Khi lãnh đạo đi... "hành khất"
(Dân trí) - Chuyện doanh nghiệp đi “xin” quan chức để có chương trình, dự án là… chuyện “thường ngày ở huyện”. Còn hiện nay chuyện quan đi “xin”, quan “hành khất” lại là… chuyện lạ có thật đang diễn ra đó đây, khiến dư luận xã hội lại trăn trở.
Đã từ rất lâu, một suy nghĩ hằn sâu trong tiềm thức nhiều người dân Việt Nam rằng: “quan” chỉ biết “ban phát”, “yêu cầu”, không bao giờ đi “xin”. Thế nhưng hiện nay việc quan đi “xin”, quan làm kẻ “hành khất” lại đang diễn ra như "chuyện thường ngày ở huyện".
Có khác chăng là hành khất thường là những người đói khổ, già cả hoặc thất cơ lỡ vận mà phải đi xin. Còn hiện nay kẻ “hành khất " mới này lại ăn mặc tươm tất, cân đai mũ áo đàng hoàng, ngủ khách sạn cao cấp, ăn nhà hàng sang trọng, đi xe xịn cả hàng tỷ đồng để đi “xin”?!
Mặc dầu trên danh nghĩa tất cả mọi dự án đầu tư, mọi chính sách ưu đãi, tất cả các khoản mục tài chính… đã được phân khai, công bố ngay từ đầu năm, đầu quý. Nhưng để dự án từ các bộ ngành chủ quản, và tiền từ Sở, Bộ Tài chính đến được địa phương, nếu không trực tiếp đi “xin” thì... còn lâu mới có.
Trong xây dựng lịch trình làm việc của các cấp từ cấp huyện trở lên, thường trong quý, trong tháng đều có bố trí lịch Bí thư, Chủ tịch hay Phó chủ tịch UBND đi “làm việc” với sở này, phòng kia ở Tỉnh; Bộ nọ, Ban kia ở trung ương hoặc cả trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ.
Đằng sau hai chữ “làm việc” thực chất là “đi xin”. Xin dự án, xin kinh phí, xin thành tích (Huân, huy chương). Có người đã tổng kết rằng thời gian dành đi “xin” nhiều hơn thời gian dành cho cơ sở, dành cho nhiệm vụ chuyên môn.
Thói đời vẫn vậy, đã có người “xin” ắt phải có người "cho”. Và đằng sau việc “xin - cho” đó là một loạt tiêu cực xảy ra làm băng hoại đức, làm hỏng cán bộ, là cái ổ đẻ ra tham nhũng.
Không ít người nhờ được đi “xin” mà giàu lên nhanh chóng. Cũng không ít người nhờ được quyền “cho” mà không những có nhà lầu, xe hơi, khi về địa phương cơ sở còn được đón rước long trọng như vua chúa, muốn gì được nấy.
Thời xã hội phong kiến, người ta định nghĩa "quan là phụ mẫu của dân". Hiểu theo hướng tích cực nhất là "quan" phải gương mẫu, lo cho dân như cha mẹ lo cho con cái. Tiếc là trên thực tế, số quan xứng được tôn vinh theo cái ý nghĩa tích cực đó không còn nhiều.
Sau khi chế độ phong kiến sụp đổ, chính quyền về tay nhân dân lao động, trong "Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" (đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân...".
Thế nhưng, thực tế hiện nay số quan chức có thể xem là "công bộc của dân" thực sự rất hiếm, nếu không nói là có lẽ đã đi vào “sách đỏ”.
Chúng ta đang tích cực, chủ động hội nhập sâu, toàn diện vào thế giới. Sân chơi lớn đòi hỏi phải công khai, minh bạch. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải theo đúng luật pháp. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với cán bộ...
Đã đến lúc cần bỏ ngay cơ chế “xin -cho”. Cán bộ chủ trì nên dành nhiều thời gian và trí tuệ để tìm ra nhiều phương pháp, sáng kiến để đưa địa phương đất nước đi lên.
Khi đánh giá năng lực cán bộ, nên đánh giá cao về việc tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở cơ sở, cùng nhân dân bám đất, bám cơ sở, tìm ra những cách làm hay, những sáng kiến giỏi, khai thác được tiếm năng của địa phương, giúp nhân dân làm giàu bằng nội lực, thế mạnh của mình.
Chính phủ cần căn cứ vào các chương trình kế hoạch đầu tư xây dựng để công khai cho cơ sở và nhân dân biết, để khỏi mất thời gian, tiền của để "đi xin" như thế.
Đừng biến cán bộ thành những kẻ “đi xin” bất đắc dĩ, vừa làm tổn hại danh dự, mất uy tín, tạo kẽ hở cho tiêu cực tham nhũng, mất lòng tin của nhân dân...
Phùng Văn Mùi