Hà nội lo thoát lũ và xử lý môi trường trên cơ sở nào?
Quyết định 430/QĐ-TTg ngày 07/6/1995 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Thoát nước Hà Nội đến nay đã 15 năm. Trong thời gian ấy Chính phủ, Thành phố, cùng nhân dân trăn trở, tốn nhiều sức người, sức của mà hiệu quả vẫn còn xa vời.
Một minh chứng rõ ràng nhất là trận mưa gần đây nhất 11/5/2010, lượng mưa chưa đến 40mm đã có nhiều điểm ngập úng. Còn trận ngâp lụt tháng 11/2008 là một bài học đích đáng cho việc quy hoạch thoát lũ Hà Nội.
Hà Nội ngày nay mở rông cả địa giới và tầm nhìn tới nửa thế kỷ, nhằm xây dựng Hà Nội theo triết lý một môi trường thân thiện “mặt nước, cây xanh, và văn hóa”thì việc xử lý cấp thoát nước cũng như ô nhiễm môi trường đang là một công việc trọng điểm không chỉ cho hôm nay mà còn vì mai sau.
Những con sông chết mòn vẫn phải oằn lưng gánh lũ
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Thành phố có 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, công suất 48.000m3/ngày đêm. Như vậy vẫn còn khoảng 400.000m3 chưa được xử lý đổ ra sông hồ. Bốn con sông nội thành Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, thực ra bây giờ chỉ là những con kênh hở chở chất thải hôi thối. Mùa khô nước sông Tô Lịch có hàm lương ô xi hòa tân thấp dưới tiêu chuản là 2, 31 lần, chất lơ lửng vượt tiêu chuẩn 2,11 lần, nitơrát vươt 1,64 lần. Đã có lúc người ta nghĩ đến việc xử lý bằng công nghệ hóa học và sinh học trên từng đoạn dòng sông Tô Lịch. Và đang thí điểm thu gom xử lý nước thải cho một đoạn sông.
Không những đang chết dần vì ô nhiễm, các con sông nội thành còn là dòng chính oằn lưng thoát lũ cho cả thành phố. Khi mặt bằng xây dựng bành trướng hết mặt bằng đất nông nghiệp, đất trống cây, mặt nước hồ ao thì tốc độ lũ càng nhanh, lưu lượng càng lớn, bởi 75% lượng nước mưa đều tức thời đổ xuống dòng chảy. Hệ thống thoát nước hiện nay của Hà Nội bao gồm hệ thống cống chung cho cả nước mưa lẫn nước thải sinh hoạt công nghiệp, bệnh viện, cơ sở thương nghiệp có tổng chiều dài 120km đường ống, đường kính 600-1000mm; trong đó 80km được xây dựng từ thời Pháp thuộc đã xuống cấp. Hệ thống mương đất dài 38,13km, chiều rộng trung bình từ 3-5m đã bị bồi lắng hoặc co hẹp dòng chảy do xây dựng cầu cống, lấn chiếm đất, đổ rác phế thải. Hệ thống thoát nước 4 con sông chính là Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu, dài 38km, dồn toàn bộ nước mưa, nước thải vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt, các con sông này đang bị bồi lắng, thu hẹp mặt cắt do cầu cống và xây dựng lần chiếm. Vì vậy, trận mưa gần đây nhất 11-5-2010, lượng mưa chưa đến 40mm đã có nhiều điểm ngập úng . Trận ngâp lụt tháng 11-2008 là một minh chứng sinh động và là bài học tốt cho việc quy hoạch thoát lũ Hà Nội.
Mô hình cứu các dòng sông chết và thoát lũ
Nguyên tắc thông thường là nước thải phải chảy trong những mương máng kín. Một thực trạng là nước thải Hà Nội theo các dòng sông chết (thực chất là những kênh hở) chảy quanh các địa bàn TP phát tán mùi hôi thối, rồi mới tới trạm xử lý để đổ ra sông. Bốn tram xử lý nước thải hiện nay cũng chỉ mới xử lý được 5-7% nước thải, nhưng sau khi xử lý rồi lại đổ về dòng sông cũ để hòa lẫn với 90% nước bẩn. Các nhà khoa học xác định cứ 1m3 nươc thải lan tỏa sẽ làm ô nhiễm 40-60m3 nước sạch, trong khi mỗi năm chi phí 1 tỷ đồng. Các phương án vẫn đang tập trung xây dựng những trạm xử lý lớn hiện đại ở cuối nguồn. Trạm Yên Sở dự kiến diện tích 8,2ha, chi phí tới 233,1 triệu USD, để xử lý 50% nước thải. Chiến dịch cứu các hồ đang đạt được những kết quả rất đáng kể, diện tích mặt nước đã được trả lại và mở rộng thêm. Việc xử lý nước hồ băng hóa học và sinh học trả lại màu xanh nước sạch đang có nhiều hứa hẹn. Năm 2010 Thành phố phấn đấu đến cuối năm cũng mới xử lý được từ 10-15% nước thải sinh hoạt, 40% nước thải công nghiệp, 100% nước thải các cơ sở y tế do TP quản, xử lý một bước ô nhiễm nước các hồ. Nhưng sau mỗi lần xử lý xong nước thải lại đổ xuống sông hồ thì vẫn tái ô nhiễm, nên chưa phải là những biện pháp cơ bản.
Để cứu lấy sông, hồ biện pháp cơ bản nhất là tách hẳn nguồn nước thải, không đổ trực tiếp vào sông hồ. Để làm được việc đó phải tiến hành nhiều bước. Trước hết phải kiểm soát và xử lý từ nguồn tại các hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các bệnh viện…, đây là công việc khó, lại chưa được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn dân. Nhưng là việc làm cơ bản nhất để tiến đến thu phí môi trường, bởi nếu có đo đếm được chất lượng nước thì mới thu phí được. Xây dựng hệ thống kênh hở, che kín dẫn nước đến các trạm xử lý cục bộ đặt tại cuối kênh. Xây dưng hệ thống kênh dọc theo các sông , hồ, dẫn đến các trạm xử lý nước tập trung có quy mô lớn, có hệ thống tách nước mưa trước khi đổ vào sông, hồ, sau đó là sự kết hợp xử lý bằng các phương pháp hóa học, sinh học để duy trì chất lượng nước.
Thành phố Hà Nội muốn tiêu nước tự chảy thì mực nước của sông Nhuệ tại cầu Hà Đông phải thấp hơn 4,2m, hiện tai khó thực hiện được vì thực tế mực nước ở đây vào mùa mưa thường cao hơn cao trình này. Phương án cơ bản nhất là chỉnh trị lại sông Nhuệ, phá bỏ các cầu cống ngăn dòng chảy, đưa độ chênh mực nước tại cầu Hà Đông xuống dưới 4,2m. Hiện nay, để chống ngập lụt cần phải mở rộng lòng hồ để trữ nước và mở rông lòng sông để thoát nước. Việc kè đá, mái thoải các lòng sông, hồ đã thu hẹp khá nhiều thể tích chứa nước của sông hồ. Từ xưa ông cha ta đã đào hồ để chứa nước, đào sông để thoát nước. Ngày nay nên vận dụng với sự tính toán cụ thể từ lưu lương, sức chứa để xác định chiều sâu cần đào cho từng hồ, từng đoạn sông, từng dòng sông.
Mặt khác, nước là loại tài nguyên đặc biệt, cần phải xác định cơ chế cung cầu chia sẻ lợi ích phù hợp kinh tế thị trường. Đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động điều tra, đánh giá, kiểm kê, cấp phép trong lĩnh vực này. Cấp nước sạch, xử lý nước thải, thoát nước, khai thác sông hồ, cần phải là công việc của một đầu mối. Thực trang hiện nay một cái hồ đang có 5-6 đầu mối quản lý nhưng lại thiếu sự liên kết có hiệu quả. Cấp nước và thoat nước nên chỉ là một cơ quan, trong đó kể cả việc xử lý nước, kiểm soát nguồn nước, thu thuế tài nguyên nước, thuế môi trường nước, tạo nên một cơ chế thị trường cân đối, góp phần tự điều chính thu chi việc đầu tư cho ngành nước.
Sống cùng sông nước và đối mặt với lụt lội, ô nhiễm môi trường là những thử thách đối với con người Thủ đô. Nhưng chính những thử thách này đã tạo nên đặc điêm xã hội của Hà Nội. Mối liên quan giữa đô thị và nước mang tính hình thể nhưng cũng phản ảnh tinh thần - một bộ phận của tâm hồn Hà Nội. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, ở công trình kỳ vĩ của đô thị Hoàng Thành Thăng Long, hệ thống thoat nước mà các triều đại xưa đã sử dụng làm cho các chuyên gia nước ngoài hết sức ngỡ ngàng và khâm phục của một hệ thống rất hoàn bị.
Thủ đô Hà Nội nhìn về nửa thế kỷ sau, hiện đại nhưng phải lãng mạn, thân thiện với môi trường. Đô thị được coi là một cơ thể sống mà đường phố là bộ xương, tòa nhà là cơ bắp, thương mại, hoạt động của cư dân là máu, không gian cây xanh công cộng và sông hồ là các bộ phận cơ thể như tim phổi, các cao ốc là những nụ cười thân thiện tiêu biểu cho thẩm mỹ của một đô thị hiện đại. Với những lợi thế của một Thủ đô sông hồ, chắc chắn sẽ có nhiều hướng tác động như công nghiệp xử lý, quản lý, cân đối giữa công nghiệp, dich vụ, bố trí dân cư, phát triển hạ tầng. Cho nên nước, vấn đề nước có thể là nền tảng cho sự phát triển bền vững mang đặc điểm của Văn hóa Việt Nam.
Trần Công Huyền
Từ Liêm Hà Nội.
LTS Dân trí - Có nhiều sông hồ và nhiều cây xanh vốn là một lợi thế của Thủ đô ta, nhưng lợi thế đó không những không được phát huy mà còn bị hủy hoại qua quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ và mở rộng đô thị. Đấy là một nghịch lý thật đáng quan tâm trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhưng không đúng hướng hiện đại hóa và văn minh đô thị.
Thực tế ô nhiễm môi trường nói chung và các nguồn nước nói riêng ngày càng nặng nề cũng như tình trạng ngập lụt đường phố sau mỗi trận mưa to là lời cảnh báo rõ ràng nhất về sự phát triển không bền vững và trái với mục tiêu xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại.
Muốn khắc phục tình trạng trên, trước hết phải có quy hoạch tổng thể có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, có sự chỉ đạo kiên quyết và đồng bộ các giải pháp khả thi để giải quyết bài tóan về cấp thoát nước và xử lý môi trường, nhằm xây dựng Hà Nội thành thủ đô phát triển hài hòa, con người được sống thân thiện với môi trường có nhiều cây xanh và nhiều sông hồ sạch sẽ và thơ mộng như thuở xưa ông cha ta đã từng sống ở đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.