Hiện tượng xin ra khỏi biên chế nhà nước - một tín hiệu đáng mừng?

Dù đang làm việc ở nước ngoài, tôi vẫn luôn quan tâm theo dõi tình hình đất nước. Gần đây, thấy nhiều báo đưa tin về hiện tượng xin ra khỏi biên chế nhà nước, mà có người gọi là “chảy máu chất xám” của khu vực công.

Nhưng theo tôi thì điều dó phản ánh nền kinh tế đã phát triển lành mạnh với nhiều thành phần kinh tế có thể cạnh tranh nhau trong việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Mặt khác, điều đó cũng cho thấy việc quản lý tài sản nhà nước đã tốt hơn trước, không để cho cán bộ nhà nước xà xẻo một cách dễ dàng, dẫn đến tình trạng “lộc” gấp nhiều lần lương. Đây có thể là lý do quan trọng níu kéo cán bộ ở lại cơ quan nhà nước, còn bây giờ không còn được hưởng những khoản lộc béo bở, cho nên họ đã rũ áo ra đi. Có phải như vậy chăng? 

Nếu nhìn nhận sự việc ở mặt tích cực, người có chuyên môn giỏi thực sự làm cho các tổ chức kinh tế liên doanh hoặc công ty nước ngoài  có thể nhận được mức lương vài trăm đến cả nghìn USD một tháng. Tính theo sức mua của đồng tiền ở Việt Nam thì mức lương đó còn cao hơn việc ra nước ngoài làm việc. Điều này khuyến khích học sinh, sinh viên và cả những người đang làm việc tích cực trau dồi nâng cao kiến thức và tay nghề để kiếm được công việc làm tốt hơn và có mức lương xứng đáng với năng lực của mình.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Về quản lý nhà nước, đã có sự chặt chẽ hơn trong việc thu chi ngân sách là điều đáng mừng. Nay gặp phải khó khăn tạm thời vì một số cán bộ có năng lực xin ra làm ngoài thì điều đó sẽ thúc đẩy việc cải cách hành chính mạnh hơn, để vừa thu gọn được bộ máy, vừa nâng cao hiệu quả công việc, từ đó tạo điều kiện nâng lương cho công chức để giữ người có năng lực ở lại.

Tôi nghĩ rằng việc này có thể làm được nếu chúng ta căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc mà khoán lương cho các đơn vị. Người thủ trưởng của mỗi đơn vị chịu trách nhiệm sắp xếp nhân sự và huy động mọi người hoàn thành tốt phận sự được giao: người có cống hiến nhiều thì được hưởng nhiều. Cơ quan quản lý cấp trên không lãnh đạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” mà chỉ đánh giá hiệu quả công việc.

Đổi mới cách quản lý như vậy, có người lo rằng thủ trưởng sẽ lộng quyền, càng tìm cách lôi những người cùng phe cánh, loại bỏ người tài, trung thực v.v.. Điều này khó xảy ra vì khi đã nhận khoán công việc trước cấp trên thì người thủ trưởng phải nghĩ ngay đến việc phải sử dụng những người có năng lực thật sự, chứ không phải những người chỉ biết nịnh nọt, còn công việc thì không hoàn thành, cuối cùng trách nhiệm dồn lên đầu thủ trưởng.

Hơn nữa, còn có thể áp dụng việc lấy ý kiến thăm dò trước khi bổ nhiệm thủ trưởng mỗi đơn vị hoặc tổ chức bầu thủ trưởng một cách công khai, dân chủ trên cơ sở quần chúng xem xét chương trình và kế hoạch hành động của một số ứng viên. Đây là quá trình cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, còn sau đó không can thiệp sâu vào công việc nội bộ của mỗi đơn vị, người thủ trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về đơn vị mình. Tôi tin rằng, nếu cải cách theo hướng như vậy, năng suất lao động và hiệu quả công việc đều được nâng cao, theo đó lương của cán bộ, nhân viên cũng được nâng cao.

Làm như vậy lương sẽ tăng bao nhiêu? Theo như tôi được biết, những cán bộ, nhân viên trong khu vực công hiện nay chỉ làm thực sự trung bình khoảng 4 giờ/1ngày. Như vậy nếu làm việc thực sự 8 giờ/ngày thì khối lượng công việc hoàn thành gấp đôi, cho nên lương cũng tăng gấp đôi. Nếu biết cải tiến cách làm thì năng suất lao động còn cao hơn, thu nhập theo đó mà tăng lên. Điều này hoàn toàn có khả năng vì đi đôi với việc giảm nhân sự sẽ giảm được thời gian trao đổi, quan hệ giữa những người làm cùng công việc.

Bộ máy nhỏ gọn giúp việc bố trí dòng chảy công việc trở nên khoa học hơn, áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong mọi khâu công việc, đương  nhiên hiệu suất làm việc sẽ tăng. Kinh nghiệm của Nhật Bản là một nước đã phát triển ở mức cao nhưng vẫn đặt mục tiêu tăng năng suất lao động thêm 50% trong 5 năm (2006-2010).

Một nước còn ở mức phát triển thấp đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa như chúng ta, việc tăng năng suất 20-25% một năm là hoàn toàn có cơ sở. Như vậy mấy năm đầu lương sẽ tăng theo cấp số nhân, sau đó sẽ tăng chậm hơn, chừng 30-50%/ năm, chứ không phải chỉ là 10-20%/ năm, một mức tăng không bù nổi tình hình trượt giá như hiện nay.

Cải cách mạnh mẽ bộ máy của các cơ quan nhà nước theo hướng nói trên vừa gọn nhẹ hơn, năng suất lao động và hiệu quả công việc cao hơn, vừa tạo điều kiện trả lương cao hơn cho cán bộ, nhân viên. Mọi người lại thấy thoái mái vui vè hơn, vì không phải xin xỏ, ninh bợ ai; người có tài thật sự thì được trọng dụng, người làm nhiều thì được hưởng nhìều, không ai tị nạnh được ai. Tình hình đoàn kết nội bộ tốt hơn và tệ nạn tham nhũng, lãng phí sẽ được bài trừ tận gốc, bởi vì mọi cái đều công khai, minh bạch, rõ ràng. Tôi không thật sát với tình hình đất nước. Chỉ có tấm lòng với đất nước, mạnh dạn đề xuất như vậy, không biết có đúng không.

Năm mới Mậu Tý đến nơi rồi, tôi cầu mong cho đất nước mình tiến bộ nhanh hơn nữa, đạt được thành tích lớn hơn nữa trong năm mới.  

Dang Ba Khac Trieu
University
of Tsukuba
(
dangtrieu@gmail.com)

LTS Dân trí - Rất cảm ơn tấm lòng của một người Việt Nam xa quê, luôn đau đáu hướng về đất nước, hết sức quan tâm đến những vấn đề có tính thời sự đang diễn ra ở đất nước mình và đóng góp những ý kiến thật là chân thành, thiết thực.

Với con mắt nhìn lạc quan về tình hình đổi mới của đất nước, tác giả viết bài trên đây đã đánh giá hiện tượng xin ra khỏi biên chế nhà nước của một số cán bộ có năng lực không phải là hiện tượng “chảy máu chất xám” như một số người nhận định, mà đó là điều đáng mừng vì thị trường lao động có dấu hiệu của sự cạnh tranh tự do lành mạnh, thúc đẩy sự cải tiến mạnh mẽ hơn trong cách thức quản lý ở các cơ quan thuộc khu vực nhà nước để nâng cao hơn nữa năng suất lao động và hiệu quả công việc.

Chúng tôi nghĩ rằng cách nhìn nhận cũng như đề xuất của tác giả Dang Ba Khac Trieu

là những đóng góp có giá trị, cần được nghiên cứu và vận dụng những điều thích hợp vào quá trình đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý đang diễn ra, nhất là đối với các cơ quan thuộc khu vực nhà nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm