Cần Thơ:
Hơn 2 năm ở trọ vì bị cán bộ thi hành án “cản trở” xây nhà
(Dân trí)- Gia đình bà Nguyễn Việt Hằng cho gia đình ông Đinh Hoàng Minh mượn một phần đất để sử dựng. Khi bà Hằng lấy lại để xây nhà thì ông Minh không đồng ý trả mà còn đòi hỗ trợ tiền.
Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Việt Hằng (SN 1967, ngụ 218/28B/1 Trần Hưng Đạo, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) gửi Báo Dân trí phản ánh: Trước đây, ông Đinh Văn Vân (đã mất) có chiếm sử dụng một phần đất của ông Nguyễn Việt Hùng (anh của bà Hằng) và hứa khi nào ông Hùng sử dụng thì sẽ trả lại. Sau khi ông Vân mất, con là Đinh Văn Minh tiếp tục sử dụng.
Mượn đất không trả còn đòi hỗ trợ tiền
Theo bà Nguyễn Việt Hằng cho biết, khoảng tháng 3/2010, bà Hằng được ông Nguyễn Việt Hùng chuyển nhượng quyền sử dụng 67,42m2 đất và một căn nhà diện tích 40,29m2 tại địa chỉ trên. Tháng 4/2010, bà Hằng được cấp GCN QSDĐ và quyền sở hữu nhà ở. Đến tháng 6/2010, bà Hằng được UBND quận Ninh Kiều cấp giấy phép xây dựng nhà ở mới. Sau khi có giấy phép, bà Hằng tiến hành làm các thủ tục và mua vật tư để cất nhà như kế hoạch.
Sau khi tháo dỡ nhà cũ và trước khi xây nhà mới, bà Hằng có thông báo cho hai hộ kế cận là hộ ông Đinh Văn Minh và hộ bà Lê Thị Ngọc Ảnh trả lại một phần diện tích đất được bà cho mượn. Hộ bà Ảnh đã tháo dỡ trả lại phần đất sử dụng. Tuy nhiên, phía ông Minh đợi đến ngày bà Hằng dọn nhà, đập phá nhà cũ, mua vật tư… mới có ý kiến là không chịu tháo dỡ trả đất.
Theo bà Hằng, điều đáng nói ở đây, phía ông Minh thừa nhận phần đất mà ông đang sử dụng là của bà nhưng ông này vẫn không chịu trả lại. Bà Hằng bức xúc: “Chẳng những ông Minh không tháo dỡ mà còn đòi tôi trả cho ông 50 triệu đồng nói là tiền hỗ trợ sửa lại toilet sau khi tháo dỡ”.
Bà Hằng cho biết, mặc dù sau đó vụ việc được đưa ra hòa giải tại UBND phường An Nghiệp nhưng phía ông Minh một mực đòi cho bằng được 50 triệu đồng. Thấy việc “vòi tiền” quá vô lý cũng như ông Minh cố tình cản trở việc xây nhà đã làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như thiệt hại vật chất, bà Hằng quyết định kiện ra tòa.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Hằng bức xúc cho rằng, được biết ông Minh là Phó Chi cục thi hành án dân sự quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), ông Minh nắm rất kỹ luật pháp nhưng hành vi của ông Minh đối với gia đình bà là không thể chấp nhận được.
Một phiên tòa sơ thẩm có nhiều “khuất tất”
Ngày 8/7/2010, bà Hằng có đơn khởi kiện ông Minh ra TAND quận Ninh Kiều. Bà Hằng cho biết, qua 15 tháng, TAND quận Ninh Kiều có đến 10 lần gửi thư mời hòa giải và xét xử vụ án này. Sau nhiều lần hòa giải và xét xử với những lý do khác nhau, đến ngày 22/9/2011, TAND quận Ninh Kiều có bản án sơ thẩm số 81/2011/DS-ST vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất liền kề và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Theo bản án sơ thẩm trên, TAND quận Ninh Kiều quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hằng, buộc phía bị đơn là ông Minh trả lại cho bà Hằng phần diện tích 1m2 đất. Tuy nhiên, tòa lại bác yêu cầu khởi kiện của bà Hằng về yêu cầu bồi thường thiệt hại với ông Minh.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều, ngày 28/9/2011 bà Hằng có kháng án lên TAND TP Cần Thơ không đồng ý với quyết định của TAND quận Ninh Kiều về việc bác yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà.
Theo bà Hằng, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường của bà là thiếu sót, không thỏa đáng. Bà Hằng cho biết, đơn cử như từ sau khi đập bỏ nhà cũ (tháng 6/2010), gia đình bà phải ra thuê nhà trọ ở để chờ xây nhà mới. Tuy nhiên, phía ông Minh cố tình cản trở việc xây nhà làm vụ việc kéo dài khiến gia đình bà phải mất tiền thuê trọ. Cho đến nay, đã hơn 2 năm, gia đình bà Hằng vẫn phải ở trọ.
Bên cạnh đó, theo biên bản thống kê thiệt hại mà bà Hằng cung cấp cho PV Dân trí cho thấy, tại thời điểm kháng án (tháng 9/2011) với 6 yêu cầu bồi thường như: tiền trọ, lãi suất ngân hàng, tiền vỡ hợp đồng xây dựng, tiền vật tư, tiền công xây dựng… thì tổng số tiền phải bồi thường là trên 200 triệu đồng (chưa tính kéo dài đến thời điểm hiện tại thêm hơn 1 năm nữa).
Ngoài ra, theo bà Hằng trình bày cũng như qua xem xét, chúng tôi thấy rằng bản án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều còn có nhiều điểm không hợp lý, có nhiều khuất tất cần được làm rõ hơn.
Đáng chú ý là các nhân chứng (có ông Vũ Đình Tuyến, ông Trần Văn Sáu), theo bà Hằng, trong quá trình hòa giải và xét xử, bà không hề biết là có các nhân chứng Tuyến và Sáu mà những nhân chứng này chỉ xuất hiện…trong bản án. Cũng theo bà Hằng, hai nhân chứng này là thợ sửa nhà cho ông Minh vào khoảng năm 2005 nên không thể biết nguồn gốc đất từ cả chục năm về trước.
Tòa cho rằng, phần đất đang tranh chấp phía bị đơn đã xây nhà vệ sinh trước khi nguyên đơn mua nhà. Theo bà Hằng, điểm này là “không đúng sự thật” bởi phần đất tranh chấp đã được ông Nguyễn Việt Hùng (anh của bà Hằng) mua từ năm 1989. Năm 2002, khi ông Hùng làm GCN QSDĐ thì chính ông Minh đã ký giáp ranh xác nhận phần đất mà ông Minh đang sử dụng là của ông Hùng. Sau đó, ông Hùng chuyển nhượng đất, nhà lại cho bà Hằng đúng như GCN thì phần ông Minh chiếm sử dụng vẫn còn nguyên vẹn.
Tòa cũng cho rằng, nguyên đơn chỉ dự tính xây dựng công trình nhà ở và đưa ra giá vật tư để tính giá trị xây dựng công trình trên giá trị của hợp đồng cũng như các vật liệu xây dựng tại thời điểm hiện tại chứ chưa hiện hữu căn nhà đã hoàn tất. Chúng tôi thấy rằng, quan điểm này của tòa là “không hợp lý” bởi bà Hằng đã có giấy phép xây dựng, có hợp đồng xây dựng, nhà cũ đã tháo dở, bà Hằng đã thuê trọ, đã mua vật tư đóng cọc, không xây được nhà nên phải thanh toán vỡ hợp đồng… thì làm sao có nhà hiện hữu. “Tòa nói như thế không chấp nhận được bởi nếu có nhà hiện hữu thì chúng tôi chẳng phải kiện tụng để làm gì”- bà Hằng bất bình nói.
Tòa cũng có quan điểm hết sức “trẻ con” là “nếu nguyên đơn xây dựng nhà mà không còn chỗ ở nào khác thì nguyên đơn cũng phải thuê nhà để sinh sống trong thời gian xây dựng nhà nên tòa không chấp nhận đối với yêu cầu tiền thuê nhà”. Bà Hằng bức xúc: “Nhận định này của tòa vô lý bởi chúng tôi đã tháo dở, đã đóng xong cọc nhồi nên không thể nói nếu như ở đây được. Nhà chúng tôi dự kiến xây dựng trong 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2010, vậy mà 2 năm qua, chúng tôi phải vẫn phải ở trọ chỉ vì chưa xây được nhà”.
Tòa cũng cho rằng, “vấn đề bồi thường thiệt hại phải xem xét trên nguyên tắc có lỗi, phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật và có mối quan hệ nhân quả từ đó mới xác định được thiệt hại xảy ra. Vì vậy, nếu cho rằng bị đơn đã gây thiệt hại cho nguyên đơn là chưa có căn cứ”. Qua nhận định này của tòa, bà Hằng cho rằng, ông Minh mượn đất nhưng không trả thì đã có lỗi dẫn đến gây thiệt hại về vật chất sau này khi bà không xây nhà được là đã có thiệt hại xảy ra. “Tất cả những thiệt hại chúng tôi đã cung cấp, đưa ra chứng minh trước tòa nhưng tòa không chấp nhận là vô hình chung đẩy chúng tôi vào con đường cùng”, bà Hằng bất bình.
Trình bày với PV Dân trí, bà Hằng cho rằng hành động ngăn cản gia đình bà xây dựng nhà ở trên mảnh đất thuộc chủ quyền hợp pháp của bà đã được cơ quan chức năng cấp phép là hành động vi phạm pháp luật. Theo bà Hằng, gia đình bà không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn thiệt hại về tinh thần mà hai năm qua gia đình bà phải nếm chịu. “Lúc chuẩn bị xây nhà, con gái tôi chuẩn bị vào lớp 1, giờ cháu đã lên lớp 3 nhưng nhà vẫn chưa xây xong cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của cháu. Mẹ chồng tôi 93 tuổi chỉ có chồng tôi là con, bà chờ con trai xây nhà hơn hai năm và hiện bà đã chết mà nhà vẫn chưa xây được, phải thờ bà trong căn nhà trọ chật hẹp”, bà Hằng ngậm ngùi nói.
Sau khi bà Hằng gửi đơn kháng án (9/2011), từ ngày 29/6/2012, TAND TP Cần Thơ tiếp tục đưa ra xét xử phiên phúc thẩm nhưng cho đến nay qua 3 lần đưa ra xét xử nhưng phiên tòa phúc thẩm vẫn “bật vô âm tín”, chưa có kết luận gì. Thiết nghĩ, cơ quan tố tụng, xét xử TP Cần Thơ cần sớm giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng.
Huỳnh Hải