Giải pháp "ấm áp"

(Dân trí) - Triền miên cảnh thầy đọc, trò ghi là hình ảnh vừa cũ kỹ vừa buồn bã của mô hình dạy và học trong nhà trường Việt Nam. Bao giờ thoát khỏi "mùa đông" dài này là câu hỏi mà ngành Giáo dục đang cố gắng tìm lời giải đáp.

Và trong khi các hoạch định vẫn còn trong tương lai thì liệu pháp phòng học bộ môn thuộc Dự án phát triển giáo dục THCS II đang được xem là sự "ấm áp" của một niềm hy vọng...

Phòng học bộ môn (PHBM), hiểu một cách nôm na là nơi xếp các thiết bị dạy học theo đúng "bộ" của nó một cách khoa học nhất. Thiết bị dạy học (TBDH) có một chỗ đứng cố định tại lớp học để được sử dụng và bảo quản. Lớp học, TBDH và giáo viên bộ môn không di chuyển, còn học sinh thì di chuyển lớp học theo thời khoá biểu. Mô hình đó chính là mô hình PHBM.

Dạy học theo PHBM là mô hình có từ những năm 50-60 của thế kỷ 20 ở các nước Đông Âu. Các quốc gia như Anh, Mĩ, Trung Quốc, Singapor, Thái Lan... đều triển khai mô hình này ở các mức độ khác nhau. Việt Nam cách đây gần 30 năm cũng đã bắt đầu áp dụng mô hình PHBM, tuy nhiên vì thực thi thiếu quyết tâm nên phương pháp dạy học theo PHBM chỉ tồn tại hết sức leo lét.

Năm 2003, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Dự án phát triển giáo dục THCS phối hợp với các Vụ chức năng của Bộ đã chỉ đạo thí điểm "Dạy học theo phòng học bộ môn" tại một số trường THCS thuộc tỉnh Hà Tây, đến nay đã mở rộng thí điểm thêm tại 7 tỉnh nữa là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Lâm Đồng. Chỉ sau 2 năm triển khai, dạy học theo hướng PHBM đã và đang trở thành nhu cầu của các trường THCS nhằm khai thác có hiệu quả thiết bị đồ dùng dạy học.

Trong điều kiện hiện nay của VN hoàn toàn cho phép các trường THCS trong cả nước từng bước triển khai dạy học theo PHBM. Trường THCS Kỳ Tân, một trường miền núi "chảo lửa túi mưa" của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng mạnh dạn áp dụng dạy học theo PHBM và kết quả học tập của học sinh đã chuyển biến rõ rệt.

Rõ ràng mọi hy vọng đều đang nằm trong tầm tay. Và trong rất nhiều các công việc phải làm, rất nhiều các mục tiêu phải phấn đấu của ngành Giáo dục thì giải pháp dạy học theo PHBM của Dự án phát triển GD THCS II đã góp một phần không nhỏ bằng nỗ lực xoá "chay".

Lê Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm