Hà Nội:

Gần 100 hộ dân hoang mang trước thông tin “mất nhà”

(Dân trí) - Bất ngờ và hoang mang trước thông tin UBND phường Tứ Liên, quận Tây Hồ sẽ tổ chức cưỡng chế giải tỏa thu hồi khu đất tại ngách 35, ngõ 76 Tứ Liên, 78 hộ dân sinh sống ở đây hoang mang, liên tiếp làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.

Gần 100 hộ dân hoang mang trước thông tin “mất nhà” - 1
Các hộ dân cho rằng khu đất bà UBND phường sắp cưỡng chế
được sử dụng ổn định từ trước năm 1993.
 
Theo đơn phản ánh của các hộ dân, nguồn gốc đất của họ là do các ông bà Hoàng Kim Thông, Hoàng Kim Thìn, Phạm Thị Nguyệt khai hoang (hơn 3.000m2 đất) từ những năm 1983 – 1984. Đến năm 1993, họ đóng thuế nông nghiệp cho Nhà nước. Đến năm 1994, các hộ gia đình trên bắt đầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ dân khác.

Trong số 78 hộ gia đình hiện nay có 7 hộ gia đình là thương bệnh binh. Sau này, nhiều hộ dân được UBND phường Tứ Liên cho chuyển từ đóng thuế đất nông nghiệp sang đóng thuế nhà đất. Hiện các hộ dân vẫn còn giữ giấy chuyển nhượng đất (viết tay), biên lai thu thuế nhà, đất...

Đang sinh sống ổn định, mới đây các hộ dân vô cùng hoang mang trước việc UBND phường liên tục dán những tờ thông báo cưỡng chế trên bờ tường, bảng tin dọc đường Nước Phần Lan (đi qua mảnh đất 78 hộ dân).

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân, ngày 6/9/2011, UBND quận Tây Hồ có Công văn số 113/PCC-VP do ông Đinh Trọng Sơn, Phó chủ tịch quận ký giao cho Công an quận điều tra. Trong khi vụ việc đang chờ Công an quận điều tra, giải quyết thì không hiểu vì sao UBND phường Tứ Liên lại vội vàng ra quyết định cưỡng chế.

Anh Bùi Xuân Huế có nhà đất ở khu vực này cho biết: “Năm 1994, vợ chồng tôi được ông Hoàng Kim Thìn chuyển nhượng cho 160m2 đất. Từ đó đến nay tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Nếu Nhà nước thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh thì gia đình tôi hoàn toàn đồng ý nhưng ở đây UBND phường lại không nêu rõ mục đích sử dụng sau này. Chúng tôi cảm thấy có sự khuất tất trong việc thu hồi”.

Ngoài ra, các hộ dân kiến nghị việc ra thông báo cưỡng chế của UBND phường lại thiếu tính công bằng, thiếu tính nhân văn. Bởi, toàn bộ khu đất hai bên đường ngách 35 trước đây là một khu liền kề, sau này Nhà nước mở con đường Nước Phần Lan, khu đất mới tách ra làm hai.

Nhưng khi ra quyết định cưỡng chế, UBND phường lại chỉ thực hiện ở phía bên đường giáp sông Hồng. Hơn nữa, cũng trên một đoạn đường các hộ dân đều có nguồn gốc đất sử dụng như nhau nhưng UBND phường lại cưỡng chế 2/3 con đường (!?). Trước khi cưỡng chế, UBND phường cũng không tính đến phương án đền bù, di dời, tái định cư cho 78 hộ dân. Nếu tiến hành cưỡng chế thì 78 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu không biết đi đâu, ở đâu.

Tại Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 16/11/2011 của UBND phường Tứ Liên về giải quyết khiếu nại của người dân cho rằng: Diện tích đất các hộ dân đang sử dụng thuộc khu vực bãi thải nằm trong diện tích đất công. Theo UBND phường, các hộ dân đã có hành vi chiếm đất công, sử dụng không đúng mục đích.

Tuy nhiên, nếu nói đây là đất lấn chiếm thì tại sao trong một thời gian dài UBND phường vẫn “làm ngơ” cho việc xây dựng hàng loạt nhà kiên cố tại đây?.

Theo hồ sơ vụ việc, bắt đầu từ tháng 8 năm 1993, UBND xã Yên Phụ (nay là phường Tứ Liên) bắt đầu thu thuế nông nghiệp với khu đất trên. Sau này, Chi cục thuế quận Tây Hồ vẫn tiến hành thu thuế nhà, đất đối với diện tích trên. Đến năm 2011, việc thu thuế nhà, đất mới bị tạm dừng.

Trước thông tin nhà mình sắp bị cưỡng chế, hiện tại 78 hộ dân phải nghỉ việc ở nhà túc trực để bảo vệ nhà cửa, tài sản. Sự việc trên gây nên tình trạng hoang mang, bất ổn, mất an ninh trật tự trên địa bàn... cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ.
 

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Việc xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được căn cứ vào ngày tháng năm sử dụng và mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau: a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất...”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, biên lai nộp thuế từ ngày 20/8/1993 (riêng hộ ông Thìn) là một trong những căn cứ chứng minh nguồn gốc đất và điều kiện để chính quyền cấp “sổ đỏ” cho người dân.

Vũ Văn Tiến – Thu Hà