Hình sự hóa tranh chấp thương mại: Lợi bất cập hại

(Dân trí) - Hiện các doanh nghiệp đã sử dụng các công cụ pháp lý hợp pháp để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp, vì lẽ này hay lẽ khác, vẫn “thích” sử dụng các biện pháp hình sự để giải quyết tranh chấp.

Theo Luật sư Phạm Thị Thu – Phó Giám đốc Công ty Luật Số 1 – Hà Nội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), trong bối cảnh cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án, tại tổ chức Trọng tài thương mại để bảo vệ các quan hệ về kinh tế, dân sự cũng ngày càng được hoàn thiện, các tranh chấp về dân sự, về kinh tế cũng được giải quyết một cách nhanh chóng, linh hoạt hơn; các doanh nghiệp đã “biết” sử dụng các công cụ pháp lý hợp pháp để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp, vì lẽ này hay lẽ khác, vẫn “thích” sử dụng các biện pháp hình sự để giải quyết tranh chấp.

Như vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa Công ty CP Tập đoàn Thành Nam (Công ty Thành Nam) và Công ty CP T.N là một ví dụ:

Cụ thể, ngày 22/6/2016, đại diện Công ty Thành Nam và Công ty T.N ký khế ước về việc chuyển nhượng quyền sử dụng 2.039m2 đất tại đường Hoàng Sa, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Hai bên thỏa thuận đặt cọc một khoản tiền nhiều tỷ đồng để bảo đảm cho giao kết. Hai bên cũng thỏa thuận chậm nhất là ngày 02/8/2016, bên mua sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại cho bên bán. Đến ngày 10/8/2016 Công ty T.N (bên mua) vẫn không thực hiện thỏa thuận, không chuyển cho Công ty Thành Nam (bên bán) số tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà hai bên đã thỏa thuận.


Luật sư Thu nhận định, hình sự hóa còn làm cho uy tín của công dân và doanh nghiệp bị giảm sút thậm chí bị mất hoàn toàn

Luật sư Thu nhận định, hình sự hóa còn làm cho uy tín của công dân và doanh nghiệp bị giảm sút thậm chí bị mất hoàn toàn

Tuy nhiên, sau đó Công ty T.N lại gửi đơn đến Cơ quan Công an tố cáo ông Nguyễn Hùng Cường – Chủ tịch Công ty Thành Nam có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Công ty Tài Nguyên .

Nhận định vụ việc dưới góc độ luật pháp Luật sư Phạm Thị Thu cho biết:

“Theo quy định tại Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 thì đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Khoản 2 Điều luật này cũng quy định: “Trong trường hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

Theo quy định vừa viện dẫn thì trong trường hợp Công ty CP T.N đã thực hiện việc đặt cọc để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 2.039m2 đất nhưng lại không thực hiện được thỏa thuận, không chuyển trả cho Công ty Thành Nam số tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại thì phía Công ty CP T.N bị coi là đã “từ chối việc thực hiện hợp đồng dân sự” và hậu quả pháp lý của việc “từ chối” này là Công ty T.N sẽ không được nhận lại số tiền đã đặt cọc; số tiền này sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc (Công ty Thành Nam). Trong trường hợp phía Công ty CP T.N có chứng cứ để chứng minh mình không có lỗi trong việc từ chối thực hiện hợp đồng dân sự hoặc bị lừa dối, bị cưỡng ép… khi giao kết hợp đồng và đã trao đổi, đàm phán với phía Công ty Thành Nam nhưng không có kết quả, họ có quyền khởi kiện Công ty Thành Nam ra Tòa án để giải quyết.

Với sự việc này luật sư khẳng định việc gửi đơn tố cáo đến Cơ quan công an là không phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ quan Công an không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự; chỉ trong trường hợp Công ty CP T.N chứng minh được phía Công ty Thành Nam có hành vi gian dối trong việc giao kết hợp đồng (ví dụ như không có đất nhưng vẫn rao bán…) nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc của Công ty T.N thì Cơ quan Công an mới vào cuộc, điều tra, xác minh đơn tố cáo”.

Qua vụ việc nêu trên có thể thấy: Việc “hình sự hóa” các quan hệ dân sự vẫn còn được nhiều doanh nghiệp coi là “giải pháp hữu hiệu” để thu hồi các khoản tiền đã bỏ ra khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Đó chính là việc biến một vi phạm nghĩa vụ dân sự (ví dụ như không trả nợ) thành một hành vi nguy hiểm cho xã hội (chiếm đoạt tài sản); tức là người vi phạm đáng lẽ bị chế tài dân sự thì sẽ bị chế tài hình sự. Đây là một lựa chọn sai lầm và là một xu hướng không lành mạnh.

“Hình sự hóa còn làm cho uy tín của công dân và doanh nghiệp bị giảm sút thậm chí bị mất hoàn toàn; thiệt hại này không thể xác định được bằng tiền. Cuối cùng, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, nếu xu hướng hình sự hóa không được khắc phục thì trong con mắt cộng đồng quốc tế, hệ thống pháp luật trong nước có thể bị đánh giá là thiếu an toàn trong kinh doanh…”- Luật sư Thu cảnh báo.

Phạm Song