“Hoa rừng” trôi dạt về thành phố và những hệ lụy

(Dân trí) - Những năm gần đây, nhiều cô gái phơi phới tuổi xuân từ bỏ bản làng, tìm đến các vùng đô thị, du lịch để kiếm việc làm rồi sa chân vào những tụ điểm mại dâm tạo nên nhiều hệ lụy cho bản thân và xã hội.

Hiện tượng này khiến cho bản làng trở nên buồn vắng, hiu quạnh, thiếu nữ giới, gây nên khó khăn cho các cuộc hôn nhân cũng như gây bất ổn về nguồn nhân lực đối với các địa phương.
 
Mặt khác, khi “hoa rừng” xuống phố ngày càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với số lượng gái mại dâm gia tăng khiến cho nỗ lực ngăn chặn sự lan tràn của đại dịch HIV/AIDS của các cấp, các ngành gặp rất nhiều khó khăn. Đã đến lúc phải gióng lên một hồi chuông cảnh báo về hiện tượng tiêu cực này. Vậy đâu là nguyên nhân?

 

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do điều kiện kinh tế khó khăn còn khá phổ biến ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều bất cập là những lực cản lớn đối với công cuộc phát triển kinh tế ở các huyện miền núi. Những cô gái mới lớn có chút ít nhan sắc đã bắt đầu có ý thức về giá trị và lợi thế của bản thân.
 
Từ đó, không chịu chấp nhận cảnh ngày hai buổi lên nương làm rẫy cực nhọc. Điều kiện giao lưu tiếp xúc khá dễ dàng với miền xuôi nảy sinh nhu cầu được hưởng thụ, thích chưng diện, ăn ngon, mặc đẹp. Trong rất nhiều cô gái hành nghề mại dâm có nguồn gốc xuất thân từ miền núi, có một số do hoàn cảnh gia đình đưa đẩy nhưng cũng có một bộ phận tự nguyện dấn thân.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Họ nghiễm nhiên xem “cave” là một nghề, hơn thế có thể là một nghề kiếm được tiền nhanh nhất nhằm thoả mãn nhu cầu hưởng thụ của bản thân và có thêm “đồng ra đồng vào” để hỗ trợ gia đình.

 

Chất lượng giáo dục ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng bức xúc này. Hầu hết các cô gái “hành nghề” khi chưa học hết bậc THCS. Cá biệt có một số người chưa học xong bậc tiểu học đã “vào đời”.
 
Nghèo đói, không tiếp nhận được khối lượng kiến thức, chất lượng giáo viên không đồng đều, hệ quả tất yếu là nảy sinh tâm lí chán nản, buông xuôi trong nhiều học sinh miền núi nói chung, các nữ học sinh nơi đây nói riêng. Nhiều cô gái “vào nghề” khi mới rời ghế nhà trường chưa được bao lâu.
 
Hiện nay, khi ngành giáo dục đang đẩy mạnh cuộc vận động “hai không”, điều không mong muốn nhưng đang và đã xảy ra đó là nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp” bỏ học kéo theo đó là tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Trong đó có tệ nạn mại dâm mà nguồn “hàng” là các cô gái trẻ vùng cao.

 

Liên quan đến chất lượng giáo dục là mặt bằng dân trí. Nhìn chung, mặt bằng nhận thức của nhiều cô gái trẻ vùng cao còn hạn chế. Không có những hiểu biết cơ bản về pháp luật, nhiều người cho việc làm “cave” là một nghề nhàn thân mà kiếm được nhiều tiền. Đặc biệt, họ không ý thức được hoặc nhận thức rất mơ hồ về những hậu hoạ cho bản thân và cộng đồng từ việc “hành nghề” nhất là những kiến thức về căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS.

 

Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường đã thâm nhập làm thay đổi, vẩn đục thế giới quan của các cô gái trẻ vùng cao. Những giá trị văn hoá mang tính bản sắc cũng bị xói mòn khi ngựa không còn là phương tiện giao thông duy nhất?! Những mối lợi béo bở từ việc kinh doanh trên thân xác các cô gái đã khiến cho các Tú ông, Tú bà không quản ngại khó khăn lặn lội từ miền xuôi lên vùng cao “săn hàng” bằng nhiều thủ đoạn lừa bịp, mua chuộc, dụ dỗ.

 

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho các cô gái trẻ bỏ quê đi làm “nghề tệ nạn” là do công tác quản lý nhân khẩu của các cấp chính quyền địa phương còn nhiều lỏng lẻo. Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… hoạt động chưa hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc thu hút các cô gái trẻ vào các hoạt động xã hội từ đó có những biện pháp tác động làm chuyển biến những nhận thức còn lệch lạc về lối sống, nghề nghệp.

 

Nhằm từng bước hạn chế đi đến chấm dứt vấn nạn nhức nhối nêu trên, trước hết cần tăng cường đầu tư phát triển kinh tế đối với các huyện vùng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược trước mắt và lâu dài. Các chương trình 134,135… các nguồn vốn ODA phải phát huy tối đa tác dụng, hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí.

 

Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng các nhà máy, công trường cần khôi phục các làng nghề truyền thống như: thêu, dệt thổ cẩm, phát triển du lịch nhằm thu hút nguồn lao động, nhất là các lao động nữ để không còn tái diễn cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Cần nâng cao mặt bằng dân trí của người dân miền núi bằng cách cải thiện chất lượng giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
 
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền những hiểu biết cơ bản về pháp luật, về đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh về nguyên nhân và tác hại của đại dịch HIV/AIDS. Trong công tác này, vai trò của các câp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cần được phát huy. Mặt khác, phải có những bản án thực sự nghiêm khắc đối với những đối tượng mua chuộc, dụ dỗ, tổ chức hành nghề mại dâm để từ đó có sức răn đe, cảnh tỉnh những kẻ vì tiền mà bất chấp pháp luật và đạo lí.

 

Phát triển miền núi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội là ưu tiên lớn của Đảng và Nhà nước ta. Điều này được thể hiện ở nhiều chế tài, chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư phát triển. Để bản làng được bình yên theo đúng nghĩa của nó, để tiếng cười khoẻ khoắn của những cô gái bản không còn bặt tiếng vì những cuộc mưu sinh nguy hiểm, rất cần sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn của các cấp, các ngành.

 

 

Bùi Minh Tuấn

 

LTS Dân trí - Đúng là tình trạng “hoa rừng” trôi dạt về các đô thị là một hiện tượng xã hội rất đáng quan tâm. Muốn khắc phục hiện trạng không lành mạnh này, phải giải quyết tận gốc nhiều vấn đề từ nâng cao đời sống kinh tế đến nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở các vùng miền núi như tác giả bài viết trên đây đề xuất.

 

Mặt khác còn cần xây dựng đời sống đô thị lành mạnh, không để tình trạng hoạt động mại dâm dưới nhiều hình thức và ngày càng lan tràn như hiện nay. Điều này thuộc về trách nhiệm của các cấp quản lý chính quyền, nhất là cần tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan an ninh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm