“Đồng môn” hay là chuyện đời?

(Dân trí) - Ra về, lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn khó diễn tả. Buồn không được lãnh đạo duyệt cho đi thì ít, mà buồn về cách cư sử lạnh lùng của người tự nhận là “đồng môn” năm xưa thì nhiều... Và nỗi buồn ấy còn đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm sau đó.

Ông giám đốc công ty (vốn trước là trưởng phòng xây dựng cơ bản, xếp cũ của tôi) dẫn tôi sang phòng bên, để làm việc trực tiếp với người phó mới của ông. Đó là một kỹ sư trẻ, mới học trường Nguyễn Ái Quốc về, mới lấy vợ, mới được bầu vào cấp ủy địa phương và mới được đề bạt về đây cho có điều kiện phấn đấu, rèn luyện từ cơ sở. Khi sang đến nơi, ông giám đốc chỉ vừa mới định giới thiệu để tôi làm quen, thì anh đã đứng ngay dậy, rối rít kéo ghế mời mọi người ngồi, rồi đon đả:

- Mời thủ trưởng và các đồng chí ngồi!

Anh nhìn tôi một lát như để khẳng định điều gì đó, rồi bỗng nói một câu làm tôi sững sờ cả người:

- Dạ báo cáo thủ trưởng, em với anh Thuận đây vốn là ... đồng môn ạ!

Tôi nhìn anh, cố tìm một nét thân quen ngày thơ ấu... nhưng tuyệt nhiên không mảy may nhận ra một dấu hiệu gì của hình ảnh thuở học trò xưa cũ. Thấy tôi tỏ ra ngỡ ngàng, anh nói tiếp, một câu nói đã làm tôi vô cùng cảm động, không chỉ giây phút ấy, mà mãi mãi nhiều năm sau:

- Anh Thuận ơi, tôi với anh cùng học một trường. Anh là lớp học sinh lớn, em là lớp học sinh nhỏ, anh không chơi với em, nhưng em biết anh!

Sau này, tôi biết anh nói như thế là hoàn toàn nhầm! Ba cái nhầm.

Thứ nhất, ngày xưa anh học trường tiểu học Vườn Dâu, tôi học Nguyễn Trường Tộ. Thứ hai, sau khi không đậu vào trường trung học Nguyễn Khuyến, anh lên Hà Nội và được người anh rể xin cho làm công nhân nhà máy đèn. Thứ ba, tôi không phải là "lớp học sinh lớn", anh là "lớp học sinh nhỏ" như anh đã nói, bởi khi đọc lý lịch ứng cử viên của anh trong một lần bầu cử, tôi phát hiện anh còn sinh trước tôi một năm!

Nhưng đó là ba cái nhầm đáng yêu, thậm chí đáng trân trọng. Nó thể hiện anh là một con người giản dị, khiêm tốn, trọng nghĩa trọng tình!..Trở về cơ quan, gặp ai tôi cũng khoe chuyện gặp anh hôm ấy,không ngớt lời ca ngợi anh: một người có học, có văn hóa, rất xứng đáng với sự lựa chọn và tín nhiệm của cấp trên đồng thời là niềm hy vọng to lớn của nhân dân.

Bẵng đi vài năm sau, khi đất nước đã thống nhất, tôi được cơ quan phân công làm thủ tục đưa một nhóm kỹ sư đi tham quan, học hỏi ở mấy tỉnh thành phía Nam. Hồ sơ đã được cấp Ty phê duyệt, tôi mang lên tỉnh nộp. Tại đấy, tôi được đồng chí phó văn phòng, vốn là chỗ quen biết, xem qua tờ trình rồi bảo:

- Thôi, chỗ người cùng ngành trước đây cả, cậu mang thẳng sang trình bày, khỏi qua chúng mình!

Tôi vốn là người trọng nguyên tắc, lại ngại gặp lãnh đạo (mặc dù "lãnh đạo" lúc này chính là người đã từng nhận nhầm tôi là "đồng môn", là "lớp học sinh lớn", là "anh không chơi với em nhưng em biết anh") nên cứ năn nỉ nhờ các đồng chí đó giúp theo thông lệ. Cuối cùng, người ta đưa ra "phương án" dung hòa: cả tôi và anh thư ký vụ cùng đi. Đến thế thì tôi không thể không chấp nhận.

Cửa phòng lãnh đạo khép hờ. Sau khi gõ cửa, tôi nghe vọng ra một giọng nhỏ nhẹ nhưng rất vang:

- Vào đi!

Chúng tôi mở to cửa, bước vào. Lãnh đạo đưa mắt nhìn lướt qua mặt tôi, rồi quay luôn hỏi anh thư ký vụ, tuyệt không hề bảo chúng tôi hãy kéo ghế ngồi xuống:

- Có việc gì đấy?

-Dạ thưa anh! Bên cơ quan ... đồng chí Thuận đây, có tờ trình xin đi công tác mấy tỉnh thành phía Nam.

Trong lúc chờ đợi, để khỏi mỏi chân, tôi tự kéo lấy một cái ghế để ngồi, trong phòng có rất nhiều ghế trống. Nhưng tôi đã làm một việc thừa, bởi chả cần đợi lâu, chả cần xem nội dung tờ trình đã được cấp cơ sở phê duyệt, anh "lãnh đạo" trẻ đã trả lời thẳng thừng:

- Cơ quan đó chưa cần đi lúc này, để dịp khác!

Người cán bộ văn phòng dẫn tôi, liếc mắt ra hiệu bảo tôi hãy trình bày mà xin lãnh đạo đi. Tôi lại nghĩ khác, lãnh đạo nói thế là lãnh đạo đã quá hiểu về chức năng nhiệm vụ của cơ quan tôi rồi, nên trình bày cũng bằng thừa. Thế là tôi đứng dậy, và hỏi ngược lại, đương nhiên là với người cùng đi:

- Xong chưa đồng chí?

Biết tôi không muốn cò kèo, anh trả lời: "xong rồi". Tôi nói tiếp: "ta về thôi đồng chí!".

Ra về, lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn khó diễn tả. Buồn không được lãnh đạo duyệt cho đi thì ít, mà buồn về cách cư sử lạnh lùng của người tự nhận là “đồng môn” năm xưa thì nhiều... Và nỗi buồn ấy còn đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm sau đó.

Sau này, mỗi khi nhớ lại hai cái lần gặp anh "đồng môn" kể trên, tôi cứ tự huyễn hoặc mình: giá như lần gặp thứ hai, anh không cần vồn vã, khiêm tốn kéo ghế mời tôi, nhận tôi là bạn học cũ, mà chỉ cần hất hàm buông một câu, một câu thôi, chẳng hạn như: "Thuận đấy à (mà có quên tên thì "cậu gì đấy à", cũng được đi!), có việc gì đấy?" - Một câu ngắn gọn hơn rất nhiều, so với cái câu:"Anh là lớp học sinh lớn, em là lớp học sinh nhỏ; anh không chơi với em, nhưng em biết anh!" mà anh đã nói trong lần gặp thứ nhất, phải không? Thế thì hẳn là tôi còn phải đi kể khắp đó đây rằng, "Sao mà trên đời này lại có người đã lên chức to rồi, mà vẫn trước sau không thay đổi, vẫn khiêm tốn và nhã nhặn như xưa!"

Đến khi nỗi buồn đã nguôi ngoai, tôi tự an ủi rằng: Thôi thế mới là sự đời, mới là thế thái nhân tình và để có chuyện kể lại hầu độc giả!

Trần Huy Thuận (Nam Định)

LTS Dân trí - Câu chuyện kể trên đây chỉ có tính cá biệt hay là câu chuyện mang tính xã hội? Dù sao đấy cũng là lời cảnh báo về tác phong, về lối sống cơ hội, thiếu thủy chung cũng như tệ nạn quan liêu, hách dịch của một số quan chức nào đó. Đấy cũng là hiện tượng có mầm mống xuất hiện và có cơ hội len lỏi vào cuộc sống của xã hội chúng ta, khi đồng tiền “lên ngôi” trong cơ chế thị trường mà thiếu những biện pháp đồng bộ để giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của đạo lý truyền thống dân tộc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm