Hà Nội: Hàng loạt vụ án có dấu hiệu oan, sai
Sau khi nhận được án có dấu hiệu oan, sai do các cơ quan liên quan thống kê, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ thẩm định để báo cáo Chủ tịch nước…
Đoàn Luật sư TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam để cung cấp thông tin cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình oan, sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Trước đó, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã tổng hợp các vụ án có dấu hiệu oan, sai mà luật sư thành viên của đoàn từng trợ giúp pháp lý từ ngày 1-10-2011 đến ngày 30-9-2014.
10 lần xử không có cơ sở kết luận phạm tội
Trong văn bản này, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thống kê có 47 vụ án có dấu hiệu oan, sai nằm rải rác ở các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có một số vụ xét xử tới lui vẫn không tìm ra cơ sở kết luận tội.
Chẳng hạn vụ Nguyễn Đình Bang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tính đến tháng 12-2014, vụ án này đã kéo dài gần năm năm (Bang bị tạm giam bốn năm) nhưng qua đến… 10 lần xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội vẫn không có cơ sở kết luận Bang phạm tội. Đến nay vẫn chưa có quyết định đình chỉ điều tra và Bang vẫn đang phải lửng lơ trong vòng tố tụng.
Một vụ khác cũng được Đoàn Luật sư TP Hà Nội thống kê là vụ bị cáo Đào Xuân Phương bị TAND TP Thái Nguyên xử phạt năm năm tù về tội cố ý gây thương tích. Vụ án này xảy ra năm 2008, sau một năm công an mới khởi tố vụ án và bắt tạm giam Phương. Qua 11 lần xét xử với ba bản án sơ thẩm (đều kết tội năm năm tù về tội cố ý gây thương tích), Phương luôn kêu oan. Ba lần xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Nguyên đều tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Trong phiên phúc thẩm lần 3, tòa đã cho bị cáo tại ngoại sau năm năm tạm giam. Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên vẫn đang tiếp tục điều tra lại vụ án.
Chị Trần Thị Tiểu Minh - người được VKSND tỉnh Quảng Bình xin lỗi do làm oan. Ảnh: INTERNET
Làm oan phải xin lỗi
Bên cạnh các vụ có dấu hiệu oan, sai, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng thống kê các vụ án đã có kết luận là oan rõ ràng.
Cụ thể, tháng 6-2012, chị Trần Thị Tiểu Minh bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Ngày 8-1-2014, cơ quan điều tra có kết luận điều tra đối với chị Minh. Luật sư đã cung cấp tài liệu chứng minh việc bắt, khởi tố chị Minh là hoàn toàn sai, kết luận điều tra là không chính xác. Đến ngày 28-1-2014, viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình đã ký quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với chị Minh. Sau đó VKSND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức công khai xin lỗi chị Minh.
Một vụ án khác xảy ra tại TP.HCM là vụ của chị Phạm Thị Kim Dung. Ngày 9-7-2014, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố chị Dung, chị Trần Thị Hon, anh Nguyễn Nhật Trường về tội kinh doanh trái phép. Rồi công an ra kết luận điều tra, VKS cũng có cáo trạng truy tố nhưng sau đó vụ án đã được đình chỉ vì không đủ dấu hiệu buộc tội đối với các bị can.
Ủy ban Tư pháp sẽ thẩm định án oan, sai
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho biết: “Việc chúng tôi yêu cầu Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đơn vị liên quan cung cấp thống kê các vụ việc có dấu hiệu oan, sai là góp phần ngăn chặn án oan, sai đáng tiếc xảy ra”.
Bộ Công an khẳng định quyết tâm chống án oan Tại một buổi họp báo thông báo về tình hình an ninh trật tự vừa được Bộ Công an tổ chức, khi các PV hỏi về việc ngăn chặn án oan, xử lý những cán bộ để xảy ra án oan, Trung tướng Trần Trọng Lượng (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an) khẳng định: “Thời gian qua, hàng loạt các vụ án oan gây bức xúc trong dư luận đã được Bộ Công an xử lý nghiêm”. Theo Trung tướng Lượng, để không xảy ra án oan trong ngành công an, Bộ Công an đã có cả những hướng dẫn chỉ thị rất cụ thể như sau: Nghiêm cấm mớm cung, bức cung, dùng nhục hình ép nghi phạm. Tăng cường các lớp học chính trị, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là cán bộ điều tra viên học tập, nắm kỹ luật pháp, tránh để xảy ra sai sót. Hướng dẫn chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiểm tra các vụ án, xử lý cương quyết nếu có dấu hiệu nhục hình, bức cung. Kiện toàn, sắp xếp lại cơ quan điều tra, đồng thời tăng cường phối hợp với VKSND Tối cao, TAND Tối cao sớm phát hiện các vụ việc oan, sai. Nếu thấy có dấu hiệu án oan phải ngay lập tức cho điều tra lại, đồng thời xử lý những cán bộ điều tra viên làm sai. |
Pháp luật TPHCM