Hà Nội: Lộ sáng những “mảng đen” trong việc cấp sổ đỏ ở Thạch Thất

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với UBND huyện Thạch Thất, PV Dân trí phát hiện thêm nhiều điểm sai phạm, cùng cách làm việc “hồ đồ” của cán bộ cấp xã. Sai phạm của cán bộ khi làm hồ sơ cấp sổ đỏ đã rõ, nhưng lãnh đạo huyện chưa có hướng xử lý cụ thể.

 

 
Sau 2 bài viết “Mất đất oan ức vì quyết định khuất tất của UBND huyện Thạch Thất” và “UBND xã Cần Kiệm cưỡng chế đất trái pháp luật”, ngày 19/7/2013, báo Dân trí đã nhận được văn bản của UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND huyện Thạch Thất kiểm tra cụ thể, kết luận và xử lý theo thẩm quyền vụ việc trên.

Cùng ngày, PV Dân trí đã có buổi làm việc với UBND huyện Thạch Thất do ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chủ trì, đại diện các ban, ngành và đại diện xã Cần Kiệm.

Hồ sơ thửa đất mà ông Đoàn đang sử dùng đều thể hiện rõ ràng ông Đoàn là chủ sở hữu hợp pháp. Năm 1991, ông Kiều Văn Can (bố ông Kiều Quang Đoàn) và hơn 30 hộ gia đình khác tại thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm được chính quyền địa phương bán cho mỗi hộ gia đình 1 suất đất giãn dân làm đất ở.

Theo văn bản gia đình cung cấp, hộ gia đình ông Kiều Quang Đoàn được giao thửa đất số 32B tờ bản đồ số 04. Phía Đông giáp đường liên xóm; phía Tây giáp đất ông Xuyền; phía Nam giáp đất ông Tám; phía Bắc giáp đất canh tác của Hợp tác xã.

Ngày 28/7/2008, thửa đất nhà ông Kiều Quang Đoàn được ông Trần Đức Nguyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Từ khi được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đến năm 2010, gia đình ông Đoàn vẫn sử dụng ổn định, tuân thủ đầy đủ quy định về thuế của nhà nước.

Vụ việc này bắt đầu phát sinh khi gia đình liền kề là ông Xuyền mượn lối đi nhà ông Đoàn để di chuyển vật liệu xây dựng nhà, nhưng sau khi hoàn thành ông Xuyền đã không trả lại mà tự ý xẻ rãnh, bó cổng trên phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Kiều Quang Đoàn.

Để bảo vệ quyền lợi, ông Kiều Quang Đoàn làm đơn khiếu nại gửi lên UBND xã Cần Kiệm. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc UBND xã Cần Kiệm không xem xét sự việc khách quan. Sau khi cấp xã hòa giải bất thành, ông Xuyền tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Thạch Thất, từ đó UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Thanh tra tiến hành thẩm tra lại. Tuy nhiên UBND huyện Thạch Thất đã ra quyết định thu hồi và hủy Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho gia đình ông Đoàn.

Ông Kiều Văn Đảm (anh trai ông Kiều văn Đoàn – thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) chia sẻ: “Tôi là người dân nên không biết gì, gia đình mua được mảnh đất hơn 20 năm nay. Bây giờ, bỗng nhiên gia đình người ta đi nhờ rồi lại đòi mở đường, UBND xã, huyện quyết định thu hồi sổ đỏ nhà tôi và UBND xã cho người đến cưỡng chế gia đình, gia đình chúng tôi rất bức xúc, bất an, không yên tâm trong sản xuất”.

Cho đến ngày 20/6/2013, UBND xã Cần Kiệm đã huy động hơn 100 cán bộ, dân phòng và các lực lượng tham gia cưỡng chế đất của gia đình ông Kiều Quang Đoàn khi chưa có quyết định của các cơ quan chức năng.

Ông Đoàn bức xúc nói: “Hơn 30 hộ gia đình được cùng cấp đất, cùng thời điểm với gia đình, cùng một tình trạng chung với gia đình nhưng bây giờ UBND huyện Thạch Thất lại xử lý mỗi trường hợp của gia đình nhà tôi, không hiểu đây là vấn đề gì, có uẩn khúc gì”.

Để làm sáng tỏ vụ việc, trong buổi làm việc với UBND huyện Thạch Thất, PV Dân trí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những sai phạm trong việc cấp Giấy chứng QSDĐ.

Tuy nhiên, UBND huyện Thạch Thất vẫn chưa đưa ra được kết luận rõ ràng về những sai phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền của các cấp về việc cấp sổ đỏ trái pháp luật.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Lược - Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thạch Thất thừa nhận: “Theo kết quả đo đạc năm 2001, từ bản đồ số 6, thửa 266, bản đồ năm 2001, diện tích của nhà ông Can là 486m2. Bản đồ năm 2001 đã được số hóa theo đúng tọa độ VN2000 của thành phố Hà Nội và đã được cơ quan các cấp có thẩm quyền nghiệm thu”.

Qua trao đổi, nhiều cán bộ đã thừa nhận đã làm việc tắc trách, cấp dưới “bảo sao nghe vậy”, không kiểm tra thẩm định số liệu, thông tin và thói quen làm việc theo cảm tính đã dẫn đến những sai lầm nối tiếp.

Ông Kiều Văn Chiến - Cán bộ Địa chính xã Cần Kiệm thừa nhận: “Do khối lượng công việc ở xã mà chỉ có 1 cán bộ địa chính còn lại là hợp đồng thêm cán bộ thì lúc đấy bác Xường là cán bộ giúp việc. Thực tế để kiểm tra kỹ lưỡng về chữ ký thì không có thời gian để kiểm tra, bởi vì giao cho cán bộ hợp đồng cũng có chuyên môn và cán bộ thôn thì tôi rất tin tưởng nên qua trình cái là tôi ký. Thực ra lúc đấy, bác hợp đồng giúp việc thì nói bác kiểm tra, bác đưa lên là tôi ký cũng không kiểm tra lại”.

Từ những câu trả lời của các cán bộ tham gia buổi làm việc ngày 19/7/2013, PV Dân trí đã phát hiện thêm nhiều sai phạm. Đúng như ông Đoàn khẳng định, không chỉ có diện tích đất tại gia đình ông tăng lên mà 31 hộ gia đình khác cũng ở trong hiện trạng “phình” tương tự.

Khi PV Dân trí yêu cầu kiểm tra lại chữ ký của ông Kiều Văn Can, do ông Đoàn tố cáo có việc giả mạo chữ ký của bố ông. Để trả lời được câu hỏi của PV Dân trí, các cán bộ đưa ra 3 lá đơn có chữ ký ông Can gồm: Giấy ủy quyền, Đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ và Đơn xin được cấp đất làm nhà ở. 3 chữ ký trên ba lá đơn khác nhau hoàn toàn, đến lúc này các cán bộ có mặt trong buổi làm việc mới “ngã ngửa”.

Khi nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng như hiện nay, các ban, ngành đưa ra đủ thứ lý do để “đá bóng” trách nhiệm.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra lại và có kết luận rõ ràng xem việc cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất đó sai phạm ở mức độ nào, cấp nào sai phạm thì chúng tôi sẽ xem xét để kỷ luật.

Đối với cán bộ lãnh đạo UBND xã Cần Kiệm, nếu có sai phạm chúng tôi sẽ báo cáo với huyện ủy về công tác quản lý cán bộ thuộc diện huyện ủy, xem xét kỷ luật về mặt Đảng, sau đó chúng tôi sẽ thành lập hội động kỷ luật về mặt chính quyền theo luật công chức viên. Sai phạm đến mức độ nào chúng tôi sẽ xem xét, xử lý nghiêm khắc ở mức độ đó”.

Kết thúc buổi làm việc, có nhiều câu hỏi PV Dân trí đặt ra nhưng chưa nhận được câu trả lời. Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất “xin khất” phúc đáp bằng văn bản do chưa có sự chuẩn bị trước những nội dung này.

Liệu UBND huyện Thạch Thất có làm rõ được những cá nhân vi phạm để xử lý đúng như ông Hồng khẳng định? Phải mất bao lâu mới có kết luận cuối cùng và liệu có làm êm dịu dư luận xã hội?

Báo Dân trí đề nghị UBND huyện Thạch Thất sớm phúc đáp những nội dung chưa trả lời tại buổi làm việc, có phương án giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Kiều Quang Đoàn.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi nhận được văn bản hồi âm của UBND huyện Thạch Thất.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy