Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh:

Hồ Chí Minh - kỷ niệm sâu sắc nhất

(Dân trí) - Mùa hè vừa qua, nhân vào thị xã Tuy Hoà dự Hội nghị toàn quốc các dịch giả văn học, tôi có đến thăm báo Phú Yên. Trong buổi toạ đàm thân mật, một đồng nghiệp trẻ hỏi: Bác làm báo nhiều năm, kỷ niệm nào là sâu sắc nhất trong cuộc đời của bác?".

Ôi, một đời người may mắn cùng dân tộc trải qua ba cuộc kháng chiến, qua hai thời kỳ vừa xây dựng hoà bình vừa sẵn sàng chiến đấu, rồi bước vào đổi mới, có biết bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc, nhớ làm sao xuể. Tựu trung, để lại dấu ấn đậm nhất trong đời làm báo của tôi là một niềm vinh dự được phục vụ các chuyến đi công tác của Bác Hồ.

 

Thế hệ chúng tôi, không ít người đã được gặp Bác Hồ, được nghe Bác nói chuyện tại các hội nghị quan trọng, đã nhìn thấy Bác rút khăn mù-soa lau nước mắt ròng ròng trên má khi nhắc đến nỗi thống khổ của đồng bào miền Nam dưới ách Mỹ nguỵ, trong khi phát biểu tại Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1965 lịch sử, họp ở Hội trường Ba Đình. Song được làm phóng viên đi theo Bác luôn luôn là mơ ước của nhiều ký giả.

 

Tôi nhiều lần được đi theo, đưa tin Bác Hồ đi chúc Tết nhân dân, Bác Hồ về nông thôn động viên nhân dân làm thuỷ lợi, Bác thăm và làm việc ở một số địa phương... Đêm ba mươi Tết ấy Bác Hồ thăm các gia đình công nhân Nhà máy điện ở bãi Phúc Xá (Hà Nội). Vào mỗi nhà, Bác không chỉ hỏi năm nay gia đình gói bao nhiêu chiếc bánh chưng, có bao nhiêu cân thịt, mỗi tháng trả hết bao nhiêu tiền thuê nhà, Bác còn xuống gian bếp để nhìn tận mắt nồi bánh chưng. Trước khi vào bếp, Bác hỏi chủ nhà: "Cho Bác vào bếp, được không?".

 

Cũng vào một đêm ba mươi Tết, Bác đến thăm một gia đình liệt sĩ tập kết, lại có con trai đi bộ đội xa ở phố Lò Đúc, Hà Nội. Chủ nhà, bà Nguyễn Thị Khánh, người Thừa Thiên, tiễn Bác ra xe, xúc động quá vừa chảy nước mắt ròng ròng vừa nói: "Kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu". Bác cười: "Chúc Bác sống lâu sao lại khóc?".

 

Sáng mồng một Tết, thăm một gia đình ở thôn Phú Thượng (ngoại thành Hà Nội), nơi tháng Tám năm 1945, Bác từng nghỉ lại mấy hôm trước khi vào nội thành, Bác nói với mấy cụ già quen cũ: "Các cụ nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm sống. Dĩ hoà vi quý, đoàn kết nêu gương cho con cháu, cái gì cán bộ làm không đúng thì bảo sửa, tình nghĩa xóm làng không nên để bụng giận nhau".

 

Thấy mấy anh công an mặc thường phục lấp ló đầu ngõ xóm, Bác quay lại nghiêm khắc nói với đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác: "Ra ngày đầu năm, mà các chú định ngăn không cho đồng bào đi lại chúc Tết nhau đấy à?".

 

Đến công trường xây dựng nhà máy cơ khí (về sau quen gọi Nhà máy cơ khí trung quy mô), thăm  các lán dựng tạm làm nơi nghỉ của công nhân, thấy vẫn để đèn điện sáng ban ngày, Bác phê bình luôn, thế này là lãng phí. Cũng tại công trường ấy, một lần Bác đến thăm, gặp một cán bộ công đoàn ra đón, mặc comlê, thắt cà vạt lịch sự, Bác Hồ nắm chiếc cà vạt đẹp và nghiêm khắc hỏi: "Chú ăn mặc thế này, làm sao gần gũi công nhân?".

 

Đông xuân năm 1957, ở miền Bắc hạn hán to và kéo dài, mấy tháng liền không có một trận mưa. Nhân dân đồng bằng sông Hồng theo lời kêu gọi của chính quyền, nô nức làm thuỷ lợi. Bác về thăm tỉnh Hưng Yên. Dọc đường xuống xe đi bộ băng băng, đi rất xa qua cánh đồng ruộng đất đai khô nẻ, để thăm hỏi, động viên bà con đang đào mương dẫn nước, kịp đổ ải làm chiêm. Đồng bào ngừng việc hoan hô Hồ Chủ tịch, Bác Hồ xua tay: Chờ có nước về hẵng hoan hô. “Không hoan hô Hồ Chủ tịch mà hoan hô các chiến sĩ thi đua khá nhất".

 

Bác dừng chân, bắt tay một cụ già cao tuổi hôm ấy cũng tham gia làm thuỷ lợi. Bác nói: "Tôi cảm ơn cụ". Rồi quay lại, bảo các cán bộ cùng đi: "Phải chú ý sức khoẻ các cụ. Chớ để các cụ phải làm nhiều. Các cô, các chú phải làm". Cụ già ấy, sổ tay tôi ghi rõ tên là Đoàn Đình Kiêu, tám mươi hai tuổi, người thôn Trương Mỹ, xã Hoàng Xá. Bác Hồ hỏi thăm gia đình cụ; khi biết cụ có nhiều cháu chắt, Bác ca ngợi tứ đại đồng đường thế là nhà có phúc.

 

Bác Hồ nói với mọi người, Bác có giải thưởng. Rồi Bác lấy ra bảy chiếc huy hiệu. Năm chiếc tặng năm xã tham gia làm thuỷ lợi hôm nay. Một chiếc tặng thêm xã nào thi đua khá nhất. "Còn chiếc này, - Bác nói - bác tặng riêng cụ  già cao tuổi nhất ở đây, Cụ Kiêu".

 

Ban chỉ huy công trường đến chào Bác Hồ. Đứng hàng đầu là chủ tịch huyện. Bác xem tay vị chủ tịch và nhận xét: "Tay chú sạch quá". Rồi thân mật, Bác khuyên: "Phải làm sao cho nhân dân thấy cán bộ là người của nhân dân. Thỉnh thoảng cũng phải tham gia lao động với bà con". Thấy một người ăn mặc sạch sẽ, đứng trên bờ mương. Anh ta vừa chạy vội đến "xem" Hồ Chủ tịch, Bác bảo: "Sao chú đứng thọc tay vào túi thế này? Cụ già tám mươi hai còn tham gia làm thuỷ lợi cơ mà...".

 

Tối hôm ấy, về Hà Nội, tôi viết một bài tường thuật dài, không chỉ đăng báo Nhân dân mà còn sao gửi Thông tấn xã, Đài phát thanh và báo Thủ đô Hà Nội. Bởi mấy lần trước, tôi viết bài chỉ đưa đăng báo nhà. (Mỗi chuyến đi của Bác, chỉ cho một phóng viên được phép tháp tùng). Hôm sau, đọc các báo khác chưa thấy đăng tin Hồ Chủ tịch đi thăm đồng bào xã X. huyện Y..., Bác Hồ gọi điện phê bình anh Hoàng Tùng - Tổng Biên tập: "Ra Bác Hồ chỉ của riêng báo Nhân dân, chứ không phải Bác Hồ của các báo khác nữa sao?".

 

Lần này đích danh phóng viên được gọi lên Phủ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch đã đọc bài tường thuật. Bác nói: "Chú viết Hồ Chủ tịch đi bộ mấy cây số liền giữa cánh đồng (Chi tiết này tôi tâm đắc lắm, nhắc đến hai lần trong bài). Vậy từ xưa tới nay Bác Hồ không đi bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng, thì có gì mà nói lắm thế?”.

 

Mỗi cử chỉ bình thường, mỗi lời nói bất thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thấm đượm đức khiêm nhường và tính nhân văn sâu sắc. Một cuộc đời phóng viên, có diễm hạnh tận mắt chứng kiến những cử chỉ ấy, tận tai nghe những lời nói ấy,  làm sao tôi có thể quên?

 

Phan Quang 
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam