Hậu Giang:

Hơn 30 năm mòn mỏi chờ nhận lại sổ thương binh

(Dân trí)- Năm 1977, ông Dương Văn Sửu (SN 1937, ngụ xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) được cấp sổ thương binh. Đến năm 1980, sổ thương binh của ông bất ngờ bị thu hồi. Hơn 30 năm qua, ông Sửu mòn mỏi chờ nhận lại cuốn sổ nhưng vô vọng.

Trong đơn gửi Báo Dân trí, ông Dương Văn Sửu (76 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) tường trình: Vào năm 1977, ông được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, hiện ông Sửu sống ở tỉnh Hậu Giang) cấp sổ thương binh hạng II (4/7) và được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Ông Sửu cho biết, ông hưởng trợ cấp được một thời gian thì vào khoảng đầu năm 1980, Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành (nay là huyện Châu Thành A) thu lại để chuyển sang ngân hàng làm trợ cấp mới. Theo ông Sửu, việc thu lại sổ thương binh lúc đó có làm biên nhận đề ngày 12/8/1980.

Trong biên nhận mà ông Sửu cung cấp có ghi rõ: Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành có nhận sổ thương binh của ông Dương Văn Sửu- số sổ 8830; trợ cấp 1 quý:…. (mờ số không rõ); đã trợ cấp đến hết quý 3/1980. Biên nhận này có giá trị như sổ thương binh.

Ông Sửu cho biết, sau đó, khi đến ngày nhận trợ cấp hàng tháng thì ông nhận được tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện là sổ thương binh của ông đã bị thu hồi nhưng không rõ lý do. Từ đó, ông có làm đơn khiếu nại gửi đến các ngành chức năng nhờ xem xét nhưng không được giải quyết, trả lời thỏa đáng.

Đơn tường trình của ông Dương Văn Sửu gửi báo
Đơn tường trình của ông Dương Văn Sửu gửi báo Dân trí.

Tiếp xúc với PV Dân trí, ông Sửu cho biết, vào khoảng năm 1960, ông tham gia du kích ở ấp Tân Thạnh Đông (nay là ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh). Đến năm 1967, ông tham gia Tổ Hậu cần thuộc Thành Đội Cần Thơ. Khoảng giữa năm 1968, trong quá trình làm nhiệm vụ, ông bị chất nổ làm bị thương, cụt hai chân và đui một bên mắt. Lúc này, chính quyền địa phương tạo điều kiện hợp pháp cho gia đình đưa ông đi điều trị ở bệnh viện tỉnh Cần Thơ. Nằm viện được khoảng 15 ngày, do biến động nên ông phải trốn về quê vợ ở tỉnh An Giang để điều trị tiếp thương tật. Sau đó, khoảng năm 1970, ông trở lại quê ở Tân Phú Thạnh sống từ đó đến nay.

Ông Sửu cho biết, sau khi giải phóng, ông được Nhà nước cấp sổ thương binh hạng II nhưng sau đó bất ngờ lại bị thu hồi nên khiến cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn. “Từ khi bị rút sổ, gia đình tôi luôn gặp khó khăn. Bản thân tôi tật nguyền phải làm thợ mộc để nuôi mẹ, vợ con trong điều kiện túng quẫn”, ông Sửu ngậm ngùi.

“Hơn 30 năm qua, tôi cũng không biết sổ thương binh của tôi ở đâu, trong khi tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi, bệnh tật liên miên mà gia cảnh thì khó khăn lắm. Ước nguyện của tôi lúc này là được cơ quan chức năng xem xét làm rõ nguyên cớ và cấp lại sổ thương binh cho tôi để tôi được an tâm sống những ngày còn lại”, ông Sửu bày tỏ thêm

Nói về lý do bị thu hồi sổ thương binh, ông Sửu cho biết, cho đến lúc này ông vẫn chưa rõ vì sao. Theo ông Sửu, ông chỉ biết thông tin mơ hồ là “ông đầu hàng giặc”, do đó không đủ điều kiện để hưởng chế độ chính sách. “Tôi bị cụt hai chân nên không thể tiếp tục tham gia Tổ Hậu cần, vì thế tôi đành trở về sống đời thường chứ biết làm sao hơn”, ông Sửu bùi ngùi.

Đơn tường trình của ông Dương Văn Sửu gửi báo
Ông Dương Văn Sửu cho rằng: Ông bị cụt hai chân là do trong quá trình di dời các thùng vũ khí lúc hoạt động ở Tổ Hậu cần thuộc Thành Đội Cần Thơ.

Trước vụ việc trên, ngày 9/10, khi trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Thanh Triết- phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh- cho rằng, do thời điểm cấp và thu hồi sổ thương binh của ông Dương Văn Sửu quá lâu nên hiện nay địa phương cũng không rõ. “Những người làm công tác chính sách thời đó đã nghỉ hoặc chuyển nhiều công tác nên chúng tôi không nắm cụ thể”, ông Triết nói. Ông phó Chủ tịch xã đề nghị PV liên hệ với ngành chức năng của huyện Châu Thành A để tìm hiểu thêm.

Làm việc với Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành A, PV Dân trí được ông Nguyễn Văn Tiến- cán bộ phụ trách chế độ chính sách của huyện từ năm 1981 đến nay- cho biết, việc cấp và thu hồi sổ thương binh của ông Sửu là do bên Tỉnh Đội, còn Phòng chỉ phối hợp thực hiện. “Khi sổ thương binh bị thu hồi thì Phòng chỉ có trách nhiệm ngưng trợ cấp cho ông Sửu mà thôi”, ông Tiến nói.

Khi PV hỏi lý do thu hồi sổ thương binh của ông Sửu thì ông Tiến cho biết, ông cũng không rõ vì việc thu hồi là trước khi ông về Phòng công tác. “Tôi cũng có nghe nói là ông Sửu ra hàng nên không đủ điều kiện”, ông Tiến nói thêm.

Giấy biên nhận thu hồi sổ thương binh của ông Sửu từ năm 1980.
Giấy biên nhận thu hồi sổ thương binh của ông Sửu từ năm 1980.

Trong khi đó, qua hồ sơ mà ông Dương Văn Sửu cung cấp cho PV Dân trí, có một số xác nhận của những người cùng thời (hiện là những cán bộ đã về hưu) với ông Sửu cho rằng, việc thu hồi sổ thương binh của ông Sửu cần xem xét lại. Để xác thực những thông tin liên quan, PV Dân trí đã tìm gặp ông Bùi Minh Tiến (SN 1939, hiện ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ), nguyên là Xã đội trưởng, Bí thư xã Tân Phú Thạnh từ khoảng năm 1964- 1969.

Tiếp xúc với PV Dân trí vào ngày 10/10, ông Bùi Minh Tiến kể lại: Năm 1960, ông Dương Văn Sửu là du kích ấp Tân Thạnh Đông (nay là ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh). Năm 1964, ông Tiến được tăng cường về làm Xã đội trưởng xã Tân Phú Thạnh lãnh đạo đội du kích xã, trong đó có ông Sửu.

Năm 1967, ông 7 Nam (ông Tiến không nhớ họ tên đầy đủ) bên Hậu cần Thành Đội Cần Thơ về lập căn cứ Hậu cần ở Rạch Chồn. Lúc này, ông 7 Nam cùng ông Sáu Hoàng (Thành Đội phó Cần Thơ) có đến gặp ông Tiến xin ông Sửu về công tác ở Tổ Hậu cần Rạch Chồn. Ông Tiến cho biết, lúc đó, ông làm Phó Bí thư kiêm Xã đội trưởng đã giao ông Sửu (lúc này là Tiểu đội trưởng du kích ấp) cho ông 7 Nam và ông Sáu Hoàng.

Năm 1968, chiến dịch Mậu Thân đợt 2 diễn ra ác liệt nên ông 7 Nam, Sáu Hoàng tập trung lực lượng hậu cần để di dời những hầm súng đạn của Thành Đội. Khi di dời, chôn giấu, ông Sửu bị chất nổ tại vàm Rạch Sung nhỏ (xã Tân Phú Thạnh) làm bị thương gãy 2 chân. Ông Tiến khẳng định, thời điểm đó chính ông cũng có mặt.

Ông Tiến cho biết, lúc đó thấy tình hình của ông Sửu không ổn nên ông đã chỉ đạo tạo điều kiện để gia đình đưa ông Sửu ra điều trị hợp pháp ở ngoài bệnh viện. Cùng thời điểm đó, ông Tiến cho biết, có một số du kích ra hàng và không biết nói gì về ông Sửu mà sau đó vợ ông Sửu có báo lại cho ông là ông Sửu bị tình nghi có liên quan đến nhóm du kích này. Ngay sau đó, gia đình phải đưa ông Sửu về An Giang để tiếp tục điều trị.

Một giấy xác nhận của người cùng thời về quá trình bị thương của ông Sửu.
Một giấy xác nhận của người cùng thời về quá trình bị thương của ông Sửu.

Trong xác nhận của mình, ông Bùi Minh Tiến khẳng định, khi ông Dương Văn Sửu bị thương là đang công tác ở gánh Hậu cần thuộc Thành Đội Cần Thơ. Còn về lý do nói ông Sửu đầu hàng thì theo ông Tiến là không đủ cơ sở. “Sau khi tôi về làm Phó rồi Trưởng Công an huyện Châu Thành, tôi đã chỉ đạo tìm kiếm tất cả những thông tin, hồ sơ liên quan đến những người công tác, làm nhiệm vụ liên quan trong thời chiến tranh thì không có tài liệu nào nói ông Sửu đầu hàng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng khẳng định rằng: “Nếu biết chắc chắn là ông Sửu đầu hàng thì tôi đã không xác nhận đề nghị xem xét lại chế độ thương binh cho ông ấy. Do đó, trước việc ông Sửu được cấp rồi bị thu hồi sổ thương binh, tôi đề nghị xác minh lại kỹ càng nếu không là oan cho ông Sửu”.

Trong một xác nhận khác của ông Nguyễn Thanh Hoàng (nguyên Thành Đội phó Cần Thơ trước năm 1966) cũng khẳng định, ông Dương Văn Sửu có ở trong Tổ Hậu cần tại chỗ của Thành Đội tại Rạch Chồn (xã Tân Phú Thạnh).

Một giấy xác nhận của người cùng thời về quá trình bị thương của ông Sửu.
Ông Bùi Minh Tiến khẳng định: Tin ông Sửu đầu hàng là không đủ cơ sở. Ông Tiến cũng đề nghị cần xem xét lại chế độ thương binh cho Sửu. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trước những thông tin trên, ông Sửu cho biết, quá trình hoạt động tham gia chiến tranh rồi bị thương có xác nhận của những người trong cơ quan công tác là sự thật. Do đó, nguyện vọng của ông Sửu trong hơn 30 năm qua là được cấp lại sổ thương binh, nhận lại trợ cấp để phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống nhưng không biết phải chờ đợi đến bao giờ.

Thiết nghĩ, ngành chức năng có thẩm quyền của tỉnh Hậu Giang cần vào cuộc xem xét làm rõ, có câu trả lời thỏa đáng cho ông Dương Văn Sửu.

                                                                                                Huỳnh Hải