Giảm học sinh ra đường giờ cao điểm để chống ùn tắc cho Hà Nội
(Dân trí) - Dù đã có nhiều cải thiện về hạ tầng giao thông nhưng do lượng phương tiện cá nhân ra đường giờ cao điểm quá lớn nên tình trạng tắc đường vẫn nan giải. Độc giả Dân trí đã hiến kế giúp Hà Nội thoát tắc.
Hà Nội đang xây dựng nhiều cầu vượt, hầm chui để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Thế nhưng, không ít người dân cho rằng, các điểm ùn tắc không mất đi mà chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Nguyên nhân theo bài phân tích của độc giả Nguyễn Thành Trung do ý thức con người tham gia giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng kém, quản lý chưa đồng bộ, thậm chí do trời mưa...
Tuy nhiên tắc đường là do đông người ra đường cùng thời điểm là nguyên nhân gốc rễ.
Theo nguyên tắc 5W-2H
What (Cái gì): Tắc đường
When (Khi nào): Giờ cao điểm (khoảng sáng 7h00 - 8h30, chiều 17h00 - 19h00)
Where (Ở đâu): Trong vành đai 2-3 thành phố Hà Nội (có thể là các tuyến đường đông trường học)
Who (Ai) : Ai ra đường giờ này (nhân viên công sở, phụ huynh, học sinh...)
Why (Tại sao): Phải đi làm, phải đưa con đi học, đi học
Vậy How (giải quyết thế nào): Đơn giản là giảm số người ra đường vào khung giờ này.
Vậy trong khi các vấn đề hệ thống hạ tầng, phương tiện công cộng , ý thức con người để thay đổi cần rất nhiều thời gian thì tôi đề xuất một số giải pháp trước tiên. Cụ thể:
Ngành Giao thông công chính: Xây dựng hệ thống nhà chờ, vỉa hè cho mọi người đi bộ; Xử lý hệ thống cống rãnh, đọng nước.
Tạo bãi thu gom rác từng khu, tính toán giờ thu gom hợp lý (các xe rác nằm chình ình, thu gom không hợp lý cũng là nguyên nhân tạo nút tắc tương đối).
Đẩy mạnh việc phân làn, kẻ đường, hỗ trợ người đi bộ qua đường.
Đẩy mạnh xử phạt việc đỗ xe, lấn chiếm đường trái quy định.
Tạo luồng một chiều (đặc biệt xung quanh trường học, bệnh viện).
Ngành Công an: Tăng cường xử phạt; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho các cháu đi học, lắp đặt camera.
Ngành giáo dục: Giảm việc đưa con cái đi học vào khung giờ này (trong phạm vi Hà Nội, khu vực tắc).
Việt Nam có khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên. Nghĩa là cứ 5 người có 1 người đi học, cứ 1 người đi học trung bình có 1 phụ huynh đưa đi thì đã là 2/5 dân số ra đường vào thời điểm đó (ở khu vực đó).
Tính toán lại giờ học, đẩy mạnh việc sử dụng xe tuyến của trường (nghiên cứu tuyến đường phù hợp), đi bộ đến trường (có thể tiến đến cấm phương tiện cá nhân đưa đón ở một số trường thuộc khu vực tắc).Tăng thêm lực lượng lái xe, phục vụ đưa đón lại đóng góp cho ngành lao động.
Cấm triệt để học thêm trực tiếp chỉ cho học thêm online (thầy cô vẫn có thu nhập, các con có nhu cầu học vẫn được học). Về mặt cá nhân nhà tôi cũng là thành phần tham gia giờ cao điểm vì việc này.
Xóa hẳn việc học trái tuyến (thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất, tạo mặt bằng chung khá đồng đều thì sẽ dần chấp nhận).
Khuyến khích học sinh tạo các tổ đi bộ theo khu dân cư (không chở con đi học thì số lượng xe ra đường giờ đấy ít đi, mức độ an toàn giao thông tăng lên).
Ngành Thông tin - Truyền thông: Tuyên truyền việc nâng cao ý thức, đi đúng làn đường. Phối kết hợp với nhà trường truyền thông tới học sinh sinh viên. Và quan trọng nhất là đặt KPI cho từng ngành, từng đơn vị.
Chẳng hạn như khu vực tắc đó mục tiêu giảm số vụ tắc trong một tháng cụ thể là bao nhiêu, ai là người đánh giá. Sau đó sẽ làm các giải pháp dài hạn hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng.