Ba phút cùng luật sư:
“Giao dịch tình ái” có làm hợp đồng được không?
(Dân trí) - Hoa hậu Phương Nga đã từng làm dư luận chấn động khi khai ra “hợp đồng tình ái” trị giá hàng chục tỷ đồng tại tòa. Điều mà nhiều cô gái trẻ đẹp lo ngại sau vụ này là liệu “giao dịch tình ái” có làm hợp đồng được không?
Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo điện tử Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ tư vấn chi tiết về tính pháp lý của “hợp đồng tình ái”.
Một bạn đọc thắc mắc là mình có quen một Việt kiều qua mạng xã hội. Ông này đã có gia đình nhưng vẫn đề nghị là sẽ cho bạn này một khoản tiền để mua xe, tiêu xài trong 1 năm với điều kiện là bạn này phải làm bạn gái của ông trong khoảng thời gian này. Nhưng bạn này không tin tưởng lắm nên muốn làm hợp đồng để ràng buộc. Bạn này hỏi hợp đồng này có đảm bảo về mặt pháp lý không, thưa luật sư?
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo Điều 122 BLDS 2005 thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
- Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.
Với thoả thuận như bạn này nêu thì rõ ràng mục đích và nội dung của giao dịch là trái pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội. Vì ông này đang tồn tại hôn nhân hợp pháp với người khác lại đi thỏa thuận với bạn đọc trên theo kiểu “đổi tiền” lấy “tình ái”, là trái luật hôn nhân gia đình và trái với đạo lý. Do đó, hợp đồng này được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127, 128 BLDS 2005.
Nếu bạn này chấp nhận “đổi tình” lấy tiền thì có thể xác định đây là hành vi mua – bán dâm không, thưa luật sư?
Theo giải thích từ ngữ quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 thì: “Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”.
Nếu đúng là có việc dùng tiền để được giao cấu và ngược lại, thì đây là hành vi mua – bán dâm.
Nếu là hành vi mua, bán dâm thì bị xử lý như thế nào thưa luật sư?
Hành vi mua, bán dâm là vi phạm pháp luật. Theo khoản 1 Điều 23 của Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ thì mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm.
Còn theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ thì mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.
Nếu bạn này chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội mua dâm người chưa thành niên” theo Điều 256 BLHS hiện hành.
Theo đó, người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Còn mua dâm trẻ e m từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm...
Nếu bạn đọc này vẫn muốn thực hiện giao dịch “tình ái” với ông Việt kiều trên thì luật sư có lời khuyên nào cho bạn đọc trên không?
Việc bạn vẫn thực hiện giao dịch đó là quyền lựa chọn của bạn. Tuy nhiên, nếu xảy ra tranh chấp hoặc mâu thuẫn giữa các bên thì quyền lợi của bạn khó được bảo vệ như tôi đã phân tích ở trên.
Xin cảm ơn Thư viện Pháp luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)