Hà Trung, Thanh Hóa:
Kẻ gây tai nạn vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật
Gần đây, các cơ quan báo chí tiếp tục nhận được đơn của ông Phùng Văn Khâm (số 78 Nguyễn Huệ, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) phản ánh về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến con trai ông là Phùng Ngọc Cường (SN 1988) đã xảy ra được hơn một năm, nhưng cách hành xử thiếu minh bạch, có dấu hiệu bao che của cơ quan chức năng khiến vụ việc có dấu hiệu “chìm xuồng”...
Hiện trường vụ tại nạn xảy ra vào khoảng 17 giờ 45 phút ngày 13/5/2013 tại km 303 + 30 quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn Hà Trung. Ảnh: Do nạn nhân cung cấp
Bỏ mặc nạn nhân
Theo đơn trình bày của ông Phùng Văn Khâm: Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17 giờ 45 phút ngày 13/5/2013 tại km 303 + 30 quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) giữa xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 15C - 04622 (do Nguyễn Quyết Thắng, SN 1979, trú tại Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng điều khiển) và xe mô tô BKS 29T - 07814 (do con trai ông là Phùng Ngọc Cường, SN 1988, ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa điều khiển). Vụ tai nạn nghiêm trọng này đã khiến chân phải của Cường bị dập nát và cụt mất một chân tại hiện trường, toàn thân bị trầy xước, tỷ lệ thương tật lên tới 74%.
Theo lời kể của anh Cường: “Khi đâm phải tôi, lái xe lại không phanh ngay mà chạy tiếp, kéo lê tôi một đoạn dài rồi mới phanh. Nếu mà phanh kịp thời thì tôi đã không bị nặng như thế này. Khi xe phanh lại, tôi thấy tài xế xuống, nhưng đứng ngoài nhìn; khi tôi kêu la cầu cứu thì lái xe bỏ đi, để mặc tôi nằm dưới gầm xe… Sau đó, tôi được mọi người bế lên xe máy và một người ôm đằng sau, một tay tôi ôm người lái xe, một tay tôi cầm chiếc chân bị đứt đi tới Bệnh viện Hà Trung để sơ cứu…”.
Hậu quả, chân phải của anh Cường đã bị cụt 1/3 đùi trở xuống.
Ảnh minh họa
Vụ tai nạn nghiêm trọng này đã khiến chân phải của Cường bị dập nát và cụt mất một chân tại hiện trường, toàn thân bị trầy xước, tỷ lệ thương tật lên tới 74%. Ảnh: Do nạn nhân cung cấp
Nhiều dấu hiệu bất thường
Kết luận của Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh Thanh Hóa) ngày 20/6/2013, cho thấy: “Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do: Xe container đã chạy quá tốc độ quy định (khoảng 93 - 100km/h) trong đường nội đô (tốc độ tối đa cho phép là 35km/h) và lấn làn đường gây tai nạn”.
Nguyên nhân tai nạn đã được kết luận rõ, nhưng khi xử lý vụ việc, Công an huyện Hà Trung đã khiến dư luận và gia đình nạn nhân bức xúc đặt câu hỏi hoài nghi, có hay không sự dung túng, bao che của cơ quan chức năng đối với lái xe gây tai nạn?
Thứ nhất, theo ông Khâm, không hiểu vì sao mà ngay sau khi xảy ra tai nạn, Công an huyện Hà Trung tự ý ngay lập tức cho chủ hàng giải thoát lô hàng trên chiếc xe gây tai nạn với con ông, trong khi chưa cân trọng tải xe để xác định chiếc xe này có vượt quá trọng tải cho phép khi lưu thông trên đường và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn.
Thứ hai, theo quy định, sau khi gây tai nạn, xe (dù đang vận chuyển hàng hóa) vẫn bị cơ quan Công an giữ lại cùng với hàng hóa để điều tra giải quyết, trong vòng 24 giờ, chủ lô hàng phải xuất trình hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc hàng hóa trên xe. Tuy nhiên, mặc dù chủ lô hàng vẫn chưa xuất trình đủ giấy tờ theo quy định, Công an huyện Hà Trung vẫn “cố tình” lờ đi, bỏ qua “khâu” xác định nguồn gốc hàng hóa, nhanh chóng cho chủ hàng giải thoát lô hàng trên một cách không minh bạch. Như vậy, làm sao chứng minh giấy tờ chủ xe cung cấp và lô hàng trên là hợp pháp.
