Khen thưởng giáo viên giỏi sao cho hợp lý
(Dân trí) - Một đồng nghiệp là giáo viên THCS tâm sự với tôi rằng: Ở trường của anh, sướng nhất là những giáo viên đã “thi đậu” giáo viên giỏi huyện, tỉnh, bởi vì họ được tôn vinh và khen thưởng liên tục ít nhất là 3 năm liền.
Chúng tôi nhận thấy cách làm trên có điều bất hợp lý. Đành rằng khen thưởng, tôn vinh những GV đạt thành tích trong các kì thi GV giỏi là cần thiết, song thiết nghĩ chỉ nên khen thưởng vào năm học mà GV tham gia kì thi. Đến những năm học sau, tuy rằng danh hiệu GV giỏi vẫn được bảo lưu, nhưng không phải là kết quả phấn đấu của bản thân GV trong năm học đó nên việc khen thưởng là bất hợp lý, tạo nên tâm lý phân biệt đối xử và không có tác dụng động viên các GV khác phấn đấu.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Có nhiều GV không tham gia thi GV giỏi nhưng vẫn cố gắng và đạt nhiều thành tích trong công tác. Biết bao nhiêu những cống hiến, hi sinh âm thầm của đội ngũ nhà giáo chưa được ghi nhận đúng mức, vì không thuộc diện thành tích “bề nổi”. Những GV đạt thành tích trong các kì thi GV giỏi thường được giao giảng dạy hay chủ nhiệm ở những lớp học sinh có ý thức và khả năng học tốt, hầu như không vất vả gì mà vẫn đạt những thành tích cao. Còn những GV bình thường thì được giao những lớp yếu, vất vả cả năm “vật lộn” với lớp, nhưng thành tích vẫn lẹt đẹt.
Có khi cả năm phấn đấu, đến cuối năm một học sinh cá biệt gây nên một vụ vi phạm, thế là công sức thầy trò “đổ sông đổ biển”. Cuối năm, nhà trường cứ theo thành tích mà xét khen thưởng, thế là những GV bình thường kia “thiệt đơn thiệt kép”. Sự phân biệt đối xử giữa những GV giỏi và những GV bình thường sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực là những GV “bình thường” sẽ mang mặc cảm tự ti, an phận.
Thiết nghĩ công tác thi đua khen thưởng góp phần quan trọng động viên đội ngũ nhà giáo phấn đấu vươn lên lao động sáng tạo. Song cần tiến hành một cách công bằng, hợp lý, không nên ưu ái quá mức đối với những GV giỏi; nếu không sẽ phát sinh những tác động tiêu cực về tâm lý đối với các GV khác. Hi vọng rằng việc tôn vinh GV giỏi kiểu “cúp vàng vĩnh viễn”, biến tướng của bệnh thành tích nói trên không phải là hiện tượng phổ biến.
Trọng Nghĩa
LTS Dân trí -Ý nghĩa và mục đích của việc khen thưởng là động viên phong trào thi đua nói chung, làm cho người được khen thưởng phấn khởi để tiếp tục phấn đấu cao hơn, đồng thời cũng khuyến khích những người khác vươn lên trở thành những nhân tố mới của phong trào. Có như vậy thì thi đua mới phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả đạt được ngày càng cao.
Trên tinh thần đó, việc khen thưởng các giáo viên giỏi cấp huyện thì chỉ nên khen thưởng trong năm đó như kiến nghị của tác giả viết bài trên đây, còn những năm tiếp theo thì căn cứ vào kết quả phấn đấu đóng góp vào phong trào chung của từng giáo viên mà xem xét việc khen thưởng.