Kẻ tráo vé số của người khuyết tật có bị tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư cho biết, người phạm tội nếu phạm tội đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng TNHS.

Công an TP Biên Hòa vừa bắt giữ Phạm Ngọc Vinh (52 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vinh là nghi phạm gây ra vụ tráo 522 tờ vé số của bà Lê Thị Thuận (quê Khánh Hòa) tại địa bàn phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, ngày 24/9. Bà Thuận là người không tay, không chân, làm nghề bán vé số tại đường Dương Tử Giang, TP Biên Hòa từ nhiều năm nay. 

Sau khi gây án, Vinh về quầy vé số của ông L.Q. (TP Thuận An, Bình Dương) bán lại được 4,24 triệu đồng.

Gửi ý kiến bình luận về báo Dân trí, độc giả Ngọc Thắng viết: "Một người phụ nữ không tay, không chân nhưng vẫn lao động, mưu sinh bằng chính sức lực của mình. Một người đàn ông lành lặn, sức dài vai rộng lại nhẫn tâm lừa đảo cả người tàn tật mà vốn dĩ cuộc sống đã chẳng dễ dàng, còn đâu là nhân cách, liêm sỉ với loại tội phạm này.

Với những người không có nhân cách thì có không gian riêng cho họ - ở trong tù. Có thể áp dụng hình thức kịch khung, tăng nặng thiết nghĩ cũng chẳng có ai phản đối".

Nhiều độc giả cùng chung thắc mắc, trong các vụ án nếu nạn nhân là người khuyết tật, kẻ phạm tội có phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?

Kẻ tráo vé số của người khuyết tật có bị tăng nặng trách nhiệm hình sự? - 1

Đối tượng Phạm Ngọc Vinh bị bắt sáng 26/9 (Ảnh: Công an cung cấp).

Phạm tội đối với người khuyết tật sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng TNHS

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Phạm Thị Vân, Công ty luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết pháp luật Việt Nam những năm gần đây đã và đang dành những sự quan tâm lớn tới người khuyết tật. Bằng chứng là Luật Người khuyết tật 2010 đã được ban hành đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật.

Đặc biệt, Bộ Luật Hình sự 2015 đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong nhận thức về việc bổ sung tình tiết tăng nặng liên quan đến nạn nhân là người khuyết tật.

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết được quy định trong Bộ luật hình sự với tính chất là tình tiết tăng nặng chung và là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo hướng nghiêm khắc hơn trong phạm vi một khung hình phạt nếu trong vụ án hình sự có tình tiết này.

Kẻ tráo vé số của người khuyết tật có bị tăng nặng trách nhiệm hình sự? - 2

Bà Thuận sau khi bị kẻ gian tráo đổi 840 tờ vé số (Ảnh: Yên Thành).

Năm 1985, Bộ luật hình sự (BLHS) đầu tiên của Việt Nam được ban hành vẫn chưa có những quy định dành riêng nhằm bảo vệ đối tượng người khuyết tật. Đến năm 1999, BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) vẫn chưa đề cập đến tình tiết tăng nặng TNHS khi phạm tội đối với đối tượng yếu thế là người khuyết tật. Chỉ duy nhất quy định tình tiết "Phạm tội đối với người tàn tật" là dấu hiệu định khung của duy nhất một tội là tội hành hạ người khác theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 110.

Trong khi đó người khuyết tật (nhất là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) là đối tượng rất dễ trở thành nạn nhân của hành vi tội phạm vì chính lý do sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Người khuyết tật có quyền được pháp luật bảo vệ một cách tối đa, giống như các đối tượng yếu thế khác (trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi…).

Như vậy, các chế tài hình sự áp dụng đối với những tội phạm mà nạn nhân của các tội phạm đó là những đối tượng yếu thế (trong đó có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) cũng cần thiết được quy định nghiêm khắc hơn trong BLHS để đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Chính vì lý do đó, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mở rộng phạm vi bảo vệ quyền của người khuyết tật dưới góc độ pháp luật hình sự bằng việc thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng cho mọi tội phạm.

Điều này đánh dấu một bước ngoặt mới trong nhận thức về việc lồng ghép vấn đề khuyết tật trong BLHS, đưa BLHS 2015 trở thành một bộ luật tiến bộ nhất đảm bảo quyền của người khuyết tật.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được liệt kê tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là cơ sở pháp lý để tăng nặng hình phạt cho người phạm tội trong phạm vi của khung hình phạt tương ứng. Đặc biệt trong đó phạm tội với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là một trong các tình tiết tăng nặng TNHS (điểm k).

Theo đó, người phạm tội nếu phạm tội đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng TNHS.

Nhận thấy, việc quy định các tình tiết tăng nặng TNHS khi phạm tội đối với người khuyết tật đã góp phần hạn chế, phòng ngừa đối với các hành vi phạm tội với người khuyết tật, phần nào sẽ hạn chế các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe và tinh thần của người khuyết tật. Đồng thời đã đảm bảo sự phù hợp giữa mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội so với mức hình phạt khung tương ứng được quy định khi đối tượng phạm tội là người yếu thế.