Góp phần giải “bài toán vĩ mô” chống lạm phát

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững đang được Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ.

Cuộc trao đổi dưới đây với PGS.TS. Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhằm đi sâu phân tích một số khía cạnh cụ thể được nhiều người quan tâm.

Ngoài những nguyên nhân khiến lạm phát leo thang đã được các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Kết luận của Bộ Chính trị và bài viết của Thủ tướng Chính phủ đề cập, theo ông, còn vấn đề gì cần nhấn mạnh?

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Khi đề cập các nguyên nhân khách quan dẫn tới lạm phát cao, như giá cả quốc tế tăng mạnh hay tác động của thiên tai, trước hết, cần khẳng định tính chất “bất khả kháng”, vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Theo tôi, như vậy thì chưa đủ. Với những nguyên nhân tưởng như hoàn toàn bất khả kháng này, hiện nảy sinh vấn đề là liệu chúng ta có thể chủ động dự báo trước để có những giải pháp phòng chống tích cực? Hay về nguyên tắc, “bó tay” bị động là không thể tránh khỏi?

Kinh nghiệm quốc tế và cả của nước ta đều cho thấy, trước những yếu tố khách quan như trên, nếu lường trước được, dự báo được, từ đó có giải pháp ngăn chặn phù hợp, thì chắc chắn sẽ tránh được những thiệt hại cho nền kinh tế.

Nhưng chính những cơ quan nghiên cứu kinh tế, như Viện của ông, cần phải sớm đưa ra dự báo...

Thời gian qua, Viện chúng tôi cũng đã thực hiện một số công trình nghiên cứu, trong đó có dự báo nhiều vấn đề của nền kinh tế. Trong đó, dự báo được chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng và lạm phát. Khoảng tháng 7-8 năm ngoái, chúng tôi đã từng đề cập khả năng nền kinh tế Việt Nam phải chịu lạm phát 2 chữ số và gợi ý các giải pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, lúc đó, khả năng kiềm chế giá cả còn mạnh; ý kiến của chúng tôi là “thiểu số” nên không được để ý lắm.

Dự báo là một chuyện, có thể đúng, sai, song điều quan trọng là ở chỗ nó cần được kết nối với quá trình hoạch định chính sách, trở thành một khâu bắt buộc trong quy trình công nghệ làm chính sách.

Vậy làm thế nào để có những dự báo kịp thời?

Để thống nhất mục tiêu và phối hợp được các công cụ chính sách, trước hết, những nhà hoạch định chính sách phải có khả năng dự báo tốt. Muốn vậy, bên cạnh sự hiểu biết và nghiên cứu của riêng mình, còn phải tạo ra được sự liên thông, phối hợp với các chuyên gia dự báo trong nước và quốc tế. Cần tham khảo, học tập những dự báo tốt của các nước xung quanh và áp dụng cho phù hợp vào hoàn cảnh của mình. Tương tự như việc thời gian gần đây, chúng ta luôn biết được chính xác hơn, kịp thời hơn các cơn bão sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Đơn giản vì chúng ta cập nhật được những bản tin dự báo bão trong khu vực và trên thế giới.

Ông vừa nói nhiều đến những nguyên nhân khách quan. Vậy nguyên nhân chủ quan dẫn tới lạm phát cần được khắc phục như thế nào?

Trong bài viết của mình, Thủ tướng Chính phủ đã nêu khá đầy đủ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng lạm phát tăng cao. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh nguyên nhân do hiệu quả đầu tư thấp. Trong kinh tế học có chỉ số ICOR (chỉ số phản ánh hiệu quả đầu tư). ICOR càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp.

Trong một thời gian dài và cho đến nay, ICOR của nền kinh tế Việt Nam luôn cao hơn các nước xung quanh. Ta phải dùng gần 5 đơn vị đầu tư mới tạo được một đồng sản phẩm mới, trong khi các nước láng giềng (như Trung Quốc chẳng hạn), chỉ cần 3 - 3,5 đơn vị đầu tư. ICOR chứng tỏ năng suất thấp, sức cạnh tranh kém và cấu trúc kinh tế yếu. Một khi cấu trúc kinh tế yếu, thì sức đề kháng của nền kinh tế cũng yếu. Đó là yếu tố tiềm ẩn lạm phát.

Trong một thời gian dài, chúng ta đã quá chú trọng tới mục tiêu tăng trưởng mà có phần coi nhẹ nhiệm vụ củng cố cấu trúc kinh tế sao cho vững chắc và ổn định vĩ mô. Chính vì sự thiên lệch này nên có tình trạng cả ngân hàng lẫn ngân sách đều “nỗ lực bơm tiền” phục vụ tăng trưởng.

Bên ngân hàng cứ bơm tiền ra cho vay, đẩy mức tăng trưởng tín dụng lên hơn 50%. Bên tài chính cũng vậy, tiền ngân sách đổ ra nhiều, năm nào cũng chịu thâm hụt 5% GDP, kéo dài hàng chục năm. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại thấp. Căn nguyên lạm phát là ở đó. Nguy cơ lạm phát cứ tồn tích, bị “bục” ra trong thời gian gần đây. Rõ ràng, do ý thức chống chưa đúng mức nên để lạm phát tăng như vậy. Thế giới khống chế lạm phát ở mức 2-3%, còn ta trường diễn ở mức 7-8%. Đây là vấn đề đáng quan tâm, phải nhìn nhận nghiêm túc.

Cũng cần nói thêm là lạm phát leo thang còn do áp lực tâm lý của toàn xã hội. Một khi người ta còn lo ngại, chưa tin vào những nỗ lực kiềm chế lạm phát thì dễ dẫn tới tình trạng hùa nhau tung tiền ra để mua vàng, mua đất, mua nhà… tạo nên những cơn sốt ảo.

Theo ông, cần làm gì để phòng chống lạm phát một cách triệt để?

Muốn phòng chống lạm phát triệt để, phải tính đến cái căn gốc gắn với chỉ sốICOR. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy: không nên quá chú trọng vào tăng trưởng mà xem nhẹ ổn định vĩ mô. Có phương hướng, giải pháp rồi, điều quan trọng là phải biết phối hợp đồng bộ các công cụ, các bộ máy chức năng để chống lạm phát.

Có hai nhóm công cụ quan trọng nhất là về tiền tệ và ngân sách, do ngân hàng và tài chính quản lý. Đó là hai luồng tiền chính, quyết định lạm phát và tăng trưởng. Phải dụng công tính toán để bơm ra, thu về đúng lúc, đúng liều lượng. Trong các giải pháp của Chính phủ đang sử dụng, hầu hết đều có tính tình thế cao. Cắt cơn đúng rồi, nhưng không được gây ra các “tai biến” khác.

Xin nêu thí dụ, vừa rồi các tập đoàn, tổng công ty đều cam kết không tăng giá một số mặt hàng quan trọng, Chính phủ thì giao hẹn giữ giá đến giữa năm. Bài toán đặt ra và cần phải tính ngay từ bây giờ là sau thời điểm tháng 6/2008, giá các mặt hàng ấy sẽ thế nào? Liệu có thể kéo dài mãi cách làm “tình thế” nêu trên?

Cứ giữ giá cũ thì chắc chắn các đơn vị kinh tế chủ chốt sẽ bị thua lỗ. Khi đó, ngân sách phải lo bù lỗ cho họ và sẽ phải tốn một lượng tiền không nhỏ. Nếu kiềm chế được lạm phát mà ngân sách lại thâm hụt nặng, phải dùng tiền thuế của dân bù lỗ cho các “ông” ấy, thì thiệt hại vẫn hoàn thiệt hại. Đó là chưa kể những phản ứng “tiêu cực” và hoàn toàn tự nhiên khác trên thị trường. Hậu quả sẽ rất khó lường.

Theo ông, khi nào lạm phát sẽ... trở lại mức bình thường?

Mức bình thường là thế nào? Mỗi nền kinh tế thường phải chấp nhận một mức độ lạm phát nhất định. Theo tôi, năm nay lạm phát ở nước ta dừng lại ở mức 13-15%, được xem là bình thường. Sang năm sẽ khác đi, có thể 8-10% là bình thường. Khi đó sẽ phải tính tiếp. Còn lúc này, chúng ta cần kiềm chế tốc độ tăng lạm phát, không để xảy ra lạm phát phi mã, tạo vòng xoáy. Nhưng cũng đừng quá nóng vội, đừng mong chặn đứng, kéo tụt lạm phát xuống ngay. Điều đó sẽ rất nguy hiểm, như người huyết áp đang cao, nếu tụt xuống quá nhanh rất dễ “tắc tử”.

Có người cho rằng, từ khi ra nhập WTO, luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều, nền kinh tế Việt Namtăng trưởng nóng. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Theo tôi có “nóng”, nhưng chưa đến mức quá lo ngại, bởi kinh tế Việt Nam mới tăng trưởng ở mức 7- 8%/năm. Lạm phát cao phần lớn là do cách điều hành chưa hợp lý. Nay rút ra kinh nghiệm, thận trọng hơn, bài bản hơn thì sẽ làm dịu dần cơn “nóng - khát”.

Môi trường kinh doanh, điều kiện đầu tư ở Việt Nam hiện đã được cải thiện nhiều. Tôi cho rằng, nếu biết tổ chức tốt thì kinh tế tăng trưởng còn cao hơn mức đã đạt hiện nay mà vẫn chưa “nóng”. Về lâu dài, phải nâng cao hiệu quả đầu tư thì mới giữ được tăng trưởng không nóng, lạm phát ở mức thấp. Không nên nhìn vào số lượng dự án đầu tư nhà nước nhiều mà vội mừng. Số dự án ít thì dễ giám sát, dễ bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao. Đó mới là điều cần cho nền kinh tế về dài hạn.

Mới đây, Thủ tướng cũng cho rằng sẽ phải rà soát lại, cắt bỏ những dự án không hiệu quả…

Đấy chỉ là một giải pháp tình thế. Khi dự án đầu tư mới hình thành, còn đang xây dựng trên giấy thì dễ cắt giảm. Đã triển khai rồi mà cắt bỏ ngay là không hề đơn giản. Ví dụ Dự án cầu Thanh Trì (Hà Nội). Dự án này gần như đã xong vài năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa thông xe được do còn mấy trăm mét cầu dẫn đang thi công dở dang. Theo nghĩa tổng thể thì rõ ràng, đây là dự án kém hiệu quả, nhưng không thể cắt bỏ lúc này bởi nếu ngưng lại thì thiệt hại còn lớn hơn.

Chỉ có thể siết chặt kỷ luật tài chính, bắt nhà thầu phải có cam kết về thời hạn hoàn thành và có chế tài nghiêm khắc. Nói như vậy có hàm ý rằng, cần tập trung cắt giảm đầu tư với những dự án kém hiệu quả hoặc chưa cần thiết và những dự án đang trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt.

Theo Quang Đẩu
Đầu tư

LTS Dân trí - Chống lạm phát đang là vấn đề hệ trọng của quốc gia, cũng là vấn đề thời sự nổi bật được nhiều người quan tâm. Bài trả lời phỏng vấn trên đây của PGS.TS Trần Đình Thiên đã góp phần làm sáng tỏ thêm những nguyên nhân sâu xa dẫn tới lạm phát cũng như các biện pháp cơ bản, lâu dài nhằm khắc phục từ gốc tình trạng lạm phát, trong đó phải quan tâm đúng mức công tác dự báo và đặc biệt coi trọng hiệu quả đầu tư (thể hiện ở chỉ số ICOR), cũng như cơ cấu kinh tế và cân đối vĩ mô nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Diễn đàn Dân trí mong tiếp tục nhận được những ý kiến tham gia thảo luận về vấn đề hệ trọng này.