Hơn 100 hộ dân lao đao vì bà Chủ tịch hội Phụ nữ lừa đảo

“Nắm thóp” được mong muốn vay vốn của những hộ nghèo trong xã, bà Nguyễn Thị Đông (SN 1959, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã đến từng nhà đề nghị giúp dân vay vốn ưu đãi, với điều kiện phải cho bà vay ké. “Giờ vỡ nợ, đã là hộ nghèo lại càng nghèo khổ hơn”, người dân than thở, không ngớt lời trách móc bà Chủ tịch Hội Phụ nữ.

Hơn 100 hộ dân lao đao vì bà Chủ tịch hội Phụ nữ lừa đảo

Hai mươi năm làm Chủ tịch hội Phụ nữ còn lừa dân

Bà Đông hơn 20 năm là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắk Đrông, người dân địa bàn vô cùng tín nhiệm, chẳng ai nghi ngờ sự nhiệt tình giúp vay vốn của người phụ nữ này, ngay cả khi sắp rơi vào cảnh “kéo cày trả nợ” thay cho bà.

Ông Trần Văn Thành - Chủ tịch xã Đắk Đrông cho biết, sự việc chỉ bị phát giác khi vào đầu tháng 3, UBND xã kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Jut đối chiếu dư nợ của các hộ vay vốn để kiểm tra có khớp và đúng mục đích sử dụng hay không.

“Ban đầu, các hộ dân đều giấu không ai nói là cho bà Đông vay ké. Sau đó có vài hộ nói thật nên chúng tôi đã phải rà soát kiểm tra đến vòng thứ 5 thì lộ ra con số tiền tỷ. Bà Đông đã vay ké 114 hộ với tổng số tiền 1,145 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở 2 chương trình tín dụng dành cho hộ sản xuất vùng khó khăn và hộ nghèo. Số tiền bà Đông vay ké ở mỗi hộ thấp nhất là 2,5 triệu đồng, cao nhất là 25 triệu đồng”, ông Thanh chia sẻ.

Các hộ dân trong cuộc đều cho biết, do có nhu cầu vay vốn nhưng khó tiếp cận với ngân hàng, lại không nắm rõ được các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nên để làm thủ tục xin vay, họ đành chấp thuận điều kiện của bà Đông.

Điều đáng nói, sự việc đã diễn ra nhiều năm nay và hàng năm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đều tổ chức họp với các hộ vay vốn để đối chiếu công nợ nhưng không có ai phàn nàn hay kiến nghị gì. “Bà ấy dặn đừng nói cho ai biết, yên chí hết hạn bà ấy sẽ gia hạn thêm. Thế nên khi người của ngân hàng hỏi tôi cũng không ho he nửa lời”, một người dân cho biết.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bà Bùi Thị Là (SN1952) đang cần tiền để sản xuất và mua trâu về chăn nhưng không biết vay mượn ở đâu. Vừa lúc đó, bà Đông tìm đến, hứa sẽ giúp làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Như “chết đuối vớ được cọc”, bà Là mừng ra mặt. Tuy nhiên điều kiện được vay tiền là phải cho bà Đông vay ké.

“Bà ấy nói giúp tôi vay 30 triệu đồng nhưng trong đó bà ấy sẽ vay ké một nửa. Tôi không đồng ý, bà ấy liền cất hồ sơ đi và dọa gạch tên khỏi danh sách được vay, còn nhấn mạnh sau này có muốn vay bà ấy cũng không làm thủ tục cho nữa. Nghĩ mình đang cần tiền, mà vay ngân hàng lãi suất sẽ thấp, bà Đông lại người làng, là cán bộ uy tín vậy là tôi đồng ý. Trên sổ ngân hàng đứng tên tôi nhưng tiền nhận được thì tôi một nửa, bà một nửa”, bà Là kể. Nhiều hộ gia đình khác cũng lâm vào cảnh tương tự do suy nghĩ “mình cần họ chứ họ đâu cần mình” như vậy.

Dân khóc, tự trách dại khờ giao kèo miệng

Người dân biết tin đã nháo nhác tìm đến nhà bà Đông hỏi tiền nhưng chỉ thấy vườn không nhà trống. Một số người kể, khi sự việc vỡ lở, họ đã thấy chồng con bà Đông bỏ nhà đi làm ăn xa, có dấu hiệu tẩu tán tài sản. “Chiều tối thấy bà Đông về nhà, chúng tôi kéo đến thì bà ấy vẫn ngồi ung dung nói từ từ sẽ trả. Bà ấy còn thản nhiên nói bây giờ bà ấy nợ ngân hàng chứ không nợ dân, nên việc bà hứa sẽ trả là còn có “lương tâm chán”.

Đúng là việc vay ké này hai bên chỉ giao kèo miệng suông hoặc qua một tờ giấy viết tay với vài ba chữ nguệch ngoạc. Vì thế bà ta có chối thì cũng chẳng ai làm gì được. Giờ chỉ tự trách mình ngu dại thôi. Chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào nếu ngân hàng cứ theo sổ sách người nào đứng tên phải trả nợ”, một người dân lo lắng.

Cũng có những hộ dân do không đòi được tiền nên đã ký đồng ý khi bà Đông gạ nhận đồ thế chấp. “Bà ấy vay ké 14 triệu trong số 30 triệu đồng do tôi đứng tên. Khi tôi hỏi tiền, bà ấy gạ đổi bộ bàn ghế trong nhà đã cũ kỹ, ọp ẹp như răng ông lão, không đáng 1 triệu đồng, thế mà bà ấy ký gạt nợ 10 triệu đồng. Giờ ra nỗng nỗi này thì một đồng cũng quý nên tôi đã ký nhận. Nhiều người dân khác thấy vậy cũng thi nhau kéo đến, người lấy tủ, người lấy bình lọc nước… gạt nợ”, chị Phạm Thị Hoài (SN 1981) kể.

Không ngừng than khóc khi nói về hoàn cảnh mình, bà Nguyễn Thị Lập (SN 1947) nói mình “là người khổ nhất, không ai khổ bằng”. Bốn người con lập gia đình đều vì khó khăn mà bỏ quê đi. Hai vợ chồng già muốn giúp con không được vì không biết trông cậy vào đâu. Năm 2012, bà định vay tiền làm trang trại chăn nuôi, sau đó nghe lời bà Đông vay 30 triệu đồng, cho bà ta ké 15 triệu. Thấy lãi suất thấp, bà Lập tiếp tục nhờ hai người con đứng tên sổ để được vay thêm. Vậy là một mình bà gánh 3 sổ nợ, sổ nào cũng phải cho bà Đông ké một nửa.

“Ba sổ vay là 100 triệu đồng, bà Đông đã ké 50 triệu rồi. Hàng tháng tôi phải trả lãi ngân hàng 850 nghìn đồng, trước đây mỗi tháng bà Đông vẫn đưa phần lãi của bà ấy. Từ đầu năm, bà ấy nói tôi trả hộ trước rồi đưa sau. Bây giờ đến hạn phải trả tiền gốc thì bà ấy trở mặt”, bà Lập sụt sùi. Hiện bà mới đi vay 80 triệu đồng trả lãi ngày để hoàn trả tiền nợ ngân hàng. “Mỗi ngày 320 nghìn đồng tiền lãi tôi chưa biết lo thế nào. Đúng là giờ chỉ biết tự mắng mình già rồi còn dại, lại làm khổ con cháu kéo cày trả nợ thay”, bà nức nở.

Hai căn nhà không đủ trả nợ

Trước sự hoang mang của người dân, chính quyền xã, thôn đã tổ chức liên tiếp nhiều cuộc họp để trấn an tinh thần. “Trong buổi họp, ai cũng mắt đỏ hoe khi kể lại quá trình nghe bà Đông “dỗ ngọt”. Chúng tôi để người dân nói hết nỗi lòng và động viên họ: Ai hết hạn thì theo sổ sách mà trả gốc lẫn lãi cho ngân hàng; còn ai có nguyện vọng thì tiếp tục vay để làm kinh tế. Được triệu tập lên làm việc, bà Đông cũng đã thừa nhận việc vay ké của các hộ dân và hứa sẽ hoàn trả trước ngày 12/4. Tuy nhiên đã giữa tháng 5 rồi mà chưa thấy bà ấy thực hiện. Đảng ủy xã Đắk Đrông đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Đông. Còn vụ việc được chuyển cho Công an huyện Cư Jút điều tra, làm rõ”, ông Chủ tịch xã cho biết

Ông Thanh cũng cho biết thêm, với tài sản chỉ có hai căn nhà hiện tại thì có lẽ bà Đông không có khả năng trả nợ. Nguyên nhân vay ké số tiền lớn như vậy, bà Đông tường trình là do con cái chơi bời, đầu tư làm kinh tế gia đình thua lỗ. Nhưng nguyên nhân thực sự vẫn phải đợi công an làm rõ.

Qua sự việc này, Chủ tịch xã Đắk Đrông đã thừa nhận cán bộ địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tuyên truyền để người dân tiếp nhận thông tin về các khoản hỗ trợ vay vốn. Vì thế mới phát sinh tình trạng một số cán bộ lợi dụng quyền hạn để trục lợi, gây thiệt hại cho dân nghèo. “Chúng tôi sẽ tích cực giúp người dân nhanh chóng ổn định lại đời sống và phối hợp với cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc”, ông Thanh cho biết.

Theo Như Thảo

Pháp luật Việt Nam