Hà Nội:
Gia đình cựu chiến binh điêu đứng vì quyết định trái luật của huyện Từ Liêm
(Dân trí) - Là chủ sở hữu nhiều năm lô đất 595m2 tại Cổ Nhuế, được huyện Từ Liêm cấp sổ đỏ từ năm 2005. Nhưng đến cuối năm 2008, UBND huyện bất ngờ ra quyết định thu hồi sổ đỏ đối với ông Nguyễn Hữu Thược do nhận được đơn khiếu nại của em trai ông Thược.
Theo nội dung đơn kêu cứu của ông Nguyễn Hữu Thược, bố đẻ ông là cụ Nguyễn Hữu Khôi (hay còn gọi là Phác) có để lại một số tài sản cho 2 con trai Nguyễn Hữu Thược - Nguyễn Hữu Xuân, tất cả chỉ được phân chia bằng miệng không có di chúc. Cụ thể, kể từ năm 1986, ông Thược là con trưởng được giao quản lý mảnh đất rộng 595m2 có nhà thờ hương hỏa tại số 7 ngách 401/41/37 xóm 17, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Xuân là con thứ sử dụng mảnh vườn rộng 240m2 cũng ở xóm 17, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. Sau khi ông Nguyễn Hữu Khôi qua đời, năm 1998 ông Xuân đã chuyển ra làm nhà ở riêng trên mảnh đất 240m2.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông Nguyễn Hữu Thược và Nguyễn Hữu Xuân không hề xảy ra tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Do nhà cũ xuống cấp, năm 2008, ông Nguyễn Hữu Thược quyết định phá gần 30m2 công trình phụ để xây nhà 2 tầng cho hai con gái bị nhiễm chất độc da cam có thêm diện tích sinh hoạt. Cũng tại thời điểm này, em trai ông Thược là Nguyễn Hữu Xuân làm đơn khiếu nại UBND huyện Từ Liêm đề nghị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất với ông Nguyễn Hữu Thược với lý do: Ông Nguyễn Hữu Thược tự ý làm giấy thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất không được sự đồng thuận của người có liên quan, với các chữ ký không đúng là chữ ký của người có liên quan (cụ thể là ông Nguyễn Hữu Xuân là em ruột thừa kế).
Ngày 4/12/2008, UBND huyện Từ Liêm ra Quyết định số 5614/QĐ-UBND thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất rộng 595m2 cấp cho ông Nguyễn Hữu Thược ngày 30/12/2005 với lý do: Ông Nguyễn Hữu Thược tự ý làm giấy thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất không được sự đồng thuận của người có liên quan, với các chữ ký không đúng là chữ ký của người có liên quan (cụ thể là ông Nguyễn Hữu Xuân là em ruột thừa kế). Điều bất cập là phải 1 tháng sau khi UBND huyện Từ Liêm ra quyết định thu hồi, gia đình ông Thược mới nhận được quyết định thu hồi bản photocopy từ một đại diện thôn 17, xã Cổ Nhuế. Kể từ đó đến nay, gia Đình ông Thược vẫn chưa nhận được Quyết định chính thức từ UBND huyện Từ Liêm, dù ông là người có quyền lợi liên quan trực tiếp trên lô đất 595m2.
UBND huyện Từ Liêm quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 595m2 của ông Thược, nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất rộng 240m2 của ông Xuân vẫn được giữ nguyên, dù cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất đều được thực hiện dựa trên một phần biên bản phân chia tài sản lập năm 2003. Trong biên bản xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 595m2 lập năm 2005, các thành viên ghi rõ “đất sử dụng ổn định lâu năm” và tán thành ý kiến 100%. Tại tờ trích lục bản đồ địa chính xã Cổ Nhuế cấp ngày 15/6/2012 cũng ghi rõ tên chủ sở hữu lô đất 595m2 là ông Nguyễn Hữu Khôi, sau đó là tên ông Thược kể từ năm 1994. Hàng năm, ông Thược vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định nhà nước.
Sau khi ông Nguyễn Hữu Thược làm đơn kháng cáo, tại bản án Phúc thẩm số 65/2012/DS-PT ngày 12/4/2012 của TAND Tối cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử quyết định hủy bản án sơ thẩm số 42/2011/DS-ST ngày 13/9/2011 của TAND TP. Hà Nội do có mâu thuẫn, chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Trong lúc vụ án chưa xét xử lại, ngày 1/6/2016, ông Nguyễn Hữu Xuân dẫn hơn 20 người lạ mặt mang theo xà beng, cuốc, búa tạ vào đào sân, xây tường trên diện tích đất đang có tranh chấp và do gia đình ông Nguyễn Hữu Thược sử dụng suốt nhiều năm qua. Việc xây dựng trái pháp của ông Nguyễn Hữu Xuân này đã được ghi rõ trong biên bản xử lý vi phạm hành chính của UBND xã Cổ Nhuế ngày 4/6/2012 và biên bản tạm giữ tang vật ngày 5/6/2012.
Đến tháng 7/2012, ông Nguyễn Hữu Xuân lại ngang nhiên sửa chữa ngôi nhà cũ trên diện tích 595m2 mà gia đình ông Nguyễn Hữu Thược sử dụng nhiều năm qua, trong khi tòa án thụ lý vẫn chưa xét xử lại vụ án. UBND xã Cổ Nhuế cũng biết rõ việc này nhưng hoàn toàn không có biện pháp xử lý, hoặc ngăn chặn. Thông qua lá đơn kêu cứu, ông Nguyễn Hữu Thược, một cựu chiến binh có 20 năm vào sinh ra tử mong mỏi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra đảm bảo danh dự, quyền lợi của gia đình ông trên phần tài sản hợp pháp do bố mẹ để lại.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ngọc Cương