Chậm tiền trợ cấp:

Học sinh Đan Lai có nguy cơ phải ... bỏ học?

"Theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh Đan Lai được hỗ trợ mỗi em 140.000 đồng/tháng theo diện học sinh THCS miền núi khó khăn. Nhưng từ đầu năm học đến nay vẫn chưa được cấp. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nguy cơ các em phải bỏ học...?.

Chưa có tiền trợ cấp, thiếu nơi ở
 
Theo thống kê dân số tính đến ngày 1/4/2009, trên địa bàn huyện Con Cuông có gần 700 hộ người Đan Lai với gần 3.200 khẩu. Do đặc thù người Đan Lai sống hầu hết nơi sơn cùng thuỷ tận, đầu các ngọn khe, nên việc huy động con em người Đan Lai đến trường đang là bài toán khó giải của huyện Con Cuông.

Mấy năm trước huyện đã có chủ trương vận động các em đi học. Bên cạnh sự hộ trợ của nhà nước theo quyết định 112/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ mỗi tháng mỗi em được trợ cấp 140.000 đồng, ngoài sự hộ trợ này cấp uỷ, chính quyền và nhà trường nơi có các em Đan Lai theo học còn vận động nhân dân bao các em nơi ở, cử người nấu cho các em ăn.

Tuy nhiên, bước sang năm học mới 2010 - 2011, các trường mải chăm lo cho năm học mới, chưa kịp đặt vấn đề với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân để mượn nơi ăn ở, ngủ nghỉ cho các em. Và hậu quả là hơn 70 học sinh của tộc người Đan Lai ra trọ học ở bản Thái Sơn và khu nội trú của Trường THCS Môn Sơn (xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) vẫn tưởng rằng mình ra học là có ngay nơi ăn ở, ngủ nghỉ, nhưng thực tế vì chưa có kinh phí, khi vào đầu năm học quỹ các trường cũng tròn vo con số không (0), do vậy học sinh hiện đang lao đao vì đói.

Không có ăn phải bỏ học thôi

Khi nhận được tin học sinh Đan Lai ở Trường THCS Môn Sơn bỏ học, chúng tôi đã trực tiếp vào kiểm tra và được thầy Nguyễn Nguyễn Giang Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết, tại ba bản trong khe có phân hiệu của trường Tiểu học Môn Sơn 3, nên mấy năm nay số học sinh học xong tiểu học ngày một tăng. Do tập quán dựng vợ gả chồng rất sớm. Học sinh Đan Lai trước đây chỉ học xong bậc tiểu học mới 11 và 12 tuổi là ở nhà lấy vợ, lấy chồng.

Hai năm trở lại đây, giáo viên trèo đèo lội suối vào 2 bản Cọ Phạt và bản Bủng (giáp Lào) vận động được 70 em ra học tiếp. Giờ, do thiếu ăn, thiếu mặc… các em lại bỏ học. Năm ngoái trường vận động giáo viên và ứng tiền cho các em, đến giờ còn treo nợ chưa có để thanh toán. Nhìn các em bỏ học cũng đành bất lực và chờ xin ý kiến của trên, không còn cách nào khác được…
Học sinh Đan Lai có nguy cơ phải ... bỏ học? - 1
Nếu có trường phổ thông cơ sở, thì các em nhỏ này không phải dậy sớm vượt sông để đến trường học như thế này. 

Một số em học sinh ở bản Cọ Phạt nhờ vừa qua được mùa lúa, có gạo mang ra trọ học nhưng không có tiền mua thức ăn. Chúng tôi đến thăm những túp lều trọ học của học sinh Đan Lai ven bờ sông Giăng (thuộc địa phận bản Thái Sơn), thấy bữa ăn của các em chỉ có nồi cơm nhỏ và nồi canh măng rừng nấu với muối. Nồi cơm và thức ăn đã hết nhưng chưa em nào buông bát vì còn đói...

Em La Văn Ngụ, học sinh lớp 7A cho biết: "Gần tháng nay chúng em không có nguồn tiếp tế vì gia đình cũng chẳng có tiền. Bữa cơm như rứa là được rồi chứ có bữa bọn em chỉ có vài gói mì tôm bỏ vào cả nồi nước chia nhau húp. Đói quá nên nhiều bạn đã bỏ về. Có 2 bạn mới bỏ về là La Văn Nam (lớp 6A3) và La Văn Sán (lớp 6A5). Vậy nên hết học buổi sáng, buổi chiều nghỉ học là bọn em phân công nhau vào rừng hái măng, chặt nứa, câu cá để có thêm cái ăn!”.

Nên có chế độ rõ ràng cho học sinh nội trú

Để các em học sinh Đan Lai nói riêng và học sinh người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn nói chung đảm bảo được học hành, khi vào đầu năm học thầy giáo không phải lo việc có học sinh. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có quy định cụ thể, rõ ràng cho các em.

Bởi theo quy định, từ 10-30 em người dân tộc học bán trú thì được 1 người cấp dưỡng. Phòng giáo dục huyện Con Cuông đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin cho các em 1 người cấp dưỡng nhưng chưa được trả lời. Trước thực trạng học sinh thiếu đói, năm học vừa qua nhiều giáo viên đã trích lương và đi từng nhà dân xin gạo cho các em ăn.

Thầy Nguyễn Văn Vị - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn đã cùng mấy giáo viên lặn lội vào tận trong khe, đến từng nhà vận động các em ra học, đi mượn từng nhà dân cho các em ở và cả xin gạo cơm cho các em ăn.

Bà Ngân Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: "Hiện ở Trường THCS Môn Sơn còn 41 em học sinh người Đan Lai đã theo học từ các năm trước. Huyện đã hỗ trợ cho các em 1,2 tấn gạo và thông báo là chuẩn bị trích ngân sách chi trả trợ cấp theo Quyết định 112 cho các em. Số các em mới vào lớp 6 năm học này, trường và xã đã lập danh sách nhưng trên chưa cấp về, chúng tôi không thể tìm đâu ra nguồn kinh phí để cấp cho các em kịp thời lúc này được ".

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phòng Giáo dục huyện Con Cuông cho biết: "Không riêng học sinh Đan Lai mà những học sinh vùng sâu, vùng xa như: Thạch Ngàn, Châu Khê, Lạng Khê, Bình Chuẩn… đều đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chúng tôi muốn hỗ trợ cho các em nhưng kinh phí ngành giáo dục không có đủ trong khi phụ cấp cho các em đến quá chậm. Chúng tôi đã lập hồ sơ trình UBND huyện nhưng huyện vẫn chưa có quyết định".

Ông Hoàng Đình Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết thêm: "Tiền trợ cấp theo Quyết định 112 đáng ra tháng nào hỗ trợ tháng đó cho các em nhưng chúng tôi cũng phụ thuộc từ tỉnh cấp về và hiện vẫn chưa có. Chúng tôi đang chỉ đạo lấy ngân sách huyện ứng trước cho các em duy trì việc học".

Rời Môn Sơn ra về lòng chúng tôi trĩu nặng, bởi không biết đến bao giờ đồng bào Đan Lai được Nhà nước mở cho một điểm trường Phổ thông cơ sở tại 3 bản bản vùng Khe Khặng để thuận tiện cho con em đến trường học thêm lên cái chữ…. Mong rằng nguyện ước này sớm đến với các nhà hoạch định chính sách giáo dục tỉnh Nghệ An.

Phùng Văn Mùi