Bạn đọc viết:
Đừng để Luật Giao dịch điện tử sửa đổi vênh với các luật khác
(Dân trí) - Luật Giao dịch điện tử là dự án luật rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi xu thế thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử là tất yếu và sẽ chiếm ưu thế trong tương lai gần.
Để góp phần hoàn thiện dự án luật quan trọng này, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, dự thảo luật dự kiến quy định phạm vi điều chỉnh: "1. Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. 2. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp Luật khác không quy định thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó".
Theo đó, dự thảo luật dự kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, trong đó lược bỏ nội dung loại trừ áp dụng đối với các trường hợp "cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá trị khác".
Tuy nhiên, theo quy định của luật chuyên ngành thì một số nội dung, thủ tục về hộ tịch, công chứng cần phải thực hiện ngay tại cơ quan, tổ chức như Điều 44, Luật Công chứng năm 2014 quy định: "1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này...";
Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thủ tục đăng ký kết hôn: "1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn... Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ".
Vì vậy, tôi cho rằng, nên xem xét quy định theo hướng các giao dịch mà các luật chuyên ngành quy định phải được xác lập thực hiện dưới một hình thức nhất định thì thực hiện theo quy định đó; hoặc quy định một số giao dịch không áp dụng luật này như quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Thứ hai, tại khoản 6 Điều 8 dự thảo luật có quy định: "Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử" và Điều 47 dự thảo luật quy định về tài khoản giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, tại Điều 3 về giải thích từ ngữ chưa giải thích khái niệm về tài khoản giao dịch điện tử. Vì vậy, đề nghị rà soát bổ sung quy định về giải thích khái niệm "tài khoản giao dịch điện tử".
Thứ ba, về giá trị pháp lý được quy định ở các điều khác nhau (Điều 10. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; Điều 12. Giá trị như bản gốc của thông điệp dữ liệu; Điều 13. Giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu; Điều 25. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử; Điều 35. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử...) tôi cho rằng cần xem xét quy định chung tại một điều luật để đảm bảo tính thống nhất.
Thứ tư, các hành vi gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ, chữ ký số công cộng, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng là hành vi cần được nghiêm cấm trong giao dịch điện tử.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các hành vi gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ, chữ ký số công cộng, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Điều 8 dự thảo luật cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất.
Thứ năm, tại Điều 38 dự thảo luật quy định việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trên môi trường điện tử được thực hiện theo quy định tại các điều 16, 17, 18, 19 và 20. Tuy nhiên, Điều 16 dự thảo luật quy định về người khởi tạo thông điệp dữ liệu. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh quy định tại Điều 38 dự thảo luật cho phù hợp.
ThS Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum