Ba phút cùng luật sư:

Đừng nhầm tưởng hành hạ con đẻ không bị xử lý hình sự!

(Dân trí) - Nhiều người nhầm tưởng là con mình thì mình hành hạ, đánh đập như thế nào cũng được. Theo luật sư, pháp luật Việt Nam có điều khoản quy định tội danh hành hạ thành viên trong gia đình và người có hành vi hành hạ con mình có thể bị truy tố hình sự.

Thời gian qua trên mạng xã hội có xuất hiện clip bà mẹ trẻ đánh đập con mình bất chấp đứa trẻ khóc lóc van xin thảm thiết. Theo luật sư, hành vi này hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đứa trẻ. Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh - cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ chia sẻ kĩ hơn các tội danh và mức xử phạt đối với hành vi này.

Bố mẹ đẻ hành hạ con mình dã man có thể bị truy tố hình sự

Vừa qua xuất hiện clip có hình ảnh của một người mẹ ở quận 7 có hành vi liên tục tát vào mặt bé gái được cho là con gái của người phụ nữ này. Khi bé gái ngã xuống đất, người phụ nữ vẫn tiếp tục dùng chân dí, đạp vào cổ mặt bé, miệng luôn mắng nhiếc mặc cháu bé la hét van xin. Hành vi này có vi phạm pháp luật không và sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Những hành vi nêu trên là hành vi hành hạ con. Đây không chỉ là hành vi trái đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra hành vi ngược đãi con của người mẹ này. Nếu hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội ngượi đãi, hành hạ con theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Nếu hành vi ngược đãi này chưa gây ra hậu quả thì người mẹ này có thể bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng về hành vi hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình quy định tại khoản 1 Điều 50 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.

Theo luật sư, hành vi hành hạ con hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đứa trẻ
Theo luật sư, hành vi hành hạ con hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đứa trẻ

Trong vụ việc này, thông tin từ clip cho thấy người mẹ đang nuôi con và người cha phải gửi chu cấp hàng tháng. Khi xảy ra vụ việc như thế này thì người cha có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của người mẹ này không?

Trong trường hợp này thì người cha có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của người mẹ đối với con của mình, theo quy định tại Điều 86 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Theo đó, trong trường hợp người mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con mình thì người cha thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho cháu bé theo quy định tại Điều 87 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Trong trường hợp cha, mẹ cháu bé chưa đăng ký kết hôn và trong giấy khai sinh chỉ có tên mẹ. Thì người cha phải làm gì để nhận con?

Ở đây chia thành 2 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Nếu người mẹ đồng ý cho người cha nhận con thì người cha có thể đăng ký nhận con tại UBND cấp xã, nếu người cha là công dân Việt Nam ở trong nước; hoặc cấp huyện, nếu người cha là Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoặc là người nước ngoài/người không quốc tịch.

Trường hợp thứ hai: Người mẹ không đồng ý cho người cha nhận con thì người cha có thể khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp việc xác định con theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trong quá trình giải quyết vụ án nếu người mẹ thừa nhận, hoặc người cha có chứng cứ chứng minh mình là cha của cháu bé thì Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện xác định con.

Xin cảm ơn Thư viện Pháp luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)