Giáo dục công dân trong thời đại mới

Trả lời phỏng vấn mới đây trên Tuanvietnam, Giáo sư Trần Văn Thọ nói: “…phải dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học xứng đáng là những thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội…”.

Tôi nghĩ rằng, trong tình hình chung hiện nay, một phần quan trọng trong những đòi hỏi trên không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ, mà còn dành cho cả người lớn chúng ta!

 

Cụm từ “GIÁO DỤC CÔNG DÂN” đã có từ rất sớm, bởi ngày đó người ta đã ý thức được rằng: con người, muốn NÊN NGƯỜI, thì ngay từ “tấm bé”, phải được giáo dục tư cách và trách nhiệm CÔNG DÂN. Nhưng tiếc rằng, một thời gian dài vấn đề này bị lãng quên, và gần đây mới được khôi phục. Chính vì sự lãng quên này mà nhiều công dân ngộ nhận: cứ đến tuổi trưởng thành, là nghiễm nhiên mình xứng đáng làm một công dân; là mình có quyền “biết”, quyền “bàn”, quyền “làm” và quyền “kiểm tra”! Chúng ta quên rằng, “biết” mà không có kiến thức, thì chỉ là sự trông thấy bề nổi chứ không rõ thực chất của vấn đề - Biết như thế chẳng thà đừng biết! Cái việc “bàn” và “làm”cũng vậy. Ngồi bàn cái mà mình không biết, thì là bàn vu vơ; nhắm mắt làm cái mà mình không hiểu, là làm liều  – cái sự bàn và làm ấy cuối cùng cũng vô nghĩa, thậm chí còn gây hậu quả đáng tiếc! Đã không biết gì, không bàn được, không làm đúng, thỉ hỏi rằng làm sao có thể “kiểm tra” cái mà người khác làm đây?!.

 

Lấy một thí dụ thường nhật: cụm dân cư nọ được thông báo chủ trương của trên: sẽ quy hoạch lại, chuyển bà con đi nơi khác để mở một con đường thật rộng và kiến thiết mới  một khu nhà ở cao cấp. Hiện trạng khu dân cư này rất kém về cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng vấn đề giao thông, đã có nhiều bất cập: đường thì quá hẹp (chưa đầy ba mét), lại không có hè; từ trong nhà, bước một cái là ra đường… Rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ và người già. Ban đêm không có đèn đường, nên việc đi lại càng thêm phức tạp. Việc quy hoạch lại, rõ ràng là cần thiết. Cấp trên đã có quyết định phê duyệt. Ấy vậy mà khi đưa ra dân bàn thực hiện, lại có người phát biểu: “Chúng tôi nghèo, đi lại toàn bằng xe đạp, không lấy đâu ra ô-tô; nên đường xá như thế này được rồi, không cần mở rộng quá làm gì!”. Hoặc cực đoan vô nguyên tắc: “chúng tôi sống với nhau ở khu dân cư này đến nay đã trên ba chục năm rồi. Cái tình làng nghĩa xóm ấy, không thể tính được bằng tiền. Do đó, chúng tôi sẽ không đi đâu cả; đền bù bao nhiêu cũng không đi!”. Hoặc: “Làm nhà to cho ai mua? Chỉ có bọn tham nhũng mới có tiền mua những căn nhà như thế”… Thế là rùng rùng kéo nhau đi thưa kiện. Tưởng rằng đấy là thực thi quyền công dân, là góp phần “chống tham nhũng”! “Hiệu ứng đám đông” cũng nhiều khi làm người ta ngộ nhận như thế đấy.

 

GIÁO DỤC CÔNG DÂN. Chính vậy! Công dân muốn thực thi quyền lợi và trách nhiệm của mình, trước hết phải được GIÁO DỤC - giáo dục một cách cụ thể từng vấn đề cơ bản nhất như quyền lợi và trách nhiệm, như quan hệ xã hội và pháp luật; nếu không muốn mắc bẫy kẻ xấu, a dua làm những việc sai nguyên tắc, không đúng pháp luật; có thể dẫn đến vô tình  cản trở công việc chung, làm thiệt hại đến lợi ích của nhiều người, thậm chí có khi còn cản trở sự phát triển của xã hội nữa, mà không hay.

 

Trần Huy Thuận
(Nam Định)

 

LTS Dân trí - Muốn nên người trong xã hội mới chính là biết làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân cũng như biết hưởng những quyền lợi chính đáng của người công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Thực hiện quyền dân chủ của người dân cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ đó.

 

Muốn thực hiện quyền dân chủ chính đáng của mình, người nào cũng cần có hiểu biết, cần được giáo dục và tự giáo dục để có suy nghĩ và hành động đúng đắn, không bao giờ sa vào những trạng huống đáng tiếc do thiếu hiểu biết và hành động không tự giác.