Hỗ trợ người khuyết tật thế nào cho đúng?

(Dân trí) - Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12, các cơ quan chính quyền, đoàn thể và tổ chức xã hội trên địa bàn cả nước tổ chức hàng ngàn hoạt động hỗ trợ và chăm lo cho người khuyết tật. Thế nhưng, các hoạt động đó có thực sự hiệu quả?

1. Ngày 30/11, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TPHCM đã tổ chức cuộc đi bộ đồng hành với chủ đề “1000 ca phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật vùng sâu, vùng xa toàn quốc”. Đích thân đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đã đồng hành cùng hơn 2000 người tham dự. 

Những ca phẫu thuật này chủ yếu là chữa tật hở hàm ếch, một số ca phẫu thuật để nắn thẳng chân cho trẻ bại liệt để mang nẹp chân, tập đi bằng nạng. Nhưng tôi chợt nghĩ đến một chị khuyết tật mà tôi quen, sau 24 năm phải đi bằng xe lăn, bò lết thì được một chương trình hỗ trợ phẫu thuật nắn chân.  

Sau khi phẫu thuật xong, chị phải chịu biết bao nhiêu đau đớn để giữ cho đôi chân còng queo bao năm được thẳng và mang nẹp được. Nhưng đến giai đoạn tập vật lý trị liệu thì chương trình không hỗ trợ nữa, vì nội dung chỉ là hỗ trợ… phẫu thuật. Dù gia đình đã cố lo, nhưng sau vài tháng chị đành quay về với chiếc xe lăn vì không có tiền tiếp tục tập cho đến khi đi được nạng. 

2. Cũng ngày 30/11, tại Hà Nội, Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật (NKT) Việt Nam và Hội NKT Hà Nội đã tổ chức sàn giao dịch việc làm cho NKT. Không biết ở Hà Nội có như ở TPHCM, ngày 23, 24/11/2007, TP cũng từng tổ chức một hội chợ như thế.  

Nhưng nhìn quanh 2000 con người tham dự thì hết 1000 là người không khuyết tật đến trợ giúp NKT và làm công tác tổ chức. 1000 NKT còn lại đều là những gương mặt quen thuộc. Đó là nhóm bạn sinh viên khuyết tật hay tham gia công tác xã hội, nhóm bạn khuyết tật của các tổ chức đoàn thể, mái ấm, các tổ chức nghiên cứu…  

Chẳng thấy NKT nào lạ lẫm với các hoạt động NKT TPHCM đến tham dự. Vậy, 37.000 NKT khác của TPHCM đâu sao không thấy xuất hiện? Kết quả là, chỉ vài NKT trong số 1.000 con người quen thuộc ấy tìm được việc làm. Vì hầu hết họ đã có công việc làm rồi. 

Trong khi đó, suốt 1 tháng nay, có anh khuyết tật cứ nhắn cho tôi nhờ tìm giúp 1 chỗ làm. Vì hiện tại anh không còn người thân, phải ở nhờ phòng trọ của bạn, cũng là một thanh niên từ quê lên làm công nhân. Tôi nhắn cho anh những doanh nghiệp mà lần trước tỏ ra tiếc nuối vì… không tuyển được NKT. Vài ngày sau, anh buồn buồn cho biết là không doanh nghiệp nào có nhu cầu. 

3. Nhân dịp này, 31 bộ máy vi tính cũng đã được trao tặng cho NKT. Đây là những bộ máy đầu tiên thuộc Chương trình nhắn tin nhân ái - 10.000 máy vi tính dành cho NKT do Bộ LĐTB-XH phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện.

Thế nhưng, tôi chợt nghĩ đến một tổ chức NKT tại TPHCM được hỗ trợ đến 20 bộ máy vi tính hoành tráng từ mấy năm trước nhằm mở lớp dạy tin học miễn phí cho NKT. Sau vài khóa dạy cho vài chục NKT quen biết, những bộ máy này nằm không, có nhiều cái không còn khởi động được.  

Họa hoằn lắm cũng có vài người có nhu cầu thực sự học ở đây. Nhưng không ai tìm được việc với chứng chỉ mình nhận được, vì không đạt yêu cầu. 

4. Thạc sĩ Giáo dục đặc biệt Lê Dân Bạch Việt, một thầy giáo khiếm thị, cười buồn cho hay: “Ở Việt Nam ta có rất nhiều ưu đãi cho NKT. Ở trường ĐH Sư phạm TPHCM, học sinh trường tôi cứ đậu tốt nghiệp là vào học, không cần thi, vì được ưu đãi là người khiếm thị.  

Các em học cũng rất tốt, điểm số từ khá đến giỏi, thi tốt nghiệp điểm cũng rất cao, nhiều em còn được làm luận văn. Nhưng ra trường thì không được cấp bằng mà chỉ có giấy chứng nhận. Theo nhà trường là do các em không thi đầu vào nên đầu ra cũng không thể cấp bằng”. Vậy ưu đãi ở đây là gì? 

5. Tôi chợt nhớ đến ngày Hội trại Độc đáo 15,3% do Hội Thanh niên khuyết tật TPHCM tổ chức ngày 30/11 vừa qua. Khi ban tổ chức hỏi các đội nhóm tình nguyện chuyên hỗ trợ NKT rằng: “Muốn giúp đỡ NKT, bạn phải làm gì?”. Những câu trả lời xuất sắc và đầy tính nhân văn đã được các bạn trình bày. 

“Chúng ta phải sống với NKT, quan tâm giúp đỡ NKT và tìm hiểu những nhu cầu của họ”, “Chúng ta phải nghiên cứu tỉ mỉ tâm sinh lý của NKT trước khi tiếp cận và giúp đỡ họ”, “Hãy xem NKT như người bình thường và hỗ trợ họ tối đa những gì mình có thể”… 

Nhưng câu trả lời của ban tổ chức, một chuyên gia của Chương trình Khuyết tật & Phát triển, một tổ chức chuyên nghiên cứu các hành vi và thay đổi nhận thức của NKT, đơn giản là: “Bạn hãy đến hỏi trực tiếp NKT cần giúp gì và giúp như thế nào?”. Đó cũng là mong muốn của hầu hết NKT mà tổ chức này đã khảo sát. 

Tùng Nguyên