để tái diễn những tai nạn tương tự.

Nếu pháp luật còn thiếu những chế tài cần thiết để xử lý thật nghiêm những trường hợp như trên thì nên bổ sung như kiến nghị của tác giả bài viết trên đây.