Hồi âm:

Hà Nội: Yêu cầu Sở Xây dựng giải quyết vụ bán nhà “kỳ quặc”

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải bài viết: “Chuyện “kỳ quặc” trong hành trình mua nhà theo Nghị định 61/CP”, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ vụ việc trên, báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 20/12/2011.

Hà Nội: Yêu cầu Sở Xây dựng giải quyết vụ bán nhà “kỳ quặc” - 1
Công văn chỉ đạo giải quyết vụ việc trên của UBND TP. Hà Nội
 sau gần 10 năm vẫn không được thực hiện. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Báo Điện tử Dân trí nhận được công văn số 9783/UBND-TNMT ngày 10/11/2011 của UBND TP. Hà Nội hồi âm về bài viết “Chuyện “kỳ quặc” trong hành trình mua nhà theo Nghị định 61/CP”.

Công văn trên nêu rõ: “Báo Dân trí ngày 25/10/2011 có đăng bài “Chuyện “kỳ quặc” trong hành trình mua nhà theo Nghị định 61/CP” phản ánh gia đình cụ Vũ Thị Tân và con trai là Vương Đình Cát làm thủ tục mua nhà ở tại số 46 Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm từ năm 2003, nhưng đến nay các cơ quan chức năng chưa giải quyết xong.
 
Nguyên nhân do đơn vị bán nhà đã bán 2,5 m2 nhà mà gia đình cụ Tân đang sử dụng cho 2 hộ gia đình khác trong cùng biển số nhà, nhưng các cơ quan không xử lý, giải quyết dứt điểm.

Về việc này, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ việc bán nhà tại số 46 Hàng Bè theo phản ánh của Báo Dân trí, có biện pháp chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội giải quyết dứt điểm, báo cáo kết quả về UBND TP. Hà Nội trước ngày 20/12/2011.

Như Dân trí đã phản ánh, mất gần 10 năm đi gõ cửa đủ các cấp có thẩm quyền chỉ muốn mua thêm diện tích gian bếp rộng 2,5m2 nhưng gia đình cụ bà Vũ Thị Tân, vẫn chưa được giải quyết. Đây là trường hợp "kỳ quặc" trong hành trình mua nhà ở theo Nghị định 61/CP tại Hà Nội.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Đình Cát ngậm ngùi: Mẹ tôi năm nay đã 98 tuổi, không biết cụ còn sống để theo đuổi chuyện mua bán kỳ quặc này nữa hay không. Vì việc này tôi đã phải gõ cửa nhiều cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội như: Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng, Thành uỷ, HĐND Thành phố, UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng … và đã trực tiếp gặp lãnh đạo Thành phố tại các buổi tiếp dân v.v…

Song, cứ nơi này chuyển đơn qua nơi khác. Các cơ quan có trách nhiệm không phân rõ được sự việc ai đúng, ai sai. Dân sai thì phải giải thích để cho dân hiểu, chính quyền hoặc cơ quan công quyền cấp dưới làm sai phải quy định thời hạn giải quyết và và phải thường xuyên theo dõi việc giải quyết của cấp dưới. Cấp dưới do tiêu cực, làm sai thường báo cáo lên cấp trên méo mó, hoặc không đúng sự thật, thậm chí còn không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
 
“Mẹ tôi là người cao tuổi, là thân nhân liệt sĩ, gia đình tôi nằm giữa Thủ đô, không xa Thành uỷ và UBND Thành phố Hà Nội, một việc làm sai trái của Công ty kinh doanh nhà kéo dài gần 10 năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình nhà tôi vẫn chưa được giải quyết. Một sự việc không phải phức tạp mà tại sao các cơ quan chức năng cứ đùn đẩy để "tít mù nó chạy vòng quanh" đến vậy???…”- ông Cát bức xúc nói.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm