Hà Nội:

Hơn 400 quả "bom gas" vỏ nhãn Vạn Lộc, ruột hiệu khác đe dọa cộng đồng

(Dân trí) - Tình trạng "cắt tai mài vỏ" chiếm đoạt vỏ bình gas là hiểm họa khôn lường với cộng đồng khi những bình gas biến dạng này trở thành "bom gas". Sau loạt bài điều tra của Dân trí từng khiến Công ty gas Điện Quang bị khởi tố, hơn 400 quả "bom gas" vỏ nhãn Vạn Lộc, ruột hiệu khác tiếp tục được phát hiện.

Ngày 2/12, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và Phòng PC 46 Công an TP Hà Nội đã tiến hành cưa bỏ, tiêu hủy hơn 400 vỏ bình gas bị "cắt tai mài vỏ" trở thành "bom gas". Toàn bộ số vỏ bình gas này bên ngoài đều mang nhãn hiệu gas Vạn Lộc. Tuy nhiên, khi vỏ bình được cưa ra thì phía trong là nhãn hiệu của hơn 10 hãng gas. Điều đó có nghĩa đã hơn 10 hãng gas bị chiếm đoạt vỏ bình bằng thủ đoạn "cắt tai mài vỏ" bình gas.

Trao đổi với PV Dân trí tại hiện trường, Trung tá Vũ Công Chí, Phó đội chống hàng giả (đội 8) PC 46 Công an Hà Nội cho biết từ nguồn tin báo và trình báo của nhiều hãng gas về việc bị chiếm đoạt vỏ bình, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 2000 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Vạn Lộc. Bằng phương pháp nội soi, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 400 bình gas bị cắt tai mài vỏ trong số đó.

Hơn 400 quả bom gas vỏ nhãn Vạn Lộc, ruột hiệu khác đe dọa cộng đồng
Hơn 400 quả bom gas vỏ nhãn Vạn Lộc, ruột hiệu khác đe dọa cộng đồng
Hơn 400 bình gas mang nhãn hiệu Vạn Lộc thực chất là những quả "bom gas" do cắt tai mài vỏ chiếm đoạt vỏ bình của công ty khác.

Thủ đoạn của các đối tượng khi dùng "trò bẩn" là bằng nhiều thủ đoạn như: giảm giá bán gas, khuyến mại tặng quà cho khách hàng đổi sang dùng sản phẩm của công ty này... Người tiêu dùng thầy lợi sẽ sẵn sàng đổi bình gas cho hãng khác mà không hề hiểu rằng đang phải đối mặt với những hiểm họa cháy nổ khôn lường.

Sau khi thu gom được vỏ bình, các công ty này sẽ tập kết để "phù phép" thành vỏ bình gas của công ty mình bằng cách: đập quai xách bình cũ để thay mới xóa dấu vết mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ bình quét lại thành tên công ty khác. Vì thế, các hãng gas bị chiếm đoạt vỏ bình gọi đây là chiêu "cắt tai mài vỏ" bình gas. Tuy nhiên, phía trong bình gas vẫn còn in chìm tên hãng gas. Và muốn xác định nguồn gốc của bình gas chỉ còn cách cắt đôi vỏ bình mới biết được.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp gas, việc bị chiếm dụng vỏ bình gas  gây hậu quả nặng nề với các doanh nghiệp kinh doanh gas bởi chi phí để sản xuất ra một vỏ bình là khoảng 500 nghìn đồng/bình. Khi một bình gas xuất xưởng đến với người tiêu dùng lần đầu tiên, doanh nghiệp chỉ tính tiền phí cược bình là 200 nghìn đồng/bình và số lãi chỉ khoảng 5 - 10 nghìn đồng/bình gas.

Những bình gas mang nhãn Vạn Lộc nhưng ruột mang hiệu công ty gas khác.
Những bình gas mang nhãn Vạn Lộc nhưng ruột mang hiệu công ty gas khác.
Những bình gas mang nhãn Vạn Lộc nhưng ruột mang hiệu công ty gas khác.
Những bình gas mang nhãn Vạn Lộc nhưng ruột mang hiệu công ty gas khác.

Thông thường phải mất 3 tháng, doanh nghiệp mới quay vòng được bình gas với người sử dụng. Vì vậy, nếu như những doanh nghiệp "ma" dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt vỏ bình thì công ty gas chân chính sẽ không những không có lãi mà bị lỗ mất hàng trăm nghìn đồng/bình gas. Và những công ty gas ít vốn sẽ bị đẩy đến đường phá sản. Còn những công ty làm ăn bất chính kia sẽ trúng đậm vì không phải mất chi phí làm vỏ bình.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Gas Việt Nam, hành vi “cắt tai mài vỏ”, chiết nạp gas của các nhãn hiệu gas khác là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng mà hậu quả không thể lường hết. Hơn nữa, hành vi này còn gây thất thu thuế cho nhà nước, thiệt hại cho những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.

Để hạn chế tình trạng gas giả, gas lậu trên thị trường, các cơ quan chức năng cần tìm ra công ty đầu mối cung cấp gas cho các trạm chiết bất hợp pháp và xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm.

Hiệp hội gas Việt Nam đã từng có công văn gửi Bộ Công Thương, Công an TP Hà Nội đề nghị vào cuộc điều tra hành vi "cắt tai mài vỏ" của Công ty gas Vạn Lộc.

Theo Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh, những thủ đoạn kinh doanh “gas bẩn” như cắt tai mài vỏ, chiếm đoạt hàng loạt vỏ bình của các hãng gas, sử dụng trái phép vỏ bình gas, sang chiết nạp gas trái phép, kinh doanh trái phép phạm vào tội danh Sản xuất hàng giả theo điều 156 BLHS và tội Sử dụng trái phép tài sản theo điều 142 BLHS cùng với việc vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hoá…Cần được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, sau loạt bài điều tra của báo Dân trí về những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh gas của Công ty Điện Quang. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã có đủ căn cứ xác định bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Điện Quang  trụ sở ở Lô 18, Khu công nghiệp Cái Lân - TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã có hành vi sản xuất 44.719 vỏ bình ga không có giấy phép theo quy định của pháp luật.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Lý về tội Kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự. TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Lý 9 tháng tù treo.

Anh Thế