Từ vụ lộn xộn trong thi cử tại Bắc Giang:
Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật
(Dân trí) - Từ hai vụ việc ở Hà Tây, Nghệ An trước đây và vụ Bắc Giang hiện nay, thiết nghĩ, các cán bộ quản lý giáo dục hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Đừng vì bệnh thành tích mà không dám thừa nhận những tiêu cực đang thực sự tồn tại trong ngành.
Ở Nghệ An cũng xảy ra một việc tương tự như ở Hà Tây trước đây và ở Bắc Giang hiện nay. Ngày 30/8/2006, trên mạng xuất hiện 4 đoạn phim phản ánh tiêu cực trong thi cử năm 2006. Sau khi xem các đoạn phim, Sở GD&ĐT Nghệ An vào cuộc ngay vì nghi phim đã được quay tại tỉnh mình. Đúng như dự đoán, 4 đoạn phim này đã được thầy giáo Lê Đình Hoàng quay tại Hội đồng coi thi Trường THPT Nam Đàn 2. Sau thanh tra, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã có kết luận khẳng định các sai phạm nghiêm trọng ở đây.
Riêng về người quay phim, kết luận khẳng định: “Ông Lê Đình Hoàng là người đã dũng cảm đưa 4 đoạn phim phản ảnh tiêu cực lên mạng, nhưng đồng thời ông cũng là người coi thi đã không làm tròn nhiệm vụ giám thị số 1 ở phòng thi số 15 môn Ngoại ngữ, để các thí sinh ở phòng thi này vi phạm quy chế thi; không hoàn thành nhiệm vụ khi làm giám thị ngoài phòng thi (giám thị biên) môn Toán tại phòng thi số 9 và số 10.
Thực tế, vào cuối buổi thi các môn Địa lý, Toán, Ngoại ngữ, ông đã dùng điện thoại di động để ghi lại các hình ảnh thi cử lộn xộn làm tư liệu phản ảnh tình hình, mong được các cấp, các ngành tìm giải pháp khắc phục. Những đoạn phim này khi đưa ra công luận là sự phản ảnh có giá trị về tiêu cực trong thi cử. Nếu không có nó thì không thể có được bằng chứng để xử lý những tiêu cực tại Hội đồng coi thi Trường THPT Nam Đàn 2.
Trong quá trình làm việc, Đoàn Thanh tra đã nhận được sự hợp tác nhiệt tình, khách quan, trách nhiệm của thầy giáo Lê Đình Hoàng. Trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, việc làm đó của ông Lê Đình Hoàng là một hành động đáng được trân trọng. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo ghi nhận những đóng góp của ông Lê Đình Hoàng đối với cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử hiện nay” (Kết luận số 1529/BC-SGD&ĐT ngày 27/9/2006 của Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An).
Sau khi có kết luận, ngày 16/10/2006, Thanh tra Sở, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đặc phái viên của Giám đốc Sở được giao đi kiểm tra thi tại Nam Đàn đã tổ chức kiểm điểm; ngày 20/10/2006, lãnh đạo Sở đã tổ chức kiểm điểm; ngày 23/10/2006, Cơ quan Sở đã tổ chức cuộc họp từ Trưởng phòng và Bí thư chi bộ trở lên kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Sở, Thanh tra Sở, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đặc phái viên của Giám đốc Sở được giao đi kiểm tra thi tại Nam Đàn. Cuối cùng, trong 3 ngày liên tiếp từ 25 đến 27/10/2006, ba trường trung học phổ thông có liên quan mới tổ chức kiểm điểm.
Kết quả sau các cuộc kiểm điểm, 10 người bị kỷ luật cảnh cáo; 9 người bị khiển trách; thầy giáo Lê Đình Hoàng không những không bị kỷ luật gì (chỉ nhắc nhở để rút kinh nghiệm) mà còn được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen.
Có thể nói, vụ việc nói trên đã góp phần vào việc tổ chức hết sức nghiêm túc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 tại Nghệ An, không những đã mang lại niềm tin cho nhân dân, mà quan trọng hơn là đã mang lại niềm tin cho chính đội ngũ cán bộ, giáo viên đối với ngành giáo dục. Rất tiếc, từ năm 2008 trở đi, sự nghiêm túc trong thi tốt nghiệp THPT ở Nghệ An bị mai một dần và đang trở lại điểm xuất phát.
Vụ lộn xộn trong thi cử vừa xẩy ra tại Bắc Giang chắc chắn không phải là điểm tiêu cực duy nhất, ít nhất là ở các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra. Từ hai vụ việc ở Hà Tây, Nghệ An trước đây và vụ Bắc Giang hiện nay, thiết nghĩ, các cán bộ quản lý giáo dục (không phải chỉ ở Bắc Giang) hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đừng né tránh sự thật. Hãy lắng nghe chính những người đi coi thi và các em học sinh dự thi nói. Đừng vì bệnh thành tích mà không dám thừa nhận những tiêu cực đang thực sự tồn tại trong ngành và từng ngày, từng giờ làm hoen ố danh dự của ngành, làm mất niềm tin của nhân dân và của chính giáo viên đối với ngành. Về việc xử sự đối với học sinh đã quay phim phản ánh tiêu cực trong thi cử vừa qua, nên chăng Bắc Giang hãy làm như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm đối với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hay Nghệ An đã làm đối với thầy giáo Lê Đình Hoàng?
Trong tình hình hiện nay, chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng có thể tổ chức nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được không? Chắc chắn là có, nếu như các cấp quản lý giáo dục và các cấp chính quyền muốn (năm 2007 đã chứng minh điều này). Không có gì chúng ta không làm được, chỉ trừ khi chúng ta không muốn làm mà thôi!
Để kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức nghiêm túc, về phía Bộ GD&ĐT, nên chăng tổ chức nghiên cứu, bổ sung thêm vào quy chế thi các quy định về chống tiêu cực trong thi cử. Bởi với quy chế thi hiện hành, không ai không sai phạm nếu muốn lưu giữ chứng cứ để tố cáo sai phạm trong thi cử. Hoặc không bổ sung vào quy chế thi, Bộ công bố rộng rãi các giải pháp mà mọi người có thể làm để tố cáo hiện tượng tiêu cực trong thi cử khi thấy tiêu cực xẩy ra.
Minh Đức