Trong những lần làm việc với phóng viên, Công an huyện Hà Trung cung cấp những giấy tờ được coi là hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa chỉ là những giấy tờ tự khai của doanh nghiệp xuất hàng, giấy ghi quy cách sản phẩm bằng tiếng Trung, không có dấu của nhà sản xuất cũng như dấu của cơ quan chức năng, không có giá trị pháp lý. “Chưa có giấy tờ nào xác thực qua cơ quan quản lý Nhà nước, nó không phải là hóa đơn. Nếu đây là hàng xuất khẩu, thì phải có hóa đơn giá trị gia tăng xuất khẩu theo mẫu của Việt Nam”, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cho biết sau khi xem các giấy tờ do Công an huyện Hà Trung cung cấp.
Thứ ba, vụ tai nạn xảy ra từ ngày 13/5/2013, nhưng mãi đến ngày 4/7/2013, sau một thời gian điều tra, cơ quan Công an huyện Hà Trung mới xác định đây là vụ án có dấu hiệu hình sự và tiến hành khởi tố. Việc xử lý tùy tiện, tắc trách của Công an huyện Hà Trung càng được thể hiện rõ khi đơn vị này đã không báo Viện kiểm sát cùng cấp tham gia lập biên bản khám nghiệm hiện trường, giám sát xem hành vi phạm tội là do xe container lấn đường, chạy quá tốc độ hay vượt sai quy định... Việc vi phạm thủ tục tố tụng của Công an huyện Hà Trung đối với vụ việc được phân định theo hướng hình sự khiến quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của của Công an huyện chưa được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Và, không hiểu do vô tình hay cô ý, “lỗi nghiệp vụ” đó của Công an huyện Hà Trung vô hình chung giúp cho thủ phạm vụ gây tai nạn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Thứ tư, dư luận càng bức xúc hơn khi vụ việc cho đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, kẻ gây tai nạn chưa bị xử lý, cũng như không có một lời hỏi thăm nạn nhân thì chiếc xe ô tô gây tai nạn BKS 15C - 04622, vật chứng quan trọng của vụ án lại được Công an huyện Hà Trung thả ra, hàng hóa trên xe đã được giải phóng.
Thậm chí, ngay cả khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có Công văn số 1563/UBTP13 ngày 25/10/2013 về việc xử lý đơn thư của ông Phùng Văn Khâm gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu xem xét đơn của ông Khâm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời ông Phùng Văn Khâm, đồng thời thông báo kết quả đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Và ngày 30/10/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã chuyển đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giải quyết và báo cáo kết quả.
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá khẳng định: “… Cơ quan điều tra khi xử lý vụ việc không được để xảy ra sai sót bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân… Công an tỉnh sẽ chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc trên tinh thần kịp thời, khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội. Nếu phát hiện tập thể, cá nhân có sai phạm, thì tuỳ mức độ, sẽ xử nghiêm…”.
Dư luận càng bức xúc hơn khi vụ việc cho đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, kẻ gây tai nạn chưa bị xử lý, chiếc xe gây tại nạn lại được thả về... Ảnh: Do nạn nhân cung cấp
Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa, cũng như Công an huyện Hà Trung vẫn không có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ vào cuộc một cách nghiêm túc để làm sáng tỏ vụ việc, báo cáo cấp trên như đã chỉ đạo, vi phạm quyền lợi chính đáng của nạn nhân, người vi phạm vẫn chưa bị xét xử đúng pháp luật, gây bức xúc trong dư luận và làm mất niềm tin của nhân dân vào các cơ quan tư pháp và hành pháp của tỉnh Thanh Hóa.
Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm:
Tải trọng của xe có thể là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. Vì thế, trong trường hợp này, Công an huyện Hà Trung cần phải cân tải trọng trước khi cho giải phóng hàng hóa trên xe container. Hơn nữa, Công an huyện cũng phải phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa trên xe. Nếu đó là hàng hợp pháp thì có thể cho chủ hàng giải phóng hàng hóa, tránh gây thiệt hại không đáng có. Còn nếu hàng hóa chưa rõ nguồn gốc thì phải điều tra, làm rõ rồi mới được tổ chức xử lý.
Theo Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự: Làm chết một người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên...
Như vậy, trường hợp anh Phùng Ngọc Cường kết luận bị thương tật là 74% thì hành vi của người gây tai nạn đã đủ cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, tội phạm này không thuộc nhóm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, gia đình anh Cường (người bị hại) không cần phải làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố người gây tai nạn. Trách nhiệm khởi tố vụ án thuộc về cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nếu thấy việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can bị kéo dài, người bị hại có quyền làm đơn gửi cơ quan điều tra, viện kiểm sát yêu cầu sớm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Theo Thanh tra