Hãy học ở ông cha ta !

(Dân trí) - Thời nay, dù nước ta đã có 20 năm đổi mới, đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc so với thời bao cấp, nhưng so với thời ông cha ta, thì vẫn còn nhiều điểm thua kém. Không cần học ở đâu xa nhiều mà trước hết học từ ông cha ta cũng có quá nhiều bài học áp dụng cho xây dựng đất nước hiện nay.

Chẳng hạn về xây dựng

 

Hãy thử hình dung xem, nếu các công trình lăng tẩm ở Huế do các công ty xây dựng ngày nay đảm nhiệm, thì thử hỏi liệu các công trình đó có thể tồn tại đến ngày nay để làm nơi danh lam thắng cảnh cho du khách được không? Khó lắm.

 

Hãy nhìn những công trình như hầm chui Văn Thánh, như cảng Thị Vải, như các con đường vừa làm xong đã có sự cố, như các tòa nhà 20 tầng, 30 tầng ở Hà Nội, dân vừa vào ở đã phải đập phá sửa chữa, thang máy không chạy, những chiếc cầu xây xong không đi qua được, những sân vận động xây xong không sử dụng được... Nhiều lắm, không thể kể hết được. Càng kể ra, càng thấy tiếc, thấy giận cho sự quản lý của nước mình. Đất nước còn nghèo rớt mùng tơi như thế, mà một số tiền của của nhân dân cứ đổ vào các công trình vô ích như thế, thật là buồn lắm thay, giận lắm thay.

 

Những công trình vừa xây xong, thậm chí chưa xây xong đã có sự cố như ở nước ta thì trên thế giới cũng chưa thấy nói có ở đâu. Ở Nhật gần đây cũng có chuyện bớt xén công trình, như các tòa nhà được thiết kế phải có phần móng và kết cấu chống được động đất. Nhưng một số tòa nhà đã bỏ phần kết cấu này đi. Một loạt các nhà thầu, và thiết kế đã bị bắt, và bị phạt nặng. Thế nhưng các công trình đó nếu không có động đất, thì vẫn tồn tại cả trăm năm mà chẳng có vấn đề gì. Đây là việc ăn cắp giải pháp.

 

Nhưng ở Việt Nam ta, người ta ăn cắp vào phần nguyên vật liệu, ăn cắp vào phần cứng của công trình, nên mới có chuyện vừa xây xong đã hỏng. Và mới có thể lấy được nhiều tiền đi đánh bạc, hối lộ.

 

Câu hỏi đặt ra là, cũng người Việt Nam ta đó thôi, nhưng sao ngày xưa làm việc chất lượng tốt như thế, mà nay lại tồi như thế? Có phải vì người thợ của ta xấu đi không? Hay là vì nền quản lý nhà nước của ta xấu đi, nên mới dẫn tới tình trạng xuống cấp như thế?

 

Chùa Một Cột ở Hà Nội được vua nhà Lý cho xây năm 1049. Chùa được trùng tu nhiều lần vì chiến tranh loạn lạc và thời gian, nhưng thiết kế và kiến trúc của chùa thì vẫn tồn tại mãi với thời gian. Ngày nay đã có công trình xây dựng nào so được với ngôi chùa nhỏ bé đó của ông cha ta chưa? Hay như chùa Phổ Minh ở Nam Định được xây từ thời nhà Trần, đến nay vẫn tồn tại, và vẫn là niềm tự hào cho nền kiến trúc nước nhà. Ngày nay, liệu có công trình nào sánh được với chùa Phổ Minh chưa? Còn nhiều ví dụ lắm.

 

Cha ông ta không bao giờ đặt nhiều thủ tục hành chính như ngày nay

 

Về quản lý hành chính, nhiều mặt bây giờ nước ta cũng kém ngày xưa. Bây giờ nước ta có nhiều cấm đoán, hạn chế quá, mà thời cha ông ta không có. Thời cha ông ta dù chưa được văn minh như ngày nay, chưa có ôtô, xe máy, chưa có tivi, tủ lạnhnhưng cư trú - hộ khẩu không bị hạn chế, quyền tư hữu ruộng đất không bị tước đoạt, nên không có tình trạng Sổ xanh, Sổ đỏ… nhân dân không khiếu kiện nhiều như ngày nay.

