Gã cha dượng đánh đập dã man bé trai 5 tuổi có thể đối diện hình phạt nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Một đoạn clip dài khoảng hơn 4 phút ghi lại cảnh một người đàn ông đang bạo hành, đánh đập một bé trai tại nhà được đăng tải trên mạng xã hội tối ngày 4/8 khiến mạng xã hội căm phẫn.

Theo hình ảnh trong đoạn clip, bé trai hơn 5 tuổi bị người đàn ông dùng tay và chân liên tục đánh đập, quăng quật trên nền nhà, người này còn chửi bới đe dọa bé trai. Mặc dù nạn nhân khóc lóc van xin nhưng người này vẫn không dừng lại, tiếp tục đánh bé khiến người xem vô cùng phẫn nộ.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, sự việc xảy ra tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, Công an phường Bình Chuẩn đã đến hiện trường để xử lý, đồng thời tiến hành tạm giữ đối tượng.

Tại cơ quan công an, đối tượng có hành vi bạo hành trẻ em trên được xác định là Lê Hoài N. (SN 1992, ngụ TPHCM, tạm trú tại Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).

N. sống chung như vợ chồng với một phụ nữ tại phường Bình Chuẩn, bé trai là con ruột của người phụ nữ sống chung với N.

Gã cha dượng đánh đập dã man bé trai 5 tuổi có thể đối diện hình phạt nào? - 1

Người đàn ông đang đánh đập cháu bé.

Trẻ em vốn là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Để bảo vệ trẻ em, Nhà nước đã đặt ra rất nhiều quy định để đảm bảo trẻ em được lớn lên trong môi trường tốt nhất. Từ đó, tạo ra những chủ nhân tương lai mới cho xã hội.

Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn xảy ra mà pháp luật không thể len lỏi được vào từng góc khuất của cuộc sống. Những vụ bạo hành trẻ em chỉ được xử lý khi có tin báo, khi cộng đồng mạng vào cuộc. Vậy nên việc kiểm soát bạo hành trẻ em là một việc khó khăn.

Bạo hành trẻ em sẽ phải đối mặt với mức án như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Công ty Luật TNHH LSX) cho biết: Theo quy định tại Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016; bạo hành trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm phạm sức khỏe, thân thể; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành những hoạt động điều tra để xác định hành vi phạm tội của người hành hạ, mức độ thương tích, độ tuổi của người bị hành hạ để từ đó xác định hành vi phạm tội. Khi đủ căn cứ cơ quan tố tụng trong vụ án này có thể xác định hành vi phạm tội của người này thuộc hành vi hành hạ trẻ em theo khoản 2 điều 140 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 1-3 năm.

Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội hành hạ người khác theo Bộ luật hình sự 2015 như sau:

"1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

3.a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

Về hành vi: Có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình, cụ thể là: Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.

Tuy nhiên việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe.

Một điểm khác cần chú ý là việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định. Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội về quan hệ xã hội, công tác hoặc về tôn giáo.

Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến sức khỏe của người khác (gồm sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần). Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Theo Luật sư Nghĩa, hiện tại, do chưa có thêm thông tin gì về tỉ lệ phần trăm thương tích của em bé trong đoạn clip; khả năng cao người đàn ông trong clip trên chỉ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng do hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.