Hãi hùng cảnh hàng chục hộ dân có thể bị vùi lấp bất cứ khi nào tại Gia Lai

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Trong con hẻm 58 Phạm Văn Đồng (TP Pleiku, Gia Lai) đang có hàng chục hộ dân sống dưới “bức tường đất” cao. Mỗi lúc mưa bão, người dân không dám ở trong nhà.

Nằm sâu trong con hẻm 58 Phạm Văn Đồng (phường Hoa Lư, TP Pleiku) có 32 hộ dân thuộc khu tập thể Công ty Xây Lắp 1 đang sống “nương nhờ” trong khu nhà tạm. Trên đầu là hàng tấn đất đá đang treo “lơ lửng” khiến người qua lại phải kinh hãi. Đặc biệt là mùa mưa đã đang diễn biến phức tạp.

Được biết, năm 1986 Công ty Xây Lắp tỉnh Gia Lai (nay đã giải thể) có xây dựng một khu tập thể tại tổ 2, phường Hoa Lư, TP Pleiku đã xây dãy nhà để các công nhân sinh sống. Tuy nhiên khi giải thể công ty, toàn bộ tài sản này không được đánh giá vào tài sản để thực hiện thủ tục giải thể theo quy định. Vì vậy, quỹ đất cũng như số tài sản trên đất không có cơ quan chủ thể quản lý cho đến thời điểm hiện nay. 

Hãi hùng cảnh hàng chục hộ dân có thể bị vùi lấp bất cứ khi nào tại Gia Lai - 1
Hàng chục nhà dân "liều mình" sống dưới bức tường đất trong hẻm 58 Phạm Văn Đồng (TP.Pleiku, Gia Lai)

Hàng chục năm nay, nhà cửa của bà con đã xuống cấp nghiêm trọng. Không những thế, sau nhà còn đang “treo” một bức tường đất cao khoảng 20 – 30m. Không ai biết, bức tường đất ấy kiên cố đến lúc nào. Đặc biệt trong thời gian qua liên tục các vụ sạt lở đất khiến bà con càng nơm nướp lo sợ.

Theo quan sát của chúng tôi, sau dãy nhà khu tập thể nói riêng và dọc hẻm 58 Phạm Văn Đồng là những sườn đồi cao, dài khoảng hơn 1km. Phía trên đồi là những căn nhà được xây dựng và các cây to hàng chục năm tuổi đang “treo” trên đầu khu tập thể. Ngoài ra, những hộ dân phía trên còn đổ đất, đá bên vách đồi nên khi mưa trút xuống, toàn bộ đất trên vách đồi bị sạt lở, trôi theo dòng nước ập xuống những ngôi nhà của các hộ dân gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của họ.

Hãi hùng cảnh hàng chục hộ dân có thể bị vùi lấp bất cứ khi nào tại Gia Lai - 2
Hơn 32 hộ dân sống trong dãy nhà tập thể lụp xụp

Một hộ dân đã gắn bó với khu đất này gần 40 năm bà Trần Thị Thu Yến (69 tuổi) bức xúc nói: “Nhà tôi ở sát dưới chân núi, mỗi khi mưa to toàn bộ đất đá, nước mưa đều đổ xuống. May nhờ dãy núi cao này cũng đã cản phần gió nên không có tình trạng sạt nhiều. Tuy nhiên, sống dưới dãy núi cao vậy ai cũng sợ, nhất mà lúc bão vào. Nhà tôi cũng như các hộ dân ở đây có nguyện vọng được tiến ra phía trước khu đất để xây dựng nhà mới, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sửa chữa, xây dựng lại nhà mới”.

Ông Quang Ngọc Hồng (54 tuổi) cho biết: “Từ xưa tôi đã là công nhân sau đó được cấp nhà sống ở đất gần 30 năm. Trước đây, khu vực này đã bị sạt lở nhiều lần, đặc biệt là vào mùa mưa bão, đất đá từ trên đồi lăn xuống làm nứt nhà và có nguy cơ bị sập. Sau đó thì người dân đã rà soát sửa chữa theo kiểu sống được ngày nào hay ngày ấy”.

Hãi hùng cảnh hàng chục hộ dân có thể bị vùi lấp bất cứ khi nào tại Gia Lai - 3
Hầu như các nhà đều xuống cấp nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là sống dưới bức tường đất cao

Ngoài dãy nhà 32 hộ trên, còn có hàng chục nhà mới xây dựng kiên cố sát chân núi cao. Vì đất ít nên mọi người thường đào sâu trong phần lõi của dãy núi để làm nhà. Kinh hãi hơn, nhiều nhà khóe gần 1/3 dãy núi để làm nhà. Sau một thời gian sống vì sợ nguy hiểm nên cũng đã chuyển đi và đang rao bán nhà. Tuy nhiên, ai đến xem cũng không dám “liều mình” ở trong căn nhà ấy vì sợ nguy hiểm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, cũng như để nắm rõ được tâm tư nguyện vọng của người dân. UBND phường Hoa Lư đã tổ chức họp toàn bộ nhân dân khu vực Công ty Xây Lắp 1 và các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở để lấy các ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân về việc lập phương án di dời, bố trí nơi ở khác.

Hãi hùng cảnh hàng chục hộ dân có thể bị vùi lấp bất cứ khi nào tại Gia Lai - 4
Nhiều dãy nhà mới được xây sạt chân núi

Hiện nay, các căn nhà đã cũ, xuống cấp trầm trọng lại nằm sát vách dưới chân đồi bị ảnh hưởng sạt lở nên các hộ đề nghị được di chuyển tạm ra phía trước để sinh hoạt. Tại cuộc họp, nhiều hộ dân đã đề nghị các cấp sớm khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở. Nếu việc sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người dân, không tiếp tục được thì các hộ thống nhất thực hiện theo chủ trương của Nhà nước là di dời đi nơi ở khác. Nếu vẫn đảm bảo, thì xem xét hóa giá để các hộ dân sửa chữa, xây lại nhà và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Giang (Phó Chủ tịch phường Hoa Lư, TP.Pleiku) cho biết: “Qua rà soát ban đầu xác định có 32 hộ là công nhân sống trong khu tập thể cũ và hơn 20 hộ dân sống dưới dãy núi cao có nguy cơ sạt lở trong hẻm 58 Phạm Văn Đồng. Trước tình hình đó, chúng tôi đã rà soát, kiểm tra thực trạng và báo cáo với thành phố. Tuy nhiên vẫn đang chờ các phòng ban chỉ đạo, nắm thông tin. Tạm thời, mùa mưa bão, chúng tôi đề phát thông báo cho người dân cảnh giác với tình hình sạt lở.