Kẻ mạo danh cán bộ Ban Nội chính Trung ương lừa đảo có thể chịu mức án nào?

Thế Hưng

(Dân trí) - Đối tượng đã mạo nhận là phó vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương để lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của người dân và doanh nghiệp có thể phải đối mặt với khung hình phạt 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Ngày 26/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố bị can Mạc Đăng Thanh (31 tuổi) về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo nhà chức trách, từ năm 2020 Thanh giả danh cán bộ thuộc một tổng cục của Bộ Quốc phòng, thanh tra Bộ Quốc phòng, Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Huy Hoàng (có trụ sở tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của một số công ty, cá nhân dưới hình thức "chạy" xin việc, dự án, "chạy án"...

Kẻ mạo danh cán bộ Ban Nội chính Trung ương lừa đảo có thể chịu mức án nào? - 1

Lê Quý Thanh (bên phải) cùng một đối tượng khác trong vụ lừa đảo (Ảnh: Công an Bắc Giang).

Phân tích về vụ án này, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có nhiều đối tượng cùng tham gia, thực hiện hành vi rất tinh vi, liên quan đến nhiều nạn nhân.

Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, người nào bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự. Trường hợp hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

"Với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng như cáo buộc của cơ quan điều tra, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, hưởng lợi lớn thì sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn các đối tượng với vai trò giúp sức, thứ yếu", vị luật sư này khẳng định.

Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh đã có hành vi gian dối khiến nạn nhân tin tưởng rồi trao tài sản cho các đối tượng này. Hành vi gian dối có trước thời điểm đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ làm rõ số tiền nhận của người bị hại, các đối tượng này đã sử dụng vào việc gì, hiện đang ở đâu?

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ mở rộng điều tra làm rõ ngoài các đối tượng đã bị khởi tố thì còn ai giúp sức, xúi giục các bị can thực hiện hành vi phạm tội, còn người khác phạm tội khác hay không. 

Ngoài ra cũng sẽ làm rõ tài sản chiếm đoạt được các đối tượng đã cất giấu ở đâu, sử dụng vào việc gì để tiến hành phong tỏa, kê biên, niêm phong thu giữ để đảm bảo thi hành án. Nếu phát hiện ra hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, hành vi rửa tiền thì cũng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. 

Cơ quan điều tra sẽ điều tra nguyên nhân nào dẫn đến những người bị hại đã nhẹ dạ cả tin để tin theo, làm theo những lời hứa hẹn không có căn cứ, gian dối của các đối tượng này để làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, đồng thời để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.

Trưởng văn phòng luật Chính Pháp khẳng định, đây không phải là vụ án đầu tiên mà các đối tượng giả mạo người có chức vụ quyền hạn. Thời gian gần đây các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng thường xuyên mạo danh cơ quan công quyền để đe dọa, lừa đảo đối với nhiều nạn nhân.

Điều này cho thấy trong xã hội còn có những tiêu cực, những góc khuất, những mặt trái khiến cho các đối tượng tội phạm lợi dụng. Nhiều người còn nhẹ dạ, cả tin, dễ dàng tin theo những thông tin gian dối mà các đối tượng lừa đảo đưa ra, dễ trở thành nạn nhân khi mức độ nhận thức, hiểu biết xã hội và pháp luật hạn chế...

Ngoài ra, tâm lý chạy chọt, nhờ vả, xin xỏ vẫn ngự trong suy nghĩ của nhiều người. Không ít người sẵn sàng sử dụng tiền để giải quyết các công việc trong kinh doanh cũng như trong đời sống và đây là điều kiện để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. 

Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng, ngoài việc xử lý các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng cũng cần tổng kết kinh nghiệm để tuyên truyền phổ biến, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tăng cường công tác quản lý xã hội để loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, hạn chế những vụ án hình sự tương tự có thể xảy ra.