 

Thủ tục hành chính bây giờ ở nước ta mới thật là khủng khiếp. Chưa cần nói so với các nước xung quanh, mà chỉ so với cha ông ta, đã thấy khác một trời một vực. Cải cách hành chính ở nước ta được bắt đầu từ năm 1994, đến nay đã 12 năm trôi qua, nhiều mặt có tiến bộ lên, nhiều mặt vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí còn khó khăn hơn trước. Bởi vì có hai cái gốc của mọi loại giấy tờ, là hộ khẩu và nhà đất, vẫn chưa được giải tỏa, nên các giấy tờ khác chưa thể thông thoáng được.

 

Học cha ông ở việc biết tìm ra và trọng dụng nhân tài

 

Về đào tạo và tuyển dụng nhân tài, thời cha ông ta cũng khoa học hơn ngày nay. Thứ nhất là “Cử tuyển”, tức bổ nhiệm quan lại qua giới thiệu. Một người dù thân phận thấp hèn, nhưng qua giới thiệu, nếu có thực tài-đức, được vua chấp nhận, liền được bổ nhiệm làm quan.

 

Lê Phụng Hiểu là một ví dụ. Ông chỉ là một thanh niên giỏi võ nghệ, có tài thao lược ở làng Đàm Xá, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Vua Lý Thái Tổ nghe tiếng ông, liền chủ động mời ông ra làm quan, phong làm Võ Vệ tướng quân, hàm cấp như Cục trưởng Cục Cảnh vệ ngày nay. Ông Lê Phụng Hiểu đã nhiều lần dẹp tan được nội loạn trong triều, cứu vua Lý.

 

Cách thứ hai của cha ông ta là “Thi tuyển” để chọn người tài đức ra làm quan. Lịch sử gần 1000 năm “thi tuyển” của cha ông ta, từ khoa thi Tiến Sĩ đầu tiên năm 1075, nhà Lý, đến khoa thi Tiến sĩ cuối cùng năm 1919, nhà Nguyễn thuộc Pháp, đã qua 185 khoa thi, có 2875 người thi đỗ, trong đó có nhiều người đỗ 2 lần. Có 56 Trạng Nguyên. Các vị đỗ đại khoa này chính là “Nguyên khí” của đất nước, hầu hết đều được trọng dụng, bổ nhiệm vào các chức từ bé đến to để điều hành đất nước. Nhờ thế mà 4000 năm văn hiến của nước ta mới được bảo tồn phà phát triển đến ngày nay, nền độc lập được giữ vững, lòng tự hào dân tộc được nâng cao.

 

Ở nước ta hiện nay, công tác cán bộ quả là phức tạp, phải qua nhiều tầng nhiều nấc giới thiệu, tuyển chọn, đào tạo trường Đảng, lý lịch trong sạch.. Thật khác xa thời cha ông ta, và cũng khác xa các nước xung quanh. Nhân tài - nguyên khí của nước ta ngày nay lọt được qua các cửa này quả là khó. Khi đã được bổ nhiệm rồi, thì vị cán bộ lãnh đạo cũng chủ yếu là làm đại diện cho tập thể lãnh đạo, chứ bản thân rất khó thi thố tài năng, rất khó dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám cách chức ngay những thuộc cấp bất tài.    Bởi thế mà mọi quyết sách, thay thế cán bộ đều chậm trễ và phức tạp. Điều này thật khác với thời ông cha ta, và khác với các nước.

 

Nước ta đã qua 20 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng luôn luôn cao trên 7% một năm. Đó là điều đáng mừng. Nhưng nhìn vào thực chất, mới thấy rằng tốc độ tăng trưởng đó phần quan trọng vẫn phải nhờ đầu tư nước ngoài rót vào, nhờ vốn ODA các nước giúp, nhờ tiền Việt kiều gửi về, nhờ tiền lao động xuất khẩu gửi về, và nhờ vốn đầu tư cao từ trong nước chủ yếu có được do bán tài nguyên thô. Như vậy tăng trưởng do hiệu quả kinh doanh, quản lý trong nước chưa có là bao. Vào WTO rồi, mà vẫn quản lý đất nước chủ yếu dựa vào nguồn từ nước ngoài như thế này thì không ổn. Phải dựa vào nội lực là chủ yếu.

 

Chưa cần nói đến học các nước, hãy học ông cha ta, hãy làm được như ông cha ta, đã là khá lắm rồi. Trách nhiệm đưa đất nước tiếp tục đổi mới đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo. Biết trọng dụng nhân tài, thì trách nhiệm đó sẽ được chia sẽ cho nhiều người cùng gánh vác.

 

Minh Tuấn
(Từ Tokyo)