Hoa đồng nội tháng Ba

(Dân trí) - Tháng Ba luôn dường như có ý nghĩa đặc biệt trong năm, với ngày Quốc tế Phụ nữ mà trong mắt các chàng trai là dịp “chị em phấn khởi đi ra đi vào…”, còn các bác tuổi sồn sồn rất có thể tặng món quà dí dủm “tôi giặt hộ bà chiếc áo…của tôi”.

Hoa đồng nội tháng Ba  - 1
Những người bán hoa có mặt khắp nơi trên đường phố.
(ảnh: kinhnghiemsingapore.wordpress.com)
 
Dịp này thường thì chúng tôi hay đau đầu lo tìm đề tài để viết sao cho không “đụng hàng”. Mà những chủ đề chung như hoa và quà tặng tăng giá, cách thể hiện  “hàng độc” nào của giới mày râu, chỗ ấy chỗ nọ có những chương trình đặc biệt tôn vinh phái đẹp… thì năm nào chẳng nhan nhản trên báo chí. Viết mãi tự mình còn thấy nhàm nữa là độc giả phải đọc.

 

Nhưng đã là  ngày tôn vinh hương sắc chị em thì chẳng thể không có hoa. Năm nay giá hoa trước Tết vốn đã cao, nên giờ dù có đến mức vài chục ngàn một bông hồng, nhành lys… hay vài trăm ngàn đồng một món quà tặng mức tầm tầm thì với người dân thành phố nói chung, nhất là với các chàng đang muốn bày tỏ tình cảm với những người phụ nữ của mình, tôi tin cũng không tới mức gây thêm bức xúc.

 

Hoa các chàng mua về tặng có thể sẽ bị người ấy (chủ yếu là vợ) chê nào là không nở, nào là giá quá chát.  Nhưng tôi tin hoa vẫn lên giá vèo vèo,  bởi vẫn còn đó số đông áp đảo những bạn gái dù yêu hoa nhiều hay ít vẫn muốn được nhìn thấy sự lãng mạn của các chàng qua thông điệp yêu thương muôn thủa vẫn luôn rất thời trang chứ chẳng bao giờ cũ  kỹ đi này.

 

Thời bao cấp hầu như ai cũng nghèo gần như nhau.  Hoa ngày ấy chưa nhiều chủng loại như bây giờ. Dịp lễ tết, hồng nhung là loại hoa chúa tể thì ít ai đủ tiền mua. Các bạn nam lớp tôi thường chung tiền  mua một bó đồng tiền cánh đơn là loại hoa bình dân nhất mang tới lớp. Trước tiên là tặng các cô giáo, sau đó bắt thăm xem liền anh nào được đích thân mang một bông hoa tới trao tận tay liền chị nào trong lớp.

 

Bao nhiều tình ý ẩn chứa trong những cánh hoa nho  nhỏ, đơn sơ. Người tặng hoặc bẽn lẽn,  ngô ngố, hoặc cố tỏ ra bạo dạn, phong trần mà vẫn không dấu nổi chất học trò. Những mối tình thời áo trắng sân trường  thoảng qua rồi đa số đều “cuốn theo chiều gió”, để sau này có dịp gặp lại nhau khi đã đôi ngả đôi đường vẫn lưu giữ ký ức ngọt ngào về  những đóa hoa "tháng ba ngày tám". 
 
Hoa đồng nội tháng Ba  - 2
Tặng hoa (ảnh minhh họa: thegioitructuyen.org)

 

Có một dịp đúng mùng 8/3, chúng tôi cùng các cán bộ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đi thị sát một dự án hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng sâu vùng xa làm kinh tế nhỏ, giảm đói nghèo. Trong đoàn có cả nữ thi sĩ tác giả của bài thơ nổi tiếng về mùa hoa cải bên sông, khi đó chị đang làm phóng viên cho một tờ báo nông nghiệp. Thế là đường xa cũng ngắn lại bởi  đã lâu chúng tôi mới được sống trong  bầu không khí đầy lãng mạn của nàng thơ.

 

Điểm đến là một xã miền Trung. Mới tới đầu làng chúng tôi đã nghe những tràng vỗ tay giòn dã, đệm nhịp cho những ca khúc nhạc đỏ nổi tiếng.: “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Cô gái mở đường”, “Tinh ca”, “Bài ca hy vọng”, “Lá đỏ”…

 

Nghe tiếng còi xe, các chị ào ra đón. Cái vất vả, khó khăn lộ rõ qua những gương mặt khắc khổ, sạm nắng, sạm gió của những người mẹ, người chị, người em gái nơi đây. Nhưng rất dễ nhận thấy niềm vui đã trở lại với những người phụ nữ chân đất tưởng đâu cái nghèo khó cứ đeo đẳng suốt đời này.

 

Hát hò lấy khí thế xong, họ quay sang sôi nổi bàn thảo chi tiết từng tiểu dự án: nuôi bò, chăm sóc lợn nái, nuôi gà mắn đẻ, trồng cây gối vụ, xen canh… với những từ mới như: quay vòng vốn, trích phần trăm lãi, khoanh nợ, chiết khấu…

 

Cả vốn cũng như lời lãi thật ra chẳng bao nhiêu, nhưng chị em vẫn rất phấn khởi bởi đã có được những điểm tựa nâng đỡ đúng với ý nghĩa một miếng khi đói bằng gói khi no. Được quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, họ tâm sự như được thấy ánh sáng cuối đường hầm, được tiếp sức để tự tin vững bước vượt lên số  phận…

 

Chia tay chúng tôi hôm ấy, nữ thi sĩ lại ngâm tặng chị em bài thơ về mùa hoa cải nở vàng ven sông, về những người phụ nữ mà vẻ đẹp toát lên từ tấm lòng son sắt, thủy chung, tạo nên hậu  phương vững chắc và mái ấm thân thương luôn đợi chờ những người đàn ông của mình trở về.

 

Chẳng có bánh trái gì, chị hội trưởng phụ  nữ gỡ bó hoa đơn sơ cắm trên bàn, tặng lại chúng tôi người bông mào gà, người bông thược dược, nhánh hoa lau.... Rồi chị cười lỏn lẻn đáp lời chúng tôi hỏi về quà 8/3: “Trong xã cũng có một số  nhà trồng hoa, nhưng chăm chút được bông nào chị em đều chở lên thành phố Vinh bán kiếm thêm chút tiền đóng học cho con cái. Các ông xã mà có thì cứ tặng vợ ‘hoa đồng tiền’ là nhất hạng!”

 

Dứt lời chị hô cả nhóm tập hợp, thẳng tiến ra sân sân bóng cổ vũ cho đội xã nhà thi đấu với đội xã bên (trong đó có cả vài anh xã của vài chị vừa họp nhóm).

 

Đã khá lâu rồi mà trong tâm trí tôi vẫn còn mãi hình ảnh những nụ cười thật tươi nở trên những cặp môi không tô son, trên những gương mặt khắc khổ – những đóa hoa đồng nội rất đẹp của mùa xuân.

 

Kiều Anh