Giáo viên từ chối kiêm nhiệm, hiệu trưởng có quyền đuổi việc không?
(Dân trí) - Một giáo viên bậc THPT đã vào biên chế nhà nước được nhà trường dự định cho kiêm nhiệm thêm một chức danh khác nhưng không muốn nhận nhiệm vụ này và lo ngại sẽ bị đuổi việc. Tuy nhiên, theo Luật Viên chức trong hoạt động nghề nghiệp thì với vi phạm này bạn không thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Báo Dân trí nhận được câu hỏi tư vấn pháp luật của một bạn đọc là giáo viên môn vật lí tại trường THPT.
"Từ năm học 2013-2019 tôi được nhà trường nhận xét là hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các danh hiệu lao động tiên tiến hoặc chiến sĩ thi đua cơ sở tùy năm. Năm học 2019-2020 nhà trường dự định cho tôi kiêm nhiệm thư kí hội đồng trường.
- Tôi có quyền từ chối kiêm nhiệm việc trên không? 2. Nếu tôi không nhận kiêm nhiệm thì có được xem là không hoàn thành nhiệm vụ không?
- Hiệu trưởng có quyền đuổi việc tôi không? Tôi đã vào biên chế nhà nước.
Xin cảm ơn!
Với nội dung câu hỏi của bạn đọc, là một viên chức ngành giáo dục, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: "Hoạt động của một Viên chức được pháp luật điều chỉnh bằng Luật Viên chức năm 2010.
Điều 2 của Luật Viên chức quy định: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
Theo khoản 3 Điều 6 Luật Viên chức về Các nguyên tắc quản lý viên chức có quy định:“Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.”
Theo quy định này được hiểu rằng Hiệu trưởng có quyền sắp xếp, bố trí công việc cho các viên chức mình quản lý sao cho phù hợp với yêu cầu công việc, khả năng chuyên môn của từng viên chức.
Hiệu trưởng phải căn cứ vào quy định Nghị định số 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 08 tháng 05 năm 2012 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập để bố trí việc làm kiêm nhiệm cho Viên chức. Theo đó khoản 1 Điều 2 về Vị trí việc làm và phân loại vị trí việc làm quy định: “Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.”
Phương pháp xác định vị trí việc làmđược quy định tại điều 5 Nghị định số 41/2012/NĐ-CP
- Việc xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo phương pháp tổng hợp.
- Xác định vị trí việc làm theo phương pháp tổng hợp được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa việc phân tích tổ chức, phân tích công việc với thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập và được thực hiện theo các bước cơ bản sau:
- a) Bước 1: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập;
- b) Bước 2: Phân nhóm công việc;
- c) Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng;
- d) Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ viên chức;
đ) Bước 5: Xác định bảng danh mục vị trí việc làm cần thiết của đơn vị sự nghiệp công lập;
- e) Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm;
- g) Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm;
- h) Bước 8: Xác định chức danh nghề nghiệp tương ứng với danh mục vị trí việc làm cần thiết.
Được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 14/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 18 tháng 12 năm 2012 Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nếu Hiệu trưởng đã áp dụng đúng các quy định nêu trên đây xác định bạn đủ điều kiện thực hiện việc làm kiêm nhiệm thì bạn có trách nhiệm phải tuân thủ theo việc sắp xếp đúng quy định pháp luật đó. “Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền” là một trong các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Viên chức về Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
Nếu bạn không nhận kiêm nhiệm khi Hiệu trưởng thực hiện việc xác định vị trí kiêm nhiệm đó đúng quy định thì bạn được xem là không hoàn thành nhiệm vụ. Với vi phạm này bạn không thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức. ( Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CPNghị định quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức).
Xin cảm ơn Luật sư!
Ngọc Hân (thực hiện)