Gửi con vào lò luyện “sát thủ”

Chiều thứ bảy mát diụ, tôi ghé nhà “chiến hữu” rủ đi làm vài chai tâm sự chuyện đời. Chỉ có 2 cha con anh Tuấn đang ngồi xem TV có vẻ “bất đắc chí” vì không có ai trông con để rộng cẳng đi chơi.

Tuấn rầu rĩ: “Bên nhà ngoại có việc bận, bà xã tớ phải sang bên đó rồi, giao cho tớ trông coi thằng nhóc ở nhà”. Cậu con trai Tuấn cỡ chừng 12 tuổi đề nghị: “Bố và chú Long bỏ con chơi ở quán Net, khi nào về thì ghé đón con về”. Thấy giải pháp nghe chừng hợp lý, Tuấn liền OK rồi nhanh chóng thay quần áo, khoá cửa rồi cả 2 bố con leo lên xe tôi cùng đi. Thằng nhóc chỉ cho tôi một quán Net cách nhà một quãng, nó leo xuống nài nỉ bố: “Cho con thêm 20 ngàn con nạp thẻ mua khẩu súng mới ra đi bố”. Tuấn vui vẻ móc ra tờ giấy 50 ngàn, dặn con: “Ngồi yên trong đó chơi, khoảng 2 tiếng sau bố đón về nhé”. Thằng nhóc mừng rỡ biến ngay vào trong quán Net đang giờ “tụ hội anh tài”.

Chuyện chỉ có vậy nếu đúng là chuyện giải trí của trẻ em trong giờ nghỉ. Thế nhưng khi tôi và Tuấn quay lại đón con sau chầu lai rai nhẹ nhàng làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều về chuyện thanh thiếu niên và game online bạo lực. Vào quán tìm cháu để gọi về, tôi nhận ngay ra không khí nóng hực của một quán game online, gần như một “ổ tội phạm” với những thanh thiếu niên choai choai ăn bận rất lôi thôi, đầu tóc nhuộm màu, đầu đeo headphone đang say sưa bắn giết nhau trên màn hình vi tính. Không gian ngập tràn những tiếng chửi thề, văng tục và hăm doạ chém giết nhau sặc mùi côn đồ đường phố. Cậu nhóc con của Tuấn ngồi ở một bàn máy gần cuối phòng cũng đang say sưa nổ súng và thốt ra những câu chửi bới tục tằn với đối phương “ảo”, hoàn toàn không còn dáng vẻ của cậu bé ngoan hiền lúc nãy.

 

Sự phát triển của Internet đi kèm theo các dịch vụ giải trí online đã lan tràn khắp ngõ ngách đô thị và làng quê Việt Nam nhờ hệ thống cửa hàng dịch vụ Net, cùng với rất nhiều hệ luỵ mà báo chí nói đến đã rất nhiều. Trong bài này, tôi chỉ muốn nói đến game online, ý thức trách nhiệm của các Công ty phát hành game và các bậc phụ huynh.

 

Trước nhất, game online là loại hình giải trí tương tác, mang tính đối kháng rộng rãi vì kết nối được người chơi trên bất cứ vị trí địa lý nào, đây là điểm hấp dẫn vượt trội để cho người chơi có thể tìm thi đấu với những đối thủ mới nhằm rèn luyện kỹ năng. Đồng thời game online nhằm mục đích bán thêm những trang bị, kỹ thuật, nâng cao khả năng thi đấu cho người chơi nên cũng là nguồn thu lợi nhuận kếch xù của những Công ty phát hành, do đó các Công ty này luôn tìm kiếm những game mới nhất, hấp dẫn nhất để cập nhật vào hệ thống của mình. Đây là quy luật tất yếu trong kinh doanh cho nên tôi không hề có ý phê phán sự phát tài của game online cũng như các Công ty phát hành.

 

Nhưng bên cạnh sự phát triển và cạnh tranh thương mại, không thể bỏ qua ý thức trách nhiệm đối với xã hội khi mà các game hấp dẫn nhất lại là những game thiếu tính giáo dục nhất. Điển hình là toàn bộ các game chiến đấu như Crossfire (của VTC), Special Force (của FPT), Sudden Attack (của Vinagame) hoàn toàn không có ích lợi gì cho người chơi, nhất là đối với thanh thiếu niên. Đã không có tính giáo dục, người chơi lại bị cuốn vào ý thức huỷ diệt đối phương để chiến thắng, trong quá trình chơi dễ nảy sinh sự nóng nảy, tàn bạo, say máu khi việc bắn giết quá đơn giản chỉ bằng cú nhắp chuột. Trong các game trên, duy chỉ có Crossfire đưa ra lời cảnh báo “game dành cho lứa tuổi 16+”, thế nhưng cảnh báo này hoàn toàn không có tác dụng hoặc chỉ mang tính hình thức vì không hề có biện pháp ngăn chận nào khác, chúng ta có thể nhìn thấy hàng chục game thủ lứa tuổi dưới 16 ngồi chơi Crossfire trong bất kỳ quán Net nào.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bên cạnh đó, việc một số phụ huynh vì bận rộn, không có thì giờ trông nom hoặc không thích bỏ thì giờ cùng ngồi quản lý việc học hành của con cái đã phó mặc cho con hay thậm chí đem gởi con vào ngồi các quán Net trong lúc mình bận việc gì đó mà không muốn cháu ở nhà một mình. Họ nghĩ đơn giản: cho con ngồi chơi giải trí như thế là khỏi lo đến những nguy hiểm khác. Họ không hề nghĩ rằng mình đang gởi con vào “những lò luyện sát thủ”. Tôi khẳng định như thế vì các hành vi trong khi chơi những game trên là những hành vi được rèn luyện không sớm thì muộn sẽ trở thành những thói quen ứng xử trong đời thường. Những câu chửi bới, mạt sát đối phương được tuôn ra rất vô thức nhưng đầy mùi máu và vô cùng tục tĩu. Quen miệng và quá phổ biến, kiểu ngôn ngữ này lại được đem ra sử dụng trong khi giải quyết những va chạm thực tế trong sinh hoạt.


Chúng ta thấy rất nhiều tin hàng ngày về các vụ thanh toán lẫn nhau của thanh thiếu niên học sinh trên báo chí gần đây, không ít thì nhiều đều là những điển hình của cách ứng xử có xuất phát điểm là từ game và internet, ngay cả vụ 10 nữ sinh hành hung bạn học và quay cả sự việc bằng ĐTDĐ nhằm tung các clip này lên mạng để thị uy.

Tôi xin phép được đưa ra đây các đề nghị của cá nhân mình sau quá trình kinh doanh cửa hàng dịch vụ Internet:

- Các nhà phát hành game online chấm dứt ngay việc phổ biến các game chiến đấu, bạo lực đẫm máu. Lợi nhuận của qúy vị to lớn thật nhưng không thể hy sinh quyền lợi của cả xã hội. (Trên thực tế, các game này quý vị đều phải trả số tiền rất lớn để mua bản quyền từ các Công ty nước ngoài). Chúng ta hãy tập trung vào các game giải trí nhẹ nhàng như Audition, Hot Step.

-
Bộ Thông tin và Truyền thông hãy hướng các hoạt động dịch vụ Internet vào mục đích truy cập thông tin là chính, bằng cách hạn chế cấp phép phát hành game online. Khi đó số giờ chơi game của thanh thiếu niên tự nhiên sẽ giảm đi. Thay vào đó hãy tổ chức các cuộc thi tìm hiểu thông tin văn hoá xã hội, kiến thức phổ thông nhằm làm cho các em thường xuyên khai thác các thông tin hữu ích trên mạng.

-
Các bậc phụ huynh nên giáo dục con em mình tránh xa các trò chơi bạo lực online. Đừng vì muốn rảnh tay hay tạm an tâm bằng cách mua 1 dàn máy nối mạng tại nhà hay gởi con ngồi chơi trong quán Internet mà không cần biết rằng các trò chơi đó có thể huỷ diệt tương lai các cháu một khi chúng nhiễm cung cách hành xử đầy bạo lực.

Game bạo lực online, tệ nạn qua dịch vụ chat, phim ảnh đồi trụy là các hệ luỵ của Internet mà chúng ta chỉ có thể ngăn chặn, phòng ngừa bằng cách giáo dục con em mình thật tốt để chúng tự nhận thấy tác hại chứ hoàn toàn không có biện pháp ngăn cấm nào hữu hiệu, vì bản thân internet là một hệ thống mở nhằm đem lại ngày càng nhiều tiện ích cho người sử dụng và khả năng cung cấp kiến thức là vô tận đối với người có nhu cầu học hỏi thật sự.

                                                      Vinh Nha Trang

 

LTS Dân trí - Nhiều ông bố bà mẹ chưa vào quán Net bao giờ cho nên không thể hình dung hết tác hại của các “trò chơi” bạo lực online. Đúng như tác giả viết bài trên đã nói lên lời cảnh báo thật sự đáng lưu ý đối với tất cả các ông bố bà mẹ có ý thức trách nhiệm đầy đủ với con mình thì phải tìm mọi cách ngăn chặn những “trò chơi” rất nguy hại đó tiêm nhiễm vào đầu óc non nớt của trẻ thơ rồi đem những trò chơi bạo lực ấy ứng xử đối với bạn bè, với thầy giáo ngoài đời. Chả thế mà gần đây tình trạng bạo lực học đường đã trở thành nỗi lo của nhiều thầy cô giáo cũng như các phụ huynh học sinh.

 

Về mặt quản lý Nhà nước, những cơ quan có trách nhiệm cần nghiêm cấm việc mua bản quyền (của nước ngoài) và phát hành tràn lan những game online bạo lực ở tất cả các quán Net. Đấy là loại “văn hóa rác rưởi” cần ngăn chặn, không cho chúng thâm nhập vào nước ta làm hư hỏng biết bao nhiêu trẻ em do mê mải trò chơi điện tử bạo lực mà trễ nải học tập và tiêm nhiễm cách hành xử mất tính người, trở thành những kẻ côn đồ lúc nào không biết!