Đùng một cái có nề nếp
Tôi giữ lệ đều đặn: trừ khi có việc phải đi xa, hễ ở HN thì sáng nào cũng đi bộ ít nhất một vòng Hồ Gươm. Tôi giữ cái lệ ấy kể cả ngày mồng một tết… Có một điều nhiều năm nay đã diễn ra mà thử giải thích vì sao vẫn chưa giải thích được:
Câu hỏi 1: Vì sao cứ sau đêm lễ hội, sáng ra Hồ Gươm lại đầy rác, trừ mấy ngày Tết Nguyên đán?
Cứ sau đêm Giao thừa năm mới Tết Tây, đêm Noel, lễ Quốc khánh, lễ hội và đặc biệt là đại lễ mừng 1.000 năm Thăng Long vừa qua là rác rưởi lại ngập đường. Người ta xả rác vô tội vạ. Vứt khắp đường đi lối lại, bụi cây, bãi cỏ, quăng cả xuống hồ. Riêng đêm Giao thừa Tết Nguyên đán và sớm mồng một Tết, hầu như không thấy các đống rác quanh hồ.
Sáng mồng một rồi cả mấy ngày Tết, Bờ Hồ vắng tanh. Các cụ ông đội mũ phớt quàng khăn len chống gây du Xuân. Các cụ bà trùm khăn nhung đeo chuỗi hạt, vận áo dài hẹn nhau ra thắp hương ngoài Đền Ngọc Sơn, chào nhau chúc nhau rôm rả. Cái không khí Hà Nội xưa sống lại. Đường phố tĩnh lặng trong sương. Không một tiếng loa ồn ào, không tiếng ồn xe cộ. Rác thải biến mất tiêu, rác tiếng ồn cũng lặn đâu cả.
Câu hỏi 2: Vì sao ngày Tết Hà Nội vắng thế mà khi thấy đèn đỏ, xe cộ vẫn dừng lại, không ai vượt đèn đỏ như thường thấy trong ngày thường?
Thuở nhỏ, đi đường Hà Nội, thấy đèn xanh đèn đỏ, bấy giờ chỉ là một cái hộp đèn vuông bốn cạnh treo bằng dây cáp ở giữa ngã tư ngã năm một số phố chính. Cả thành phố lúc ấy có chừng vài trăm cái xe máy, mô tô. Vậy mà ai nấy đều tuân thủ luật lệ răm rắp. Đi xe đạp hàng ba là bị tuýt còi phạt liền. Xe đạp từ trong ngõ ra là phải dắt. Thấy đèn đỏ thì dù chẳng có ma nào trên phố cũng phải dừng chờ cho đến lúc đèn xanh mới được qua.
Sau 12 h còi Nhà hát Lớn hú mấy hồi, học trò, cán bộ đạp xe, đi bộ về nhà ăn cơm nghỉ trưa, đường phố vắng tanh, trưa Hè vang tiếng ve ngân. Hà Nội ngăn nắp, vắng lặng và trật tự, yên bình...
Sau cái “thời đạn bom” rồi hết đạn bom, “một thời hòa bình”, Hà Nội đã thay đổi hẳn. Mọi luật lệ cũ cứ dần dần biến đâu mất cả dù rằng luật vẫn hiện tồn. Dân chúng xô bồ, xe cộ như nêm như cối. Sống tự do, đi trên đường cái mà cứ như trên trên bờ đê ngõ xóm. Chẳng theo luật lệ, chẳng ai nhường ai. Rồi bây giờ thì mặc đèn đỏ đèn xanh, cứ thấy vắng bóng cảnh sát tuýt còi hay rình ở gốc cây là đèn đỏ cũng vượt. Lại nảy nòi ra một lũ ranh con nhuộm tóc đỏ tóc xanh, đầu trọc lốc, bất chấp mọi luật lệ trên đời. Hễ cảnh sát lơ là một chút là tụ tập đua xe ầm ỹ thấy mà khiếp.
Lạ thay, đùng một cái. Tết đến, thế là cái Hà Nội xưa hình như nó lại hiện về. Giao thông ngăn nắp, chẳng thấy ai vượt đèn, chẳng thấy dứa nào tụ tập đua xe.
Thế đấy! Biết giải thích cái hiện tượng “Đùng một cái trật tự giao thông quay về nề nếp” của Hà Nội những ngày đầu năm ra sao nhỉ?
Câu hỏi 3: Vì sao Hà Nội không đốt pháo mà ở ở tỉnh xa, có nhà đốt hàng triệu?
Chỉ mấy câu hỏi ấy thôi. Lý giải nguyên nhân kiểu gì cũng xong nhưng cũng khó mà tìm ra được cái cốt lõi của nó.
Tôi không muốn đổ lỗi cho mọi thói xấu tật hư, mọi cái xô bồ đều do người nhập cư rước vào Hà Nội. Tôi hiểu rằng cái văn hóa cổ truyền đầy giá trị và cũng lắm hạn chế của dân ta nó có cốt lõi ở nông thôn và trong đời sống của nông dân. Hà Nội xưa cũng là nông thôn, người Hà Nội xưa cũng là nông dân mà thành cả thôi.
Tôi không mong Hà Nội của tôi và của chúng ta lùi lại cả thế kỷ để đổi lại cái thanh bình, cái an nhàn, cái nề nếp cổ truyền kiểu cũ kèm theo thói quen lạc hậu cổ hủ. Tôi mong Thủ đô của chúng ta phải ngày càng “Đàng hoàng hơn to đẹp hơn”. Vâng phải “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” chứ không chỉ “to hơn”.
Theo Vũ Thế Long
Thể thao & Văn hóa