Bài 9:

Khởi tố hay xử phạt vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng?

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động - Bắc Giang) để cho con là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn phá hơn 26.000m2 rừng tự nhiên, từ chỗ kết luận không thể xử lý hình sự, Hạt kiểm lâm Sơn Động đã chuyển hồ sơ sự việc sang cơ quan công an. Theo luật sư, cần phải khởi tố ngay vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí, Hạt kiểm lâm Sơn Động đã kết luận gia đình ông Thắng - chủ tịch thị trấn Thanh Sơn phá rừng tự nhiên trái pháp luật là có cơ sở. Tuy nhiên, thủ phạm chính trong việc tổ chức phá rừng lại là con trai ông Thắng, tức Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp thị trấn). Tổng diện tích rừng bị phá là 26.056m2 xảy ra từ tháng 4/2014. Thời điểm phá rừng là năm 2014 khi ông Thắng đang giữ cương vị là Trưởng công an thị trấn Thanh Sơn.


Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động vào tháng 5/2016. (Ảnh: Anh Thế)

Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động vào tháng 5/2016. (Ảnh: Anh Thế)

Tuy nhiên, điều bất thường ở chỗ hàng chục nghìn m2 rừng bị phá gia đình lãnh đạo địa phương phá tan hoang nhưng trong suốt hơn 1 năm lực lượng kiểm lâm tại đây dường như đã bị “bịt mắt” khi không thể phá hiện. Sự việc chỉ vỡ lở khi một người dân liên tục làm đơn tố cáo. Và sau khi nhận được đơn thư của người dân, Hạt kiểm lâm Sơn Động mới bắt buộc phải lập đoàn kiểm tra xác minh kết luật sư việc phá rừng của gia đình chủ tịch thị trấn là đúng.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Cơ quan cảnh sát điều tra cần ngay lập tức vào cuộc để xác minh, điều tra làm rõ các hành vi phạm tội cụ thể trong vụ việc. Trước mắt Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Động phải khởi tố ngay vụ án hình sự liên quan đến hành vi hủy hoại rừng sau khi đã có kết luận từ Hạt kiểm lâm Sơn Động.

Thông qua tin báo tố giác tội phạm của người dân cũng như loạt bài điều tra của Báo Dân trí, việc bố con ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn và con trai là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn có hành vi hủy hoại rừng đã sáng tỏ. Họ đã dùng mọi cách để hợp thức hóa hành vi hủy hoại rừng của mình thông qua các hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu giả tạo, ủy quyền “ma” nhằm trốn tránh trách nhiệm cần có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Khởi tố hay xử phạt vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng? - 2

Một bạn đọc Dân trí đã đặt câu hỏi trong phần bình luận về những cánh rừng gỗ lim cổ thụ bạt ngàn tại huyện Sơn Động nay còn không? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra, trả lời bạn đọc.

Một bạn đọc Dân trí đã đặt câu hỏi trong phần bình luận về những cánh rừng gỗ lim cổ thụ bạt ngàn tại huyện Sơn Động nay còn không? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra, trả lời bạn đọc.

Trên cơ sở tính cấp thiết của vấn đề ngăn chặn các hành vi huỷ hoại rừng, tránh bỏ lọt tội phạm đang hoành hành tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang bởi hành vi này không những xâm phạm xác quy định của BLHS về các tội phạm thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng ngoài ra còn là sự xâm phạm nguyên tắc quản lý của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ tính hiệu quả cao trong việc phòng ngừa thiên tai, hiểm hoạ từ thiên nhiên do diện tích rừng bị thu hẹp.

Theo như cách hiểu của cơ quan chức năng tại tỉnh Bắc Giang là bố con ông Thắng có hành vi hủy hoại rừng là đã rõ nhưng cần thiết khởi tố vụ án để điều tra xác định lại diện tích rừng, loại rừng và giá trị thiệt hại cho từng loại rừng cụ thể. Ngoài ra trên cơ sở xác minh, điều tra rõ làm rõ từng nội dung liên quan đến hành vi hủy hoại rừng của các đối tượng, cần có kết luận chi tiết về thời điểm giao rừng là loại rừng gì, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng các đối tượng đã thực hiện những hành vi gì? “, luật sư Lực nói.

Điều 189 Bộ luật hình sự quy định về tội huỷ hoại rừng:

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;

d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;

b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Trong vụ án phá rừng nghiêm trọng tại huyện Sơn Động, theo điều tra của PV Dân trí, sự việc ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động - Bắc Giang) để cho con là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn phá hơn 26.000m2 rừng còn phát lộ tấm giấy uỷ quyền do một vị phó chủ tịch xã Tuấn Mậu ký đóng dấu khi ông này còn chưa là… phó chủ tịch.

“Ở đây phải xác định, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng không thể xem nhẹ vụ việc này được, các cơ quan chức năng phải quyết liệt đấu tranh làm rõ các hành vi, xác định trách nhiệm đến đâu thì xử lý đến đó, chứ không thể viện cớ sự việc xảy ra đã lâu hay “khu vực đó hiện nay là đồi trọc” để không tiến hành điều tra xác minh, không xử lý. Tôi tự hỏi rằng: Nếu hành vi phá rừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mà được làm “ngơ”, thì chẳng phải là tiếp tay cho lâm tặc hay sao? Hàng ngàn, vạn ha rừng hiện nay chúng ta đang ra sức “giữ” liệu có kết cục như 26.056m2 kia không thì không ai dám chắc được. Chế tài nếu không nghiêm khắc sẽ không đủ sức răn đe, giáo dục, tạo hiệu ứng tiêu cực trong xã hội”, luật sư Lực nhận định

Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí phanh phui vụ việc Công ty lâm nghiệp Sơn Động mở đường phá hơn 20 ha rừng tự nhiên, nhiều người dân tại đây phá rừng bị xử lý thì thêm việc gia đình chủ tịch thị trấn ngang nhiên phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiến khiến dư luận xót xa đặt câu hỏi về trách nhiệm hệ thống chính quyền huyện Sơn Động.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công việc và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện được phân cấp và xác định rất rõ: "Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.

Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật".

Được biết, ông Trần Công Thắng hiện đang giữ cương vị Bí thư huyện ủy Sơn Động, ông Nguyễn Quang Ngạn đang giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Sơn Động.